Ðể công nghiệp chế biến tạo ra “vàng ròng” cho nông sản

BVR&MT – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn từ năm 2013 đến 2019, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (2007 – 2012).

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt (Hải Dương) sơ chế cà-rốt xuất khẩu.

Năng lực chế biến yếu, chưa đồng bộ

Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 đến 7%, xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Nhờ đó, những năm vừa qua tiếp tục duy trì tám nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ một tỷ USD trở lên, trong đó có bốn mặt hàng đạt kim ngạch hơn ba tỷ USD. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến nông sản của nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, đó là khả năng chế biến của một số ngành hàng còn yếu, thiếu cơ sở và công suất chế biến, nhất là vào cao điểm mùa vụ. Ðối với các mặt hàng rau quả, thịt, hiện khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 đến 10% sản lượng hằng năm. Các mặt hàng khác như mía đường, lúa gạo, cà-phê, rau quả, thủy sản…, cũng không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ, thường gây ra tình trạng tồn ứ khiến nông sản giảm chất lượng, mất giá. Trong khi đó, trình độ công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam mới chỉ ở mức độ trung bình của thế giới. Số cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95%. Ðáng nói là, hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng một phần hai, thậm chí một phần ba của các nước khác). Theo đánh giá của các chuyên gia, các ngành hàng có trình độ công nghệ chế biến trung bình khá trở lên là thủy sản, hạt điều, gạo, cao-su, sữa, …; còn các ngành hàng như chè, giết mổ gia súc gia cầm… thì trình độ công nghệ chế biến chỉ ở mức trung bình thấp và lạc hậu. Chính những điều này đã khiến chất lượng sản phẩm nông sản của nước ta chưa ổn định, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, chiếm 70 đến 85%, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15 đến 30%, tùy lĩnh vực.

Trao đổi về nguyên nhân của tình trạng nêu trên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng, do họ chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu mà đây là điều quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà máy chế biến. Mặt khác, ngay cả khi có nguyên liệu bảo đảm về số lượng, thời điểm, chủng loại thì lại còn những vướng mắc khác về chất lượng, mức độ an toàn (an toàn thực phẩm, dư lượng các chất bảo quản, tính hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu…). Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư chế biến nông nghiệp của doanh nghiệp. Ðiều này dễ nhận thấy nhất ở lĩnh vực chế biến thủy sản. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trương Ðình Hòe cho biết: Công nghiệp chế biến thủy sản của nước ta đã có những bước tiến dài trong cả quy mô và công nghệ, nhưng trước xu hướng phát triển bền vững dựa trên “chuỗi cung ứng” thì ngành hàng này lại bộc lộ nhiều hạn chế. Ðó là thiếu nguyên liệu chế biến, ngoại trừ cá tra thì hầu hết các nhóm sản phẩm khác theo mùa vụ đều thiếu so với nhu cầu đặt hàng. Song song với đó là giá thành nguyên liệu cao, thí dụ tôm chân trắng, cùng cỡ thì giá tôm Việt Nam đang cao hơn 10 đến 20% tôm của Ấn Ðộ, khiến sức cạnh tranh của tôm Việt giảm rõ rệt trên thị trường thế giới. Ngoài ra còn phải kể đến các mục tiêu liên kết về chất lượng, sản lượng, giá cả, truy xuất nguồn gốc, uy tín chuỗi cung ứng cũng chưa thực hiện được khiến hoạt động chế biến thủy sản chưa mang lại hiệu quả tương xứng với tiềm năng.

Trong khi đó, tính pháp lý để đẩy mạnh sự phát triển của công nghiệp chế biến cũng còn hạn chế. Ðiển hình như việc doanh nghiệp chủ động xây dựng vùng nguyên liệu cũng không dễ dàng do vấn đề tập trung, tích tụ đất đai vẫn có những “điểm nghẽn” chưa tháo gỡ được. Hay như các quy định về đầu tư khi đi vào cuộc sống cũng chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Thí dụ như Nghị định 210/2013/NÐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ về Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo thống kê, qua bốn năm thực hiện, cả nước mới chỉ có 64 dự án tại 23 địa phương nhận được hỗ trợ cho thấy tính khả thi của Nghị định là khá thấp. Trong khi phần lớn doanh nghiệp đều cần được hỗ trợ, như phân tích của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (DOVECO), Ðinh Cao Khuê: Chi phí đầu tư ban đầu của một đơn vị chế biến rau quả trung bình từ 400 tỷ đồng đến khoảng 2.000 tỷ đồng, song cũng không thể có nguyên liệu sản xuất ngay từ năm đầu tiên. Do đó, doanh nghiệp cần các chính sách ưu tiên về thời gian vay vốn, thời gian trả vốn và lãi vay, mức lãi suất… một cách hợp lý để yên tâm đầu tư lâu dài.

Thách thức lớn cần nhóm giải pháp lớn

Về những thách thức phía trước của ngành công nghiệp chế biến nông sản, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp và nguyên liệu phục vụ chế biến. Trong khi thị trường xuất khẩu các sản phẩm chế biến ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc nước ta chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại sẽ là trở ngại lớn.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh các nhóm giải pháp lớn, đó là tổ chức liên kết chuỗi giá trị sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định đối với tất cả mặt hàng. Trên cơ sở thị trường tiêu thụ (bao gồm: thị phần, thị hiếu, giá cả), thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực quốc gia, các nông sản chính, các ngành hàng chưa đủ nguyên liệu cho chế biến như: thủy sản, gỗ, chè… Cùng với đó là nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất, định hướng một số công nghệ chế biến, bảo quản nông sản như: công nghệ chiếu xạ; công nghệ bao gói điều chỉnh khí quyển, bảo quản lạnh nhanh kết hợp chất hấp thụ etylen và công nghệ tạo màng để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ ngủ đông bảo quản thủy sản sống; công nghệ biến tính, sấy sinh thái để bảo quản gỗ; công nghệ sản xuất các màng phủ gỗ thân thiện với môi trường… từ đó chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, chuyển mạnh từ “đóng bao” sang “đóng gói”. Ðồng thời, triển khai rộng rãi việc thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu trồng trọt, đánh bắt, thu hoạch đến khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến; từng bước chuyển từ mô hình thanh tra, kiểm tra đối với chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm sang mô hình phòng ngừa chủ động, giám sát nguy cơ và phân loại rủi ro một cách công khai, minh bạch. Ðặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản đã ban hành, điển hình như: Nghị định 57/2018/NÐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QÐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Nghị định 98/2018/NÐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho nông sản nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu khi các hàng rào thuế quan đã được cam kết gỡ bỏ. Tuy nhiên, cùng lúc đó là các hàng rào phi thuế quan bao gồm yêu cầu về chất lượng, hàm lượng chế biến sâu, an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ được dựng lên ngày càng dày đặc, đòi hỏi nền nông nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp lớn để phát triển mạnh công nghiệp chế biến nhằm thích nghi và chiếm lĩnh nhiều thị trường xuất khẩu.

Mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm chế biến đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Cụ thể, tốc độ tăng sản lượng sản phẩm chế biến sâu đạt bình quân 7%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành hàng đạt 30% trở lên. Hơn 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao. Hình thành các cụm liên kết sản xuất- bảo quản – chế biến – tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung, như: Cụm liên kết chế biến lúa gạo; cụm liên kết chế biến thủy sản; cụm liên kết chế biến trái cây, rau; cụm liên kết chế biến các sản phẩm cây lâu năm (cao-su, cà-phê, hồ tiêu, điều, chè); cụm liên kết chế biến gỗ.