Để cánh rừng nghìn năm sống mãi!

BVR&MT – Cánh rừng nghiến, trai cổ thụ đang được lực lượng kiểm lâm phối hợp với người dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt. Trải dài khắp mảnh đất Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với 898 cây gỗ nghiến và trai trên dưới 1.000 năm tuổi, có chiều cao gần 50 m, chu vi hàng chục người ôm, rừng già nơi đây được coi là “khu bảo tồn”  nguồn gen quý.

Tổ bảo vệ rừng đi tuần tra, kiểm tra rừng tại xã Cốc Lý, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Với tổng diện tích khu vực rừng bảo vệ là 259,14 ha gồm 2 tiểu khu 164 và 165; thuộc 06 thôn: Làng Bom,  Làng Đá – Sín Chải, Làng Pàm, Thẩm Phúc, Nâm Ké và thôn Cốc Sâm. Khu vực rừng khoán bảo vệ có độ cao trung bình 600 m so với mực nước biển, có đỉnh cao nhất 869 m, địa hình bị chia cắt phức tạp, sườn núi dốc, có nơi dốc đứng.

Hơn nữa, xã Cốc Ly là xã vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc ít người, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, trình độ canh tác còn lạc hậu, cho nên điều kiện sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân còn nghèo và phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng. Những yếu tố xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ suy thoái rừng, mất rừng, đặc biệt là rừng có các loài cây gỗ quý hiếm.

Điều đó đòi hỏi công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng có cây gỗ nghiến, gỗ trai trên địa bàn xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà, Lào Cai) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm bảo vệ nghiêm ngặt loài thực vật quý, hiếm này sinh trưởng, phát triển bình thường và tái sinh, giữ được nguồn gen, mở rộng được diện tích rừng gỗ nghiến, gỗ trai trên núi đá vôi, chấm dứt tình trạng khai thác gỗ nghiến, gỗ trai và xâm hại rừng trái phép.

Canh giữ rừng xanh là một nhiệm vụ đặc biệt không phải của riêng ai.

Việc tổ chức các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, địa phương đã thành lập tổ bảo vệ rừng từ 15-18 thành viên trên 06 thôn bản. Tổ chức họp các thôn bản để lựa chọn thành viên nhận khoán bảo vệ rừng tham vấn hình thức khoán phù hợp với đặc thù với tầm quan trọng của rừng gỗ nghiến, gỗ trai. Lựa chọn thành viên tổ bảo vệ rừng với tiêu chí: Trẻ, khỏe, nhiệt tình, có tâm huyết với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đọc, viết thành thạo, thời gian tham gia ít nhất 20 ngày/ tháng để đảm bảo cho sự phân công thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng và trực trạm chốt bảo vệ rừng.

Tổ bảo vệ rừng thực hiện tuần tra, kiểm tra chung toàn bộ diện tích rừng có cây gỗ nghiến, gỗ trai. Tập trung tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh có nguy cơ xâm hại cao. Tổ bảo vệ rừng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm bảo vệ rừng xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà, Lào Cai). Xây dựng quy ước, hương ước quản lý bảo vệ rừng, thưởng, phạt rõ ràng và thanh toán công khai đối với mỗi thành viên người nhận khoán nếu để xảy ra những hành vi xâm hại đến rừng trái pháp luật.

Hàng năm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm kết hợp lồng ghép với các buổi họp thôn của xã ở các thôn trọng điểm để tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, tổ chức tuyên truyền cho các hộ gia đình trong thôn, vận động con em không tham gia mua, bán, vận chuyển lâm sản và vào rừng chặt phá, khai thác rừng trái phép.

Bên cạnh đó còn tổ chức tuyên gắn với lễ hội cúng rừng, Hạt kiểm lâm đã phối  hợp với chính quyền xã, các thôn bản tổ chức các buổi lễ cúng rừng, ăn thề bảo vệ rừng trong khu vực rừng gỗ nghiến, gỗ trai để góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ loài cây quý hiếm này đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai.

Ngoài ra, với mục tiêu bảo vệ diện tích rừng gỗ nghiến, gỗ trai gắn liền với việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện, trong năm 2014 UBND huyện xây dựng hồ sơ đề xuất và được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 01 cây gỗ nghiến thuộc thôn Cốc Sâm thuộc quần thể rừng gỗ nghiến, gỗ trai xã Cốc Ly là cây di sản Việt Nam.

Cây di sản Việt Nam, niềm tự hào cho truyền thống giữ Rừng ở Cốc Ly.

Trong những năm vừa qua, cơ quan thực hiện đã tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, thực hiện rà soát, thống kê các hộ trong thôn bản có sử dụng cưa xăng, yêu cầu các hộ ký cam kết với cơ quan Hạt Kiểm lâm và chính quyền xã Cốc Ly không mang cưa xăng vào rừng để khai thác gỗ, củi trái phép. Tuyên truyền phối hợp với các khu vực giáp ranh, yêu cầu người dân không vào rừng chặt phá, khai thác lâm sản trái phép…

Từ đó giảm số vụ, số cây bị chặt phá khai thác trái phép, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn gen, tính đa dạng sinh học của loài cây gỗ nghiến, gỗ trai. Bảo vệ được truyền thống giữ rừng, giữ cho màu xanh còn sống mãi.

Chiến Hữu