Đất lửa hồi sinh

BVR&MT – Hơn nửa thế kỷ đã qua, những dấu tích tàn phá của chiến tranh tại tọa độ lửa Ðồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) dần lùi vào quá khứ, vùng đất lửa năm nào đã và đang vươn lên mạnh mẽ bằng khát vọng, ý chí của bao thế hệ người dân nơi đây.

Những địa danh Ðồng Lộc, Khe Giao, Làng K130… bị “bom cày, đạn xới” trên tuyến lửa nay bừng lên một sức sống mới, sức sống của làng quê nông thôn mới trù phú, đô thị đông vui.

Khúc tráng ca bất tử

Lần theo cảm xúc hào hùng, xúc động của tháng tri ân, chúng tôi được dịp gặp lại ông Lâm Ðức Chuân ở xóm Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc (Can Lộc), nguyên Phó Chủ tịch UBND, Xã đội trưởng xã Thượng Lộc giai đoạn 1960-1980. Năm nay sang tuổi 96 nhưng khi được hỏi về ký ức bi tráng, rất đỗi hào hùng của dân tộc ta những năm cả nước hướng về miền nam ruột thịt, ông Chuân tỏ ra rất tinh mẫn, hào sảng, kể: Xã Thượng Lộc nằm trên tuyến đường 15A và đường tránh Ngã ba Ðồng Lộc trong núi Trà Sơn, trên địa bàn có nhiều trận địa pháo, tên lửa và kho đạn dược của quân ta. Vì vậy địch tập trung bắn phá rất dữ dội. Sau mỗi trận máy bay địch nã bom, rốc két và pháo kích, làng mạc tan hoang, núi rừng nham nhở, tiếng gào thét của vợ mất chồng, mẹ tìm con lẫn trong màn khói đen kịt tạo ra nỗi kinh hoàng từ làng trên đến xóm dưới. Mất mát, đau thương là vậy nhưng nhiều gia đình ở đây vẫn tự nguyện đưa thương binh về chăm sóc, rồi nhường cả nhà, nhường vườn làm kho, mở đường tránh, làm trạm cứu thương… “Xe chưa qua nhà không tiếc” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành triết lý sống của thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ”, ông Lâm Ðức Chuân khẳng định.

Từ trong ký ức của các nhân chứng và qua giới thiệu của Trưởng phòng Thuyết minh (Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Ðồng Lộc) Phan Công Lệ, chúng tôi được biết, toàn bộ khu vực Ngã ba Ðồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, thuộc phạm vi các xã: Ðồng Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc. Ðịa hình trống trải, một bên là đồi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy, mùa khô đường bụi đỏ, mùa mưa nước đọng, khi bị địch đánh phá thì rất khó khắc phục. Nhận rõ vị trí quan trọng của Ðồng Lộc, ngay sau khi đánh sập tất cả các cầu trên đường 1A, kẻ thù tiếp tục đánh phá đường 15A (Lạc Thiện-Ðồng Lộc-Khe Giao-Hương Khê-Quảng Bình và từ Lạc Thiện-Ðồng Lộc-Khe Giao rồi theo đường 21, 22 vào Quảng Bình), trọng điểm là từ Cống 19 (Phú Lộc) đến Khe Giao. Theo thống kê, chỉ tính từ năm 1964-1968, Ngã ba Ðồng Lộc đã phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, ước tính, mỗi mét vuông đất phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của Tiểu đội 4 Ðại đội 552 thanh niên xung phong do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng, người trẻ nhất 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 24, lứa tuổi đẹp nhất đời người…

Một góc thị trấn Ðồng Lộc (Can Lộc).

Xanh lên từ đất lửa

Biến nỗi đau thành hành động, sau chiến tranh, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây lại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống và bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP được ươm mầm, chăm sóc ngay trên những hố bom xơ xác năm nào, anh Nguyễn Huy Phố ở thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc cho biết, trang trại đóng chân ở khu vực trận địa pháo năm xưa cho nên xuất hiện nhiều hố bom sâu hoắm, nham nhở. Do đó gia đình san lấp, thậm chí “tận dụng” hố bom ngay khi bước chân đến đây lập nghiệp. Ðối với các hố bom nằm trên sườn đồi, hoặc nơi có địa hình bằng phẳng, chúng tôi huy động máy móc, nhân lực san lấp để tạo một không gian rộng lớn trồng cây có múi. Riêng những hố bom nằm ở khu vực thấp trũng được cải tạo thành ao nuôi cá hoặc nơi tích trữ nước phục vụ tưới tiêu. Nhờ biết cải tạo, quy hoạch vườn đồi hợp lý, toàn bộ diện tích rộng gần 4ha ở đồi ngã ba thôn Thanh Mỹ được anh Phố khai thác hiệu quả. Ngoài 1.300 gốc cam, bưởi, trong đó có 500 gốc cam đã cho thu hoạch, anh Phố còn xây dựng thêm trang trại nuôi gà thịt và trồng mới hàng trăm gốc cam giòn (một đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao của Thượng Lộc) để tận dụng tối đa nguồn phân bón hữu cơ từ trang trại nuôi gà quy mô 4.500 con/năm. Anh Phố dự kiến đến năm 2023 khi toàn bộ cây trồng cho thu hoạch, trang trại sẽ mang lại nguồn thu hơn 2,5 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Hòa, trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Huy Phố là một trong 300 mô hình kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho người dân, trong đó có 8 mô hình lớn, 19 mô hình vừa sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế cao. Thu nhập của người dân khá cao, ổn định với mức bình quân 44 triệu đồng/người/năm. Từ chỗ trồng khoai, sắn để mưu sinh, các gia đình của anh Nguyễn Huy Phố, chị Phan Thị Hiền, Dương Thị Mai… và rất nhiều hộ nông dân khác ở Thượng Lộc đã mạnh dạn áp dụng khoa học-kỹ thuật, gây dựng thành vườn cam đạt chuẩn VietGAP bội thu.

Tạm biệt những vườn cam xanh mướt đang vươn mình trong nắng sớm chờ ngày thu quả ngọt dọc miền Trà Sơn, chúng tôi tìm về Ðồng Lộc để hiểu rõ hơn sự đổi thay của “trái tim” tuyến lửa sau ba năm khoác lên mình chiếc áo của một đô thị mới. Chủ tịch UBND thị trấn Ðồng Lộc Nguyễn Bá Tặng vui mừng cho biết, những con đường trải nhựa rộng thênh thang, len lỏi qua từng khu phố với nhiều dãy nhà cao tầng khang trang, tiện nghi được dựng xây trên “đất lửa” là kết quả có được từ định hướng xây dựng Ðồng Lộc trở thành một đô thị du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử gắn với quần thể di tích tại ngã ba huyền thoại. Nắm bắt nhu cầu du lịch, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước khi về Ðồng Lộc, hơn 300 hộ dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn và các sản phẩm du lịch. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Kết quả chỉnh trang, xây dựng đô thị ở Ðồng Lộc năm sau bao giờ cũng vượt mức năm trước. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng nông nghiệp giảm dần; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại tăng. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, hệ thống công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.

Ðể Ðồng Lộc cùng các xã ở quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh bắt nhịp và giữ đà tăng trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, trên cơ sở quy hoạch, chiến lược phát triển chung của tỉnh và định hướng phát triển được Ðại hội Ðảng bộ huyện Can Lộc khóa 36 đưa ra, thời gian tới huyện Can Lộc sẽ tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, coi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là nhiệm vụ cốt lõi, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền. Trước mắt địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất làm tiền đề cho sản xuất hàng hóa gắn với chỉnh trang vườn hộ, phát triển trồng trọt, chăn nuôi quy mô phù hợp, tăng cường liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa… Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện; khai thác lợi thế để phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, hình thành các tour, tuyến du lịch trong và ngoài nước để khai thác du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Huyện sẽ chú trọng hơn nữa yếu tố văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, con người Can Lộc trong thời kỳ mới; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thực hiện tốt an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

NGUỒNnhandan.vn
Tags: ,
CHIA SẺ