Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các làng nghề và sản phẩm OCOP

BVR&MT – Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP 2020 đang được diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại, Hà Nội. Với 150 gian hàng của hơn 30 tỉnh, thành phố trong khắp cả nước đây là hoạt động nhằm tôn vinh các làng nghề đồng thời tuyên truyền, quảng bá, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Không gian hội chợ.

Với chủ đề: “Kết nối chuỗi giá trị để phát triển sản phẩm làng nghề Việt Nam”, Hội chợ “Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2020” diễn ra từ ngày 5/11 đến 9/11/2020 do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức. Tại đây bày bán những sản phẩm làng nghề truyền thống như: mỹ nghệ kim hoàn, gốm sứ, pha lê, điêu khắc trạm khảm, sơn mài, mây tre đan, thêu, dệt thổ cẩm, lụa… Ngoài ra, còn có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản như: lương thực, thực phẩm, trái cây và đồ uống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các sản phẩm chứng nhận OCOP (Mỗi xã một sản phẩm).

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, mang đậm nét văn hóa dân tộc.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Đây là hoạt động thường niên của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm mục đích quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống; giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công nhằm nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP) theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Những sản phẩm vùng cao Tây Bắc Mù Cang Chải

Một số các sản phẩm OCOP của các đơn vị tham gia hội chợ.
Một số các sản phẩm OCOP của các đơn vị tham gia hội chợ.

Tuy thành công bước đầu nhưng các sản phẩm này lại chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Đặt trong bối cảnh dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có ngành nông nghiệp Việt Nam thì việc tổ chức các hội chợ là điều thật sự cần thiết và sáng tạo thực tế. Không chỉ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm Ocop mà còn tìm kiếm được các kênh tiêu thụ hiện đại và truyền thống, khẳng định và nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm ocop của các địa phương lên tầm quốc gia.

Chị Lò Thị Vân và những sản phẩm dệt tay từ xã Pa Thơm – huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Chị Lò Thị Vân và những sản phẩm dệt tay từ xã Pa Thơm – huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Cũng tại hội chợ lần này, ban tổ chức còn tổ chức hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 với 5 giải nhất, 5 giải nhì, 5 giải ba và 27 giải khuyến khích cho các tác phẩm có tính sáng tạo, mang đậm nét văn hóa dân tộc Việ Nam. Qua đó tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế sản phẩm thủ công phát huy ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

Hà Linh