Đầu tư cho nông dân để phát triển nông nghiệp

BVR&MT – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa; phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.

Trồng lan công nghệ cao của Hợp tác xã hoa lan Huyền Thoại, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thành Nam – Quang Sơn).

Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân – một lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Theo đó, sẽ đổi mới hình thức hoạt động các tổ chức của nông dân, bảo đảm thực chất, hiệu quả; hỗ trợ đào tạo, trao quyền cho người dân để họ trở thành lực lượng chính trong phát triển kinh tế-xã hội, quản lý tài nguyên môi trường; phát huy nội lực, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các điều kiện phát triển và hưởng thụ phúc lợi xã hội; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Thực tế, quan điểm nông dân là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ, đã được xác định thực hiện trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa đạt được những dấu ấn mang tính đột phá. Nông dân vẫn còn bị động trong sản xuất, chưa thích ứng linh hoạt được với những biến động nhanh chóng và liên tục của thị trường. Hoạt động sản xuất của nông dân phần lớn vẫn mang tính truyền thống, việc áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số mới chỉ xuất hiện ở số ít các mô hình sản xuất quy mô lớn và có liên kết. Do đó, sản phẩm sản xuất ra chưa đồng đều về mẫu mã, chất lượng, nhất là thiếu vắng các chứng chỉ thực hành nông nghiệp tốt được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm như GlobalGAP, HACCP… Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nông sản của nước ta đa dạng về chủng loại, năng suất cao, sản lượng lớn, nhưng luôn gặp trở ngại trong khâu tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu. Vì vậy mà người nông dân dù quanh năm “một nắng hai sương”, cần mẫn trên từng cánh đồng, thửa ruộng nhưng vẫn chưa có được thu nhập tương xứng để ổn định đời sống và yên tâm sản xuất.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững được phê duyệt trong bối cảnh cần có sự chuyển động mạnh mẽ trong đội ngũ nông dân được kỳ vọng sẽ là cơ sở cho việc ra đời các chính sách mới, thiết thực và hiệu quả. Cụ thể như khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình đào tạo, có chứng chỉ sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu mới của thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ tín dụng, chính sách bảo hiểm, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ nông sản… Đây cũng là cơ sở để thực hiện tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới; nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành nơi đáng sống, văn minh, xanh-sạch-đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.