Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên

BVR&MT – Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 297/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030, với kinh phí dự kiến trên 28.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu của Đề án nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Đề án được đầu tư với tổng nguồn vốn là 28.554 tỷ đồng để thực hiện bảo vệ 2.246.068 ha rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật và mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.

Đồng thời, xử lý dứt điểm đối với 282.896 ha rừng và đất lâm nghiệp đang có chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm; không để phát sinh tranh chấp, xâm lấn rừng; đẩy mạnh quản lý rừng cộng đồng, thực hiện canh tác nương rẫy bền vững theo hướng nông lâm kết hợp; sắp xếp, đổi mới 55 công ty lâm nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó là khôi phục và phát triển rừng. Cụ thể, trồng 7.100 ha rừng đặc dụng, phòng hộ; trồng 136.600 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh rừng bình quân 36.600 ha/năm, trồng 48,4 triệu cây phân tán…

Các nhiệm vụ khác theo Đề án như: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng lâm nghiệp, kết hợp nâng cao đời sống người dân, giải quyết tình trạng di dân tự do. Xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản tạo đầu ra cho rừng trồng, giải quyết việc làm cho người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng bảo vệ rừng của Chủ rừng.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, Đề án cũng xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần ổn định đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; xã hội hóa đầu tư hình thành vùng lâm sản ngoài gỗ (sâm Ngọc Linh, Song Mây,…).

Thạch Thảo