Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên (2016 -2020)

BVR&MT – Khu vực Tây Nguyên có diện tích rộng lớn, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) có tổng diện tích tự  nhiên 54.638 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, với dân số khoảng 5,1 triệu người; độ che phủ 46%, đây là khu vực có vị trí quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và môi trường.

Rừng Thông 3 lá trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên trong những năm gần đây Tây Nguyên đang gặp phải những thách thức lớn về suy giảm diện tích và chất lượng rừng làm gia tăng lũ lụt, hạn hán và sạt lở đất. Cụ thể:

Từ năm 2010 đến 2015, tổng diện tích có rừng giảm 312.416 ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3, công tác phát triển rừng còn nhiều hạn chế, việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác, tình trạng xâm lấn đất trái phép, vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng xảy ra nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, công tác quản lý các cơ sở chế biến hiệu quả thấp, thiếu đồng bộ và quy hoạch không thống nhất. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan, tình trạng khô, hạn diễn ra ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là Tây Nguyên, đã có những ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội, môi trường của địa phương,…. Như vậy, một mặt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lâm nghiệp Tây Nguyên đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức, nhưng mặt khác do suy thoái rừng nên rừng đã không giữ được vai trò phát triển kinh tế xã hội, điều tiết nước, điều hòa không khí và bảo vệ môi trường….

Để chặn đứng tình trạng mất rừng, tập trung giải quyết đất đai, từng bước khôi phục, phát triển rừng bền vững phù hợp với điều kiện nguồn lực, đặc điểm, điều kiện tự nhiên của vùng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên, cần có các giải pháp lâu dài, đồng bộ, đồng thời cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương để khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại văn bản số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng, triển khai “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025”.

Mục đích của Đề án: Đến năm 2025 diện tích rừng đạt khoảng 2,76 triệu ha và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,6%; quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Thực hiện đề án này Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 3315/QĐ-BNN-TCLN ngày 12/8/2016 về Kế hoạch hành động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 và nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Qua 02 năm (2016 – 2017) triển khai thực hiện đề án này, kết quả như sau:

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng 14.377.682 ha, tăng 315.826 ha so với năm 2015, độ che phủ 41,19 %, tăng 0,35% so với năm 2015; trong đó Tây Nguyên: diện tích có rừng là 2.558.645 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015, độ che phủ 46,01%, cụ thể:

Rừng tự nhiên 2.234.441 ha, giảm 11.473ha; rừng trồng 324.204 ha, tăng 8.304 ha so với năm 2015 (Đắk Nông giảm 2.337 ha, rừng tự nhiên giảm 8.132 ha, rừng trồng tăng 5.785 ha; Gia Lai giảm 1.151 ha, rừng tự nhiên giảm 1.894 ha, rừng trồng tăng 743 ha; Kon Tum giảm 194 ha, rừng tự nhiên giảm 525 ha, rừng trồng tăng 331 ha; Đắk Lắk giảm 180 ha, rừng tự nhiên giảm 597 ha, rừng trồng tăng 417; Lâm Đồng tăng 539ha, rừng tự nhiên giảm 478 ha, rừng trồng tăng 1.017 ha).

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017, tổng diện tích có rừng 14.415.381 ha, độ che phủ là 41,45%; trong đó Tây Nguyên: diện tích rừng là 2.553.819 ha, giảm 4.826 ha, độ che phủ là 45,97%, cụ thể: Rừng tự nhiên 2.223.683 ha, giảm 10.758 ha; rừng trồng 330.137 ha, tăng 5.933 ha so năm 2016. Đắk Nông 209.807 ha, giảm 188 ha; Đắk Lắk 461.385 ha, giảm 10.198 ha; Lâm Đồng 452.839 ha, tăng 188 ha; Gia Lai 553.845 ha, tăng 21 ha; Kon Tum 545.807 ha, giảm 582 ha.

Để phát huy được: ”Đề án bảo vệ khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025” thì cần phải có các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành thực hiện, cụ thể:

  1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thống nhất từ trên xuống dưới: ngoài những ban hành văn bản về các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công tác về lâm nghiệp còn phải ban hành các văn bản về lâm nghiệp mang tính kiểm tra, giám sát thường xuyên; coi nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban ngành và địa phương có liên quan, đưa nội dung này vào việc xem xét, đánh giá kết quả cuối năm của cá nhân và tập thể; chú trọng đến công tác tuyên truyền đối với các học sinh trong nhà trường, quan tâm đến công tác tuyên truyền cho người dân nhất là người dân sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng.
  2. Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, cương quyết không thực hiện việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp; rà soát, đánh giá lại hiệu quả thực hiện của các dự án chuyển đổi rừng sang mục đích khác, kiên quyết thu hồi những dự án không hiệu quả; các Bộ ngành, TW có liên quan phối hợp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các quy định trên, cương quyết xử lý nếu để xảy ra tình trạng vi phạm. Các địa phương thực hiện nghiêm túc, gắn trách nhiệm của các địa phương cơ sở thực hiện nghiêm quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở này UBND các tỉnh xây dựng ban hành quyết định về trách nhiệm của UBND các cấp đối với việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương. Có thể xem xét cho phép khai thác tre nứa, lâm sản phụ trong rừng tự nhiên là rừng sản xuất theo quyết định số 49/2016/QĐ-TTg, quá trình thực hiện phải có kế hoạch, kiểm soát rõ ràng để giảm áp lực tác động trái phép vào tài nguyên rừng.
  3. UBND các cấp tổ chức, chỉ đạo tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị nhất là lực lượng công an, quân đội và các tổ chức xã hội (Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, dân vận,…) cùng vào cuộc. Thực tế cho thấy ở đâu mà chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo tốt lực lượng công an thì ở đó vụ việc vi phạm về lấn chiếm, phá rừng, khai thác gỗ, săn bắt,… không có các vụ vi phạm lớn, phức tạp xảy ra và được ngăn chặn kịp thời.
  4. Giải quyết tốt tình trạng di dân tự do, không để người dân lấn chiếm, phá rừng để lấy đất sản xuất, cương quyết giải tỏa thu hồi những diện tích bị lấn chiếm; các địa phương phải giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân với các đơn vị chủ rừng, các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án không để kéo dài, tạo điểm nóng. Lãnh đạo các địa phương thường xuyên hoặc định kỳ phải tổ chức họp tiếp xúc dân để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai sản xuất, khai thác gỗ,…
  5. Chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ đốivới các cơ sở chế biến gỗ; thường xuyên kiểm tra các cơ sở này, nếu phát hiện có vi phạm kiên quyết xử lý; xem xét đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới các Công ty lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty này đối với việc quản lý tài nguyên rừng và quản lý đất.
  6. Đẩy mạnh giải pháp trồng rừng thay thế, cương quyết xử lý đối với những cơ sở thủy điện, những cơ sở du lịch có sử dụng nguồn nước, những dự án chuyển đổi,… cố tình không đóng tiền, không trồng rừng, kiến nghị xử lý hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
  7. UBND các địa phương tăng cường củng cố Ban lâm nghiệp xã, tăng cường thêm 01 cán bộ có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp làm Phó Ban lâm nghiệp, thành phần tham gia là trưởng các đầu ngành ở xã (xã đội, công an, mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ,..), các thành phần chủ rừng (trạm trưởng); tăng kinh phí hỗ trợ cho Ban lâm nghiệp xã hoạt động.
  8. Tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm, giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, các phần mềm tiên tiến trong việc cập nhật thông tin, sử dụng thông tin từ ảnh google, ảnh flycam có thể xác định chính xác diện tích rừng bị lấn chiếm, bị phá hàng ngày mà không phải vào rừng. Đào tạo kiểm lâm giỏi về việc thu thập các thông tin, xử lý các thông tin, giỏi về nghiệp vụ điều tra, xét hỏi đối với các đối tượng, tổ chức có liên quan đến lấn chiếm, phá rừng, săn bắt trái phép,… để đấu tranh phá án. Sắp xếp kiện toàn lại tổ chức lực lượng kiểm lâm, tinh gọn, hiệu quả.
  9. Tập trung nghiên cứu cải thiện giống cây trồng, khảo nghiệm các giống tiến bộ kỹ thuật có chất lượng cao để phục vụ trồng rừng và thâm canh rừng; nghiên cứu phục hồi và phát triển cây bản địa đặc thù vùng Tây Nguyên. Các địa phương chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các giống mới như lúa, bắp, đậu, khoai,… cho năng suất cao, chất lượng tốt, thâm canh năng suất, nâng cao năng suất trên 01 đơn vị diện tích, qua đó giảm áp lực về phá rừng để lấy đất sản xuất.
  10. Các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo nâng cao năng suất, thâm canh tăng vụ nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, đảm bảo đủ diện tích để sản xuất, đáp ứng nhu cầu lương thực cho hộ gia đình, đồng thời tập huấn chuyển giao những kỹ thuật mới, dễ áp dụng, hỗ trợ giống mới cho năng suất cao,… từ đó giảm áp lực về thiếu đất sản xuất.   

Đình Quang (Sở NN&PTNT Lâm Đồng)