Để đẩy lui dịch bệnh trước hết phải đẩy lui được tâm lý chủ quan

BVR&MT – Với dịch bệnh Covid-19, nếu chúng ta chỉ có một quãng lơ là, thiếu chủ động, thì cái giá phải trả đã vượt xa mọi tưởng tượng.

Hiện nước ta đang ở mốc gần cuối của tuần giãn cách xã hội thứ hai nhằm ngăn chặn đà bùng phát của Covid-19. Có rất nhiều vấn đề được bàn bạc ở tuần này, đó là nguy cơ làn sóng thứ hai của Covid-19, đó là xuất hiện dù không nhiều những ca bệnh trong cộng đồng không xác định được nguồn lây, đó là công tác xét nghiệm cần được tiến hành ra sao cho hiệu quả và đặc biệt là không được phép chủ quan trong bất kỳ thời điểm nào. Bởi chỉ khi đẩy lùi được chủ quan, chúng ta mới có thể đẩy lui được dịch bệnh.

Diễn biến dịch bệnh tại một số nước châu Á mới đây cho thấy, việc vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế giãn cách xã hội sẽ dẫn đến các ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh và rất khó kiểm soát. Đây được gọi là “làn sóng” Covid-19 thứ hai mà một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo… đang phải đối mặt. Việt Nam cũng không nằm ngoài nguy cơ này nếu như chúng ta chủ quan, lơ là.

Người dân bắt đầu có dấu hiệu chủ quan, đổ ra đường khá đông bất chấp khuyến cáo cách ly xã hội.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nhận định, kinh nghiệm dịch tễ cho thấy, dù các biện pháp hạn chế đã giảm số ca nhiễm bệnh xuống mức rất thấp, nhưng điều này không có nghĩa là cộng đồng được miễn dịch hoàn toàn với virus SARS-CoV-2. Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn khi các doanh nghiệp, nhà máy và trường học dần dần hoạt động trở lại và người dân gia tăng giao tiếp xã hội. Vì vậy, ngày nào còn giãn cách xã hội, ngày đó chúng ta phải tuân thủ thật nghiêm.

“Chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội rất sớm, khi số ca bệnh chưa nhiều. Tôi cũng hy vọng thông qua giãn cách xã hội dịch không bùng lên trong thời gian tới, nhưng một số người đã chủ quan, không thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, vẫn tụ tập, đi lại, ra đường ngày hôm sau cao hơn hẳn ngày hôm trước. Một số chỉ đạo của địa phương hơi nới lỏng. Tôi cho rằng cần phải có những biện pháp thực hiện nghiêm, có như thế chúng ta mới không sợ dịch bùng lên, và việc giãn cách xã hội mới thành công”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Trước việc liên tục xuất hiện những ca mắc Covid-19 liên quan đến bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần coi những người đến khám là đối tượng nghi ngờ để tăng cường quản lý, giám sát, tránh những lỗ hổng trong phân luồng, sàng lọc, để lọt bệnh nhân Covid-19 ra cộng đồng. Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện phần lớn các trường hợp mắc tại Việt Nam là ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài chiếm gần 63% tổng số ca mắc. Số người điều trị khỏi đã chiếm hơn một nửa và chưa có bệnh nhân tử vong. Nỗ lực của cả mạng lưới thầy thuốc đã cứu được nhiều bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng và phức tạp như: Bệnh nhân số 20 đã 3 lần bị ngừng tuần hoàn; bệnh nhân 91 phi công người Anh có yếu tố béo phì với cân nặng 100 kg, bệnh nhân 237 người Thụy Điển ung thư máu….

Song thực tế cho thấy,số ca mắc không chỉ tập trung ở người cao tuổi mà bao gồm cả trẻ em, thanh thiếu niên. Mới đây nhất, áp lực còn đến với các thầy thuốc khi một số ca bệnh đã xét nghiệm âm tính nhiều lần lại dương tính với Covid-19 trở lại như bệnh nhân số 21, 50, 149. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thực tế điều trị cho thấy, dịch bệnh Covid-19 không loại trừ bất cứ ai, với diễn biến hết sức phức tạp như: Khó lường trước, gia tăng nặng nhanh.

“Chúng ta không thể đánh giá thế nào là nặng thế nào là nhẹ. Chúng ta biết con virus này hoàn toàn là chủng mới. Chúng ta cách ly đối với con virus, phải soi qua kính hiển vi, phóng đại nhiều lần mới có thể nhìn thấy được. Chỉ cần một con virus xâm nhập vào cơ thể của người dân trong cộng đồng cũng có thể gây bệnh. Những đối tượng còn trẻ, khỏe có thể chống chọi được. Nhưng với những đối tượng như nhóm người yếu thế, người cao tuổi sinh hoạt chung trong cộng đồng thì chắc chắn là ảnh hưởng rất to lớn”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Nhìn lại gần 2 tuần giãn cách xã hội, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ với quy mô lớn. Lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội và ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn 1 mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.Từ đầu dịch bệnh Covid-19 đến nay, Việt Nam đã ba lần thay đổi phác đồ điều trị và vẫn tiếp tục cập nhật đưa vào phác đồ những loại thuốc mới như: Thuốc sốt rét, thuốc điều trị HIV và thuốc Intermertin. Ngoài tập trung cao độ về nhân lực và trang thiết bị hiện đại để cứu chữa người bệnh, các chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đang được triển khai nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

“Đến thời điểm hiện nay, chúng ta phải xác định, chúng ta không cố truy tìm người dính bệnh có nguồn lây từ đâu, mà phải xác định đó chính là ổ dịch, chính là F0. Người này có 2 khả năng: Một là lây nhiễm từ người này ra cộng đồng, hai là lây nhiễm từ người xung quanh vào người này. Điều này rất quan trọng trong vấn đề về phòng chống. Như vậy chúng ta phải khoanh vùng rất nhanh tất cả những người tiếp xúc gần với người này để tiến hành xét nghiệm, đó chính là xét nghiệm F1. Vì vậy đến thời điểm hiện nay, điều quan trọng cần điều chỉnh trong chiến lược xét nghiệm để xem xét nghiệm có đúng không”, PGS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Để ngăn chặn tâm lý lơi là, chủ quan với dịch bệnh, trong ngày hôm nay, thông báo của Văn phòng Chính phủ dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 về cách ly toàn xã hội, không lơi lỏng, chủ quan. Trong hơn 2 tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, những bài học trong phòng chống dịch từ nhiều nước châu Á, Mỹ, Italy, Pháp… đã cho thấy, với dịch bệnh Covid-19, nếu chúng ta chỉ có một quãng lơ là, thiếu chủ động, thì cái giá phải trả đã vượt xa mọi tưởng tượng./