BVR&MT – Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đang thúc đẩy triển khai lập hồ sơ cấp, quản lý mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Để kịp thời triển khai việc cấp, quản lý mã số vùng trồng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang giao các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai lập hồ sơ cấp, quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh thực hiện việc cấp, quản lý mã số vùng trồng trên phần mềm cấp, quản lý mã số vùng trồng trực tuyến theo tài liệu hướng dẫn tạm thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; đồng thời, hướng dẫn và xác định các đối tượng cây trồng ưu tiên cấp mã số vùng trồng theo điều kiện của tỉnh…
Tiền Giang có thế mạnh phát triển kinh tế vườn quả đặc sản xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có gần 83.000 ha vườn trồng cây ăn quả cho sản lượng mỗi năm khoảng 1,6 triệu tấn trái cây; trong đó có nhiều đặc sản nổi tiếng, có giá trị xuất khẩu cao như: Xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), Dứa Tân Lập (Tân Phước), Thanh long Chợ Gạo (Chợ Gạo), Vú sữa Lò rèn (Châu Thành),…
Tuy nhiên, đa phần trái cây Tiền Giang chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Lượng xuất khẩu chính ngạch tỷ trọng ít. Tăng cường xuất khầu chính ngạch và giảm xuất khẩu tiểu ngạch, tháo “điểm nghẽn” trong xuất khấu trái cây là định hướng chiến lược của Tiền Giang; nhất là khi cơ hội Trung Quốc đang chấp nhận nhập khẩu trái sầu riêng Việt Nam chính ngạch.
Theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, để được xuất khẩu chính ngạch trái cây thì tiên quyết phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Tính đến cuối tháng 11/2022, Tiền Giang có 187 mã số vùng trồng đang hoạt động với tổng diện tích gần 18.000 ha, trong đó có 95 mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích trên 16.300 ha.
Toàn tỉnh có 203 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây; trong đó, có 196 mã số đóng gói trái cây sang thị trường Trung Quốc. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đang tiếp nhận 89 hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 2.550 ha; trong đó, có 80 hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng xuất sang Trung Quốc, tổng diện tích gần 3.100 ha mà nhiều nhất là sầu riêng gần 2.700 ha. Chi cục cũng tiếp nhận 52 hồ sơ xin cấp mã số cơ sở đóng gói, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng; hỗ trợ hội viên kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các vùng trồng được cấp mã số.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát sinh vật gây hại đối với các vùng trồng được cấp mã số và kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng tại địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm; bố trí cán bộ làm đầu mối tuyên truyền hướng dẫn thiết lập vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng khi được cấp mã số…
Thực hiện chỉ đạo, năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tổ chức 21 cuộc tập huấn, hướng dẫn các thủ tục cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu thu hút gần 1.100 lượt người.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Nguyễn Tấn Nhũ, địa phương có vùng chuyên canh sầu riêng gần 1.500 ha. Xã tổ chức 30 cuộc tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn về cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thu hút hàng ngàn lượt người. Ngũ Hiệp phấn đấu đẩy nhanh tiến độ làm hồ sơ xin cấp 70 mã số vùng trồng cho vùng chuyên canh.
Hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và nông dân lập hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói gắn với tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản, nhất là sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, an toàn cho sức khỏe và môi trường.
Đối với vùng trồng chuyên canh sầu riêng có tổng diện tích trên 17.000 ha, sản lượng trên 300.000 tấn quả/ năm, tỉnh tăng cường tuyên truyền Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam, hướng dẫn các địa phương và nhà vườn trồng sầu riêng chủ động sản xuất đáp ứng các quy định xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; tổ chức sản xuất sầu riêng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); hướng dẫn các hộ nông dân tuân thủ quy trình, quản lý sâu bệnh an toàn sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, các tổ chức, nông dân duy trì và mở rộng diện tích vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng đã chuyển sang cây trồng khác, vùng trồng không còn hoạt động hoặc không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu báo cáo Cục Bảo vệ thực vật thu hồi, hủy mã số…
Tại vùng chuyên canh sầu riêng, nông dân đang vào vụ thu hoạch mới với niềm vui trúng mùa, trúng giá. Thương lái thu mua giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg tùy thời điểm, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, mỗi ha sầu riêng, sau khi trừ chi phí, bà con lợi nhuận ròng trên 1 tỷ đồng. Tại vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo, giá thanh long cũng tăng trở lại. Thương lái thu mua giá gần 20.000 đồng/kg, tăng gấp đôi tháng trước. Nông dân rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, sầu riêng, thanh long của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là một trong những nguyên nhân giúp giá các loại trái cây đặc sản tăng mạnh và có thể giữ ở mức cao trong thời gian tới. Do vậy, là cơ hội để Tiền Giang phát triển vững chắc các vùng chuyên canh trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.