BVR&MT – Cả cuộc đời gắn bó với nghề dệt lụa, nghệ nhân Phạm Khắc Hà luôn đau đáu nỗi niềm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại. Đối với ông, giữ gìn là đi tìm những giải pháp tăng thu nhập của nghề và khơi nguồn ngọn lửa đam mê đối với thế hệ trẻ trong làng để tiếp nối ba chữ thiêng liêng “lụa Vạn Phúc”. Ngoài ra, câu hỏi làm thế nào để mang lụa Vạn Phúc đến gần và phổ biến hơn đối với bạn bè quốc tế cũng luôn là niềm trăn trở trong suốt những năm bền bỉ bám nghề dệt lụa của nghệ nhân Phạm Khắc Hà.
Niềm tin của khách hàng là kim chỉ nam
Lớn lên ở làng lụa Vạn Phúc, bởi thế ngay từ nhỏ tiếng thoi đưa, tiếng khung cửi kẽo kẹt đã ăn sâu vào trong tiềm thức và trở thành một phần tuổi thơ của nghệ nhân Phạm Khắc Hà. May mắn, được sinh ra trong gia đình truyền thống 5 đời theo nghề dệt lụa, lại thêm chất lính cứng cỏi, ông Hà luôn đau đáu với việc gìn giữ, phát huy nghề dệt lụa truyền thống. Ông luôn tâm niệm phải giữ lấy nghề vì nghề là máu thịt, mồ hôi, xương cốt cha ông làng Vạn Phúc để lại.
Theo lời nghệ nhân Phạm Khắc Hà, lụa Vạn Phúc chỉ sử dụng chất liệu tơ tằm truyền thống, do bàn tay của người lao động tạo nên. Điều đáng quý là các sản phẩm ở đây được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có nhiều ưu điểm khác hẳn với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Đối với ông Hà, điều quan trọng nhất để giữ gìn tên tuổi của lụa Vạn phúc chính là chữ tín và niềm tin của khách hàng.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nghệ nhân Phạm Khắc Hà cũng có nhiều niềm trăn trở để duy trì và phát triển nghề truyền thống: “Để duy trì được nghề dệt truyền thống của cha ông, đưa làng nghề dệt Vạn Phúc phát triển như hiện nay, đó là cả một sự cố gắng, đồng lòng của toàn thể người dân làng nghề, cùng sự định hướng, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay mà làng nghề Vạn phúc nói riêng và các làng nghề truyền thống Việt Nam gặp phải chính là nguồn nguyên liệu không ổn định, việc xử lý nguyên liệu còn rất thủ công do chưa hình thành được các cơ sở, nhà máy chế biến và xử lý”.
Dành nhiều tâm huyết, tình cảm cho nghề dệt truyền thống của cha ông để lại nhưng những khó khăn liên tiếp đã khiến nhiều nghệ nhân băn khoăn, trắc trở với nghề. Việc phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm trôi nổi, giá thành rẻ trong khi nguồn nguyên liệu và nhân lực tay nghề cao ngày càng ít đã khiến nghề dệt lụa Vạn Phúc bị mai một dần. Trắc trở là vậy nhưng ông Hà cùng những nghệ nhân trong làng vẫn luôn không ngừng tìm ra những đường hướng mới để phát triển.
Đau đáu một niềm đưa lụa Vạn Phúc vươn tầm quốc tế
Song hành với phát triển làng nghề, nghệ nhân Phạm Khắc Hà luôn quan tâm đến việc giữ gìn thương hiệu lụa Vạn Phúc. Đặc biệt hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm lụa trôi nổi, chất lượng kém hoặc các hàng giả, hàng nhái có giá cả chỉ bằng một phần của sản phẩm chính hiệu. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Hà cùng với hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc đã tập huấn cho các hộ gia đình vừa biết cách quảng bá sản phẩm vừa giữ gìn thương hiệu sản phẩm. Theo ông Hà: “Để thương hiệu sản phẩm không bị lẫn với hàng nhái, hàng giả, Ban Chấp hành Hội làng nghề Vạn Phúc đã tập huấn và quán triệt các hộ sản xuất dệt hoa văn có tên thương hiệu “Lụa Hà Đông” và tên của chính các hộ ở mép sản phẩm bằng kỹ thuật dệt đặc biệt. Từ đó khách hàng cũng yên tâm và có căn cứ đối với sản phẩm có chất lượng được sản xuất trực tiếp tại Vạn Phúc. Rất nhiều khách hàng từ bốn phương đã biết đến và tìm mua những tấm lụa có dòng chữ “Lụa Hà Đông” được dệt nổi ở mép vải. Những tấm lụa ấy, họ chỉ có thể tìm thấy duy nhất ở làng nghề Vạn Phúc”.
Đối với việc truyền lửa, ông Hà và Hội làng nghề đã tổ chức các lớp học để hướng dẫn từng khâu cho các bạn trẻ được khơi dậy đam mê nối nghiệp. Các buổi học tâm huyết ấy, các bạn trẻ không chỉ được học về kỹ thuật dệt lụa mà còn được học sửa trực tiếp các lỗi khi máy móc trong công đoạn dệt gặp vấn đề.
Gắn bó cả cuộc đời với nghề dệt lụa truyền thống, nghệ nhân Phạm Khắc Hà mong muốn nghề dệt lụa Vạn Phúc trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, ứng dụng những máy móc kỹ thuật hiện đại để sản xuất được số lượng lớn, cung cấp cho các đầu mối nước ngoài.
Thực hiện: Tuyết Lan – Đình Trà