BVR&MT – Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 7039/TB-BN-VP, kết luận của Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Hội nghị Ban Chỉ đạo đào tạo nghề NN cho lao động nông thôn năm 2018. Kết quả đào tạo nghề nông nghiệp 7 tháng đầu năm đã đào tạo được 120.000/287.175 lao động, đạt 40% kế hoạch đề ra năm 2018.
Vừa qua, tại tỉnh Bình Định, Ban Chỉ đạo đào tạo nghề nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị mở rộng sơ kết 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2018; Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo của Bộ; đại diện Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh vùng miền Trung và Tây Nguyên. Sau khi nghe báo cáo của cơ quan thường trực, ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận như sau:
Đánh giá báo cáo của cơ quan thường trực đã phản ánh thực trạng công tác đào tạo nghề nông nghiệp hiện nay. So với năm 2017, 7 tháng đầu năm 2018, đào tạo nghề nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực từ chỉ đạo, tổ chức và kết quả thực hiện. Kết quả đào tạo nghề nông nghiệp 7 tháng đầu năm 2018 đã đào tạo được 120.000/287.175 lao động, đạt 40% kế hoạch đề ra, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, chất lượng công tác đào tạo nghề có sự chuyển biến theo định hướng của Bộ, tuy nhiên công tác đào tạo nghề nông nghiệp còn một số hạn chế chậm khắc phục.
Xem thêm:
Nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ
Dự kiến chi 45.000 tỷ đồng thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn các tháng cuối năm 2018 và năm 2019 cần thực hiện một số nội dung chủ yếu: Tập trung chỉ đạo để hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp năm 2018 đã đề ra theo chủ trương đào tạo 50% cho lao động ở các doanh nghiệp nông nghiệp; 20% cho thành viên hợp tác xã, trang trại và 30% cho an sinh xã hội.Tiếp thu và triển khai khắc phục những hạn chế về đào tạo nghề nông nghiệp nêu trong Báo cáo số 230-BC/BTGTW sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”.
Đổi mới công tác khảo sát, nắm địa bàn, nhu cầu và tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhu cầu, tổ chức đào tạo nghề ở các vùng nguyên liệu, các dự án chuyển đổi sản xuất, lao động làm việc doanh nghiệp trên địa tỉnh; phân cấp cho cấp huyện đào tạo nghề phục vụ an sinh xã hội.
Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng có đối ứng của Nhà nước thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng tham gia; gắn tư vấn việc làm để lao động sau khi học nghề được tiếp cận, vay vốn phát triển sản xuất từ Quỹ Hỗ trợ việc làm quốc gia, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh truyền thông về công tác đào tạo nghề nông nghiệp; tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Rà soát, bổ sung danh mục đào tạo nghề để đáp ứng cho nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; khẩn trương hoàn thiện tiêu chí đánh giá đào tạo nghề nông nghiệp.
Thực hiện chương trình đưa cán bộ HTX đi lao động và học tập ở nước ngoài với mục đích làm thay đổi tư duy nhận thức về nghề nông nghiệp; kinh phí thực hiện xã hội hóa và có hỗ trợ một phần của Nhà nước trong việc học nghề và học ngoại ngữ; việc cử người đi do Sở Nông nghiệp và PTNT lựa chọn; việc tổ chức giao cho một số Trường thuộc Bộ, thực hiện thí điểm năm 2018 hoàn thành đề án năm 2019.
Thành viên Ban Chỉ đạo đào tạo nghề chỉ đạo triển khai có hiệu quả mô hình đào tạo nghề năm 2018 và tổng kết nhân rộng; tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra tiến độ, chất lượng công tác đào tạo nghề những tháng cuối năm gắn với triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ.
Văn Trì