Đề cao công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

BVR&MT – Mặc dù phải tập trung cao độ, toàn diện cho công tác chỉ đạo phòng, chống đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, nhưng thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, linh hoạt, kịp thời trong việc ban hành, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trao quà cho các em học sinh tại điểm trường xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, trong công tác chăm sóc trẻ em, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 tới trẻ em, trợ giúp vật chất, tinh thần cho trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em; triển khai các chương trình chăm sóc dinh dưỡng nâng cao thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, chương trình chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng.

Ngành giáo dục đã kịp thời, linh hoạt trong việc điều chỉnh nội dung, phương thức dạy và học trong giai đoạn phòng, chống đại dịch COVID-19, triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến. Song song với việc tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục, áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; triển khai các biện pháp để ổn định học tập, tâm lý cho học sinh trở lại trường sau thời gian dài giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phát huy vai trò quản lý nhà nước về trẻ em, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, trong đó trọng tâm cho các hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em. Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu tới trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; bảo vệ trẻ em mồ côi do COVID-19; bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng.

Về thực hiện quyền tham gia của trẻ em, mặc dù trong bối cảnh COVID-19 phải cách ly xã hội, nhưng các cấp, các ngành, địa phương đã tích cực thực hiện qua các tương tác trực tuyến (các hội thảo, câu lạc bộ, livestream), qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, lồng ghép trong chương trình học trực tuyến của nhà trường. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em được tổ chức theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú; có sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông đại chúng, phát huy được hiệu quả của truyền thông mạng xã hội và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng.

Mặc dù vậy trong việc thực hiện quyền trẻ em vẫn còn một số tồn tại, đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực còn ở mức cao về số lượng vụ việc và diễn biến phức tạp, xuất hiện những vụ nghiêm trọng, dã man, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tình cảm, trí tuệ của trẻ em, thậm chí cướp đi sinh mạng của trẻ em.

Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng xuất hiện những vụ xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt trẻ em đuối nước có xu hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ đuối nước nhiều trẻ em thương tâm tại một số địa phương.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em sau giai đoạn cách ly xã hội dài ngày do đại dịch COVID-19 đang là vấn đề nóng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy lâu dài, cần đặc biệt quan tâm, giải quyết kịp thời nhưng chưa có nghiên cứu, thống kê bài bản, toàn diện để đề xuất giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề.

Kết quả việc triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến trong bối cảnh COVID-19. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, một số nội dung về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em liên quan tới trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhưng chưa được đề cập, đánh giá cụ thể.

Việc “Bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của quốc gia, ngành, địa phương theo quy định”, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho hay.

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em theo độ tuổi và các chính sách ưu tiên về giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; Việc đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em; Việc tạo điều kiện để trẻ em giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa tốt đẹp và được sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình… cần tiếp tục được quan tâm.