Đâu là giải pháp để chấm dứt tình trạng ô nhiễm từ NVSCC cũ?

BVR&MT – Qua các bài viết của Bảo vệ Môi trường TV về phản ánh của người dân trước tình trạng mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường của 2 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ngõ 44 và ngõ 52 phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, đại diện Công Ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – Chi nhánh Hai Bà Trưng (Urenco 3) cho biết, việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà vệ sinh công cộng là hoàn toàn hợp lý nếu dân cư ở khu vực phường Trương Định đều đồng ý và đề xuất.

► Bài 1: Nhếch nhác Nhà vệ sinh công cộng giữa lòng thủ đô!

► Bài 2: Hà Nội: Nhà vệ sinh công cộng cũ – nỗi ám ảnh bao giờ chấm dứt?

Sau khi Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường đăng tải bài viết: Nhếch nhác Nhà vệ sinh công cộng giữa lòng thủ đô! (ngày 27/6/2022)Hà Nội: Nhà vệ sinh công cộng cũ – nỗi ám ảnh bao giờ chấm dứt? (ngày 1/7/2022), UBND phường Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã chỉ đạo và phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – Chi nhánh Hai Bà Trưng (Urenco 3) thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh.

Trao đổi với Phóng viên (PV) Bảo vệ Môi trường TV, ông Hoàng Trọng Tuấn – PGĐ Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hà Nội – Chi nhánh 2 Bà Trưng (Urenco3) cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh của Tạp chí, Công ty đã kiểm tra và cho sửa chữa khắc phục đối với 2 nhà vệ sinh công cộng có tình trạng bong tróc, hư hỏng cánh cửa. Còn đối với tình trạng bốc mùi, gây ô nhiễm ảnh hưởng đối với những hộ dân xung quanh Công ty đã cho tăng cường dọn vệ sinh và tẩy rửa”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế và qua phản ánh của người dân xung quanh, hiện trạng của 2 nhà vệ sinh công cộng ngõ 44 và ngõ 52 phố Đại La sau khi đã được Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hà Nội – Chi nhánh 2 Bà Trưng (Urenco3) khắc phục và sửa chữa không có nhiều sự thay đổi so với trước đó. Theo ông Tuấn 2 nhà vệ sinh này đã được xây dựng từ rất lâu trước đây (khoảng 30-40 năm trước) nên không tránh khỏi việc xuống cấp, xập xệ. Ông Tuấn cho rằng, ngoài những yếu tố trên thì việc duy trì còn phải phụ thuộc vào ý thức của người dân khi sử dụng NVSCC. Ông Tuấn cho biết việc chuyển đổi mục đích sử dụng 2 nhà vệ sinh ở ngõ 44 và ngõ 52 là hoàn toàn hợp lý nếu dân cư ở khu vực phường Trương Định đều đồng ý và đề xuất.

Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch UBND phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường (baovemoitruong.org.vn) về tình trạng ô nhiễm môi trường của 2 nhà vệ sinh công cộng ngõ 44 và ngõ 52 tại phố Đại La, UBND phường Trương Định đã yêu cầu Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hà Nội – Chi nhánh 2 Bà Trưng (Urenco 3) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, duy tu, bảo trì hệ thống thường xuyên, đúng kế hoạch đối với nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn nhà vệ sinh công cộng ngõ 44 và 52 và trên địa bàn quận nói chung. Đồng thời khắc phục, sửa những hư hỏng về vật chất tránh tình trạng xuống cấp và gây ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh.

Trao đổi với Phóng viên về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng của 2 nhà vệ sinh công cộng, ông Hưng cho biết: “Phường chỉ có trách nhiệm quản lý các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn. Phường chỉ có quyền đề xuất, không có quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng 2 nhà vệ sinh công cộng”. Đồng thời việc chuyển đổi mục đích sử dụng của 2 nhà vệ sinh công cộng ngõ 44 và ngõ 52 thuộc thẩm quyền của quận. Người dân trên địa bàn muốn chuyển đổi mục đích sử dụng của 2 NVSCC cần làm đầy đủ thủ tục theo các bước sau:

Bước 1: Tổ dân phố tập hợp ý kiến của người dân trong khu vực về vấn đề xin chuyển đổi mục đích sử dụng của 2 nhà vệ sinh công cộng ngõ 44 và ngõ 52 phố Đại La.

Bước 2: Tổ dân phố lập hồ sơ chuyển lên phường.

Bước 3: Phường sẽ xem xét tính khả thi của hồ sơ. Từ đó, xét tính khả thi, phù hợp về mục đích chuyển đổi Phường sẽ đề xuất, xin ý kiến của Quận và phường sẽ có câu trả lời cụ thể, rõ ràng đến quần chúng nhân dân.

Thực hiện: Đình Tưởng – Thạch Lam – Đình Trà