Dấu hiệu hy vọng cho linh trưởng Việt Nam

BVR&MT – Theo kết quả các cuộc khảo sát gần đây, hai loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam đã có một bước lùi nhỏ nhưng đáng kể trên con đường bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng. Đây là phần thưởng lớn dành cho những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà bảo tồn linh trưởng.

Việt Nam có 25 loài linh trưởng tuyệt vời, nằm trong số đó là loài đặc hữu. Điều này biến Việt Nam trở thành một trong những nơi quan trọng nhất trên hành tinh về đa dạng linh trưởng. Thật không may, nạn săn bắn tàn bạo đã khiến nhiều loài chênh vênh trên bờ tuyệt chủng.

Vượn cao vít – được đặt tên theo kiểu tượng thanh tiếng hú ám ảnh của nó – là một trong những loài vượn bị đe dọa nhất thế giới. Vào thời điểm được các nhà khoa học Việt Nam làm việc cho FFI tái phát hiện năm 2002, loài linh trưởng nhào lộn ngoạn mục này chỉ sống trong một khu rừng nhỏ bị chia cắt ở biên giới với Trung Quốc.

Nhờ những nỗ lực chung của FFI và các đối tác, việc săn bắn và mất sinh cảnh ở khu vực đặc biệt này gần như bị loại bỏ, kết quả là số lượng vượn đã tăng 20% ​​trong thập kỷ qua, ước tính lên tới con số 135 cá thể. Theo điều tra mới nhất, quần thể đó ổn định – và có lẽ vẫn đang tăng lên – đồng thời diện tích chiếm hữu của vượn đã mở rộng.

Bên cạnh Vượn cao vít, kết quả bảo tồn loài Voọc quần đùi trắng – một loài khỉ ăn lá thanh lịch bị giới hạn trong những sinh cảnh đá vôi nhỏ bé và lởm chởm ở miền bắc Việt Nam cũng rất đáng khích lệ.

Năm 2016, các nhà khoa học của FFI đã phát hiện ra quần thể lớn thứ hai thế giới của loài linh trưởng bị đe dọa nghiêm trọng này, bao gồm khoảng 40 cá thể. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của FFI gần đây ở cùng địa điểm xác nhận sự hiện diện của 73 cá thể Voọc quần đùi trắng trong 13 đàn riêng biệt. Riêng báo cáo từ một số nhóm khác, tổng số có thể là 100 con.

Đàn Voọc quần đùi trắng trên núi đá vôi (Ảnh: Nguyễn Văn Trường/FFI)

Số lượng tăng đáng kể là phần thưởng xứng đáng cho hai năm phối hợp hành động bảo tồn loài linh trưởng tuyệt vời này và cũng cho thấy Kim Bảng quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của loài này. Quần thể duy nhất khả thi khác – bao gồm khoảng 150 con voọc quần đùi trắng – ở Khu BTTN Vân Long gần đó.

Để có thành công đó, chính quyền địa phương đã nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của rừng Kim Bảng. Ngày 10 tháng 1 năm 2019, UBND tỉnh Hà Nam đã đồng ý thành lập một khu bảo tồn mới để bảo vệ loài Voọc quần đùi trắng và sinh cảnh của nó khỏi các mối đe dọa như săn bắn, khai thác gỗ lậu và khai thác đá làm xi măng.

Phê chuẩn đề xuất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo rằng sự phát triển bền vững và không phải trả cái giá bảo tồn cho phát triển kinh tế.

Ranh giới chính xác vẫn chưa được quyết định nhưng có khả năng bao gồm gần 2.500 ha rừng. Josh Kempinski, người đứng đầu chương trình FFI ở Việt Nam, hoan nghênh tin tức đó: “Một cảm giác tuyệt vời. Vẫn còn nhiều việc phải làm vì chúng tôi cần phải có thêm càng nhiều càng tốt diện tích đất rừng hiện đang được dành cho khai thác đá làm xi măng, nhưng đây là một khởi đầu tuyệt vời”.

Cùng với việc số lượng voọc Cát Bà đang tăng lên, kết quả khảo sát vượn cao vít và voọc quần đùi trắng là một nguyên nhân chính đáng để ăn mừng. Tuy nhiên, cả ba loài vẫn nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp, và điều quan trọng là cần tiếp tục thận trọng, nếu chúng ta muốn đảm bảo sự tồn tại lâu dài của chúng.

Nhật Anh (Theo fauna-flora.org)