Đẩy mạnh cung cấp thông tin báo chí về Hội nhập quốc tế và UNESCO

BVR&MT – Ngày 5/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về Hội nhập quốc tế và UNESCO.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Đây là cơ hội để các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và đại diện các bộ, ngành liên quan gặp gỡ và cùng trao đổi về cơ chế cung cấp và chia sẻ thông tin nhằm góp phần tăng cường hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về cộng đồng chung ASEAN, về các chủ đề quan tâm tới UNESCO của người dân trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về công tác thông tin tuyên truyền nhiều mảng, trong đó có hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO. Hiện nay Bộ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền, quảng bá ASEAN và là cơ quan chủ trì Tiểu ban thông tin thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO.

Theo đó, Bộ đã bước đầu xây dựng mạng lưới các phóng viên chuyên trách về các chủ đề trên với mục đích kết nối nhóm phóng viên này với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, để cung cấp thông tin chuyên sâu, truyền tải đến công chúng cả nước.

Hiện, các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động về hội nhập, ASEAN và UNESCO. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí chưa được làm thường xuyên, đầy đủ. Công tác tuyên truyền về ASEAN vẫn chủ yếu trên các kênh truyền thống, chưa chú trọng đến việc tuyên truyền trên mạng xã hội. Việt Nam hiện có gần 70% người dân sử dụng Facebook và trong tốp 5 nước truy cập Youtube.

Về định hướng công tác tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoan 2019-2020, TS. Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2019, các cơ quan chức năng bám sát các hoạt động theo chủ đề nước Chủ tịch ASEAN năm 2019 (Thái Lan) đưa ra là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” và chủ đề của Việt Nam sẽ đưa ra năm 2020.

Theo đó, cách thức thực hiện sẽ là tạo mạch tuyên truyền xuyên suốt, thường xuyên, liên tục tới các địa phương, ưu tiên tuyên truyền về các vấn đề cụ thể, thực chất, có lợi ích thiết thực cho người dân; đưa ra các sáng kiến truyền thông đi vào khu vực chuẩn bị cho năm Chủ tịch 2020.

Mục tiêu tuyên truyền nhằm tập trung mạnh mẽ, thể hiện dòng chảy chính của công tác hội nhập ASEAN, góp phần nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận, niềm tin của xã hội và sự ủng hộ của người dân, dư luận cho năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Đặc biệt, mức độ tuyên truyền cần được ưu tiên trong năm 2019, 2020, đặc biệt là trong tháng ASEAN (tháng 8) và Tuần ASEAN (28/7-8/8). Đối tượng ưu tiên tuyên truyền là các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề xuất khẩu tại các địa phương và giới trẻ. Trong đó, trách nhiệm của các cơ quan báo chí là đẩy mạnh tuyên truyền về ASEAN trên tất cả các loại hình; chia sẻ tin, bài, ảnh, tài liệu, video, audio… lên cơ sở dữ liệu chung và khai thác tuyên truyền ASEAN thường xuyên, liên tục.

Theo Tiến sĩ Phan Thảo Nguyên, công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 của Việt Nam cũng đang được thực hiện. Đây là cơ hội để Việt Nam được đóng góp vào công việc chung, vì mục tiêu lợi ích chung. Đảm nhận thành công Chủ tịch ASEAN 2020 chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực, đáp ứng sự tin tưởng của các nước thành viên và đối tác.

Trước đó, để chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam. Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.