Đẩy mạnh bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh

BVR&MT – Trong những năm qua, Ban Quản lý rừng đặc dụng (BQLRĐD) Tây Côn Lĩnh đã tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố và chính quyền các xã, bản thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), quản lý lâm sản. Cùng với đó, công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) cũng được triển khai thực hiện hiệu quả.

Khu bảo tồn thiên nhiên RĐD Tây Côn Lĩnh của tỉnh Hà Giang có diện tích trên 15.000 ha, nằm trên địa bàn 27 thôn của 10 xã thuộc 3 huyện, thành phố. Trong đó chủ yếu trên địa bàn huyện Vị Xuyên, kéo dài từ xã Lao Chải qua Xín Chải, Thanh Thủy, Phương Tiến, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thượng Sơn; thành phố Hà Giang có xã Phương Độ, Phương Thiện; huyện Hoàng Su Phì có xã Túng Sán.

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Để chủ động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, BQLRĐD Tây Côn Lĩnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp, xây dựng quy chế phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các cơ quan chức năng trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được đơn vị xác định “phòng ngừa là chính” ngay từ đầu năm đã chú trọng đến công tác tuyên truyền và thay đổi hình thức, nội dung tuyên truyền đơn giản, gắn gọn, dễ hiểu. Đặc biệt bố trí công chức, viên chức thường xuyên bám nắm địa bàn cùng ăn, cùng ở với dân do đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về tư duy, cách nghĩ, cách làm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của người dân.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh tuần tra, bảo vệ rừng.

Hàng năm, BQL luôn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã thuộc thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì thực hiện đúng các quy định trong việc chi trả tiền khoán bảo vệ rừng. Đối tượng nhận khoán là hộ dân, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương; cộng đồng dân cư thôn, bản; các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn; tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương. Khi được nhận khoán, các đối tượng có trách nhiệm thường xuyên tổ chức tuần rừng theo kế hoạch, kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến rừng, bảo đảm rừng được bảo vệ tốt và phải chịu trách nhiệm khi rừng bị xâm hại.

Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, BQL phối hợp với UBND các xã trong khu bảo tồn và các cơ quan chức năng, huy động tổ đội tổ chức tuần rừng, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Trong năm 2019 lực lượng chức năng đã phát hiện được 05 vụ khai thác lâm sản trái phép (giảm 5 vụ so với năm 2018). Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô, cao điểm về cháy rừng, BQL đã chỉ đạo, tổ chức cho lực lượng triển khai phát dọn thực bì, tu sửa đường băng cản lửa; cắt cử cán bộ, tổ, đội nhận khoán trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/7 tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng nên năm qua không để xảy ra tình trạng cháy rừng.

Bảo tồn đa dạng sinh học

Theo thống kê của ngành chức năng, nơi đây có 796 loài thực vật đã được ghi nhận, trong đó 54 loài thực vật quý hiếm, chiếm 7% tổng số loài. Trong số này, có 49 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, chiếm trên 6% tổng số loài đã biết trong khu vực nghiên cứu, có 3 loài thuộc cấp rất nguy hiểm (CR); 19 loài thuộc nhóm nguy cấp (EN); 27 loài thuộc nhóm sẽ nguy cấp (VU); 4 loài nằm trong Danh lục đỏ của IUCN; 3 loài thuộc cấp ít nguy cấp (LR); 14 loài nằm trong NĐ32/2006 NĐ-CP chiếm trên 1,7% tổng số loài đã biết trong khu vực nghiên cứu và chiếm khoảng 27% tổng số loài có tên trong NĐ32/2006 NĐ-CP; 11 loài nằm ở nhóm IA, 3 loài nhóm IIA; 5 loài nằm trong phụ lục II của CITES (Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa). Khu bảo tồn còn có 213 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 36 loài quý hiếm. Trong số này có 14 loài thú ghi trong Danh lục đỏ IUCN (2015); 24 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 17 loài ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính Phủ và 15 loài ghi trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của CITES. Việc bảo vệ rừng được BQL RĐD Tây Côn Lĩnh và các địa phương đặc biệt coi trọng bởi không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế – xã hội, môi trường mà còn là sự bảo tồn, gìn giữ những nguồn gen đặc hữu cho thế hệ sau.

Là rừng tự nhiên với nhiều loài động thực vật phong phú nơi đây được bảo vệ nghiêm ngặt.

Với diện tích rừng phòng hộ rộng lại trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, triền núi cao, đường giao thông xuống cấp,… gây khó khăn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng và tổ chức chữa cháy rừng. Không những thế, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng vốn tự cung, tự cấp qua nhiều thế hệ, coi việc khai thác rừng là nguồn sống nên để thay đổi nhận thức không hề đơn giản. Trên địa bàn một số xã vẫn xảy ra tình trạng người dân sử dụng các loại súng, bẫy tự chế để săn bắt động vật hoang dã,…

Giám đốc BQL kiểm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm RĐD Tây Côn Lĩnh, Cao Đại Quang cho biết: Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, đơn vị xác định tiếp tục thực hiện tốt việc duy trì công tác tuần tra BVR; thực hiện hiệu quả việc kết hợp giữa 3 lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi liên quan đến khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép tại khu bảo tồn.

Ngoài ra sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các xã, bản tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nội quy, quy ước và hương ước bảo vệ bền vững tài nguyên rừng. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đình Tưởng