Đập gây ra tuyệt chủng

BVR&MT – Trước khi bị các nhà khoa học tuyên bố là tuyệt chủng vào cuối tháng 12/2019, cá tầm thìa Trung Quốc, loài bản địa ở hệ thống sông Dương Tử và là một trong những loài nước ngọt lớn nhất thế giới đã được IUCN xếp loại “cực kỳ nguy cấp” cùng với cá tra dầu sông Mê Công.

Việc cá tầm thìa tuyệt chủng là lời cảnh tỉnh cho những người xây dựng đập ở sông Mê Công cũng như các nhà hoạch định chính sách trong khu vực về mức độ nghiêm trọng của các dự án thủy điện hiện có và được lên kế hoạch.

Năm 2003 là lần cuối cùng các nhà nghiên cứu nhìn thấy cá tầm thìa Trung Quốc, loài cá có thể dài tới 7 mét và nặng gần 450 kg, có thân hình dài, màu xám bạc, cái mõm dài xòe rộng như mái chèo.

Loài cá này hiện diện ở sông Dương Tử cho đến cuối những năm 1970 khi nạn đánh bắt vô độ cùng những áp lực phát triển khác khiến quần thể loài suy giảm. Vào những năm 1980, việc xây dựng một con đập trên sông Dương Tử thuộc dự án thủy điện Cát Châu Bá khiến tình hình tệ hơn khi tạo thành chướng ngại không thể vượt qua ngăn cản cá di cư đến khu vực sinh sản ở thượng nguồn.

Tiếp đó, việc xây dựng đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử cùng với vấn nạn đánh bắt quá mức, vận tải thủy và tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng đến loài cá này.

Khu vực hồ thủy điện Tam Hiệp (Ảnh: Reuters)

Tương tự như cá tầm thìa Trung Quốc, khoảng 160 loài trong lưu vực hạ nguồn sông Mê Công – vốn cũng di cư đường dài để sinh sản – hiện đang đối mặt với các mối đe dọa từ nạn đánh bắt quá mức và các dự án phát triển. Chẳng hạn loài cá tra dầu (có thể dài tới 3 mét và nặng 300 kg) đã không còn thấy trong tự nhiên kể từ năm 2015. Đây là dấu hiệu tiến gần tới sự tuyệt chủng, và chính sự phát triển thủy điện ở sông Mê Công đang thúc đẩy quá trình suy thoái này.

Ngoài 8 đập thượng nguồn sông Mê Công ở Trung Quốc, đập Xayaburi và Don Sahong ở Lào – hai trong số 11 dự án được lên kế hoạch cho phần hạ nguồn dòng sông – đã bắt đầu vận hành vào năm ngoái.

Từ năm 2016, chính phủ Lào xúc tiến kế hoạch xây dựng thêm hai dự án Pak Beng và Pak Lay, và mới tháng trước đã công bố dự án thứ năm – đập Luang Prabang.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các dự án này sẽ gây ra tác động môi trường tiềm tàng như sụt giảm đáng kể quần thể cá vì những con đập sẽ chặn đường cá đi. Mặc dù các nhà phát triển đập có tính tới việc xây dựng xây dựng đường đi cho cá trong các con đập, tuy nhiên, đây vẫn là những biện pháp chưa được kiểm chứng và không ai biết những đường cá đi đó có hiệu quả như dự định hay không. Chỉ biết rằng nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Công công bố năm 2019 khẳng định thang cá được thiết kế cho đập Xayaburi là không hiệu quả.

Mới đây, Cục trưởng Cục Chính sách và Quy hoạch Năng lượng của Lào Chansaveng Buongnong đã đưa ra thông cáo đảm bảo với giới truyền thông rằng dự án Luang Prabang sẽ không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của dòng sông như dư luận lo ngại vì các đường di chuyển được xây dựng đặc biệt sẽ tạo điều kiện cho việc di cư của cá. Tuy nhiên, “các biện pháp giảm thiểu” chưa được kiểm chứng như thang cá là không đáng tin cậy. Lựa chọn đáng tin cậy duy nhất là giảm tốc xây dựng các dự án thủy điện.

Điện lực Thái Lan (EGAT) là bên mua điện chính từ các dự án này, Chính phủ Thái Lan nên xem xét lại kế hoạch mua điện và yêu cầu EGAT thúc đẩy sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, các dự án phát triển cũng không nên giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng từ tác động những con đập gây ra đối với cá da tra dầu Mê Công và các loài cá khác mà người dân vẫn coi là nguồn chất đạm giá rẻ.

Nhật Anh (Theo Bangkok Post)