Đào tạo lại cho người lao động: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

BVR&MT – Đào tạo lại cho người lao động (NLĐ) đang làm việc giúp cho DN có nguồn nhân lực chất lượng, NLĐ nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có những vướng mắc, bất cập rất cần được tháo gỡ.

Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Phấn khởi nhờ được đào tạo nghề

Vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hay ngoài giờ làm việc, trường Cao đẳng (CĐ) Thương mại và Du lịch Hà Nội, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội lại tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho NLĐ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại lớp đào tạo nghề Quản lý khách sạn được tổ chức tại Khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội cho thấy, không khí học tập sôi nổi, các học viên hào hứng xung phong trải nghiệm nghề mới.

Anh Đặng Viết Luận – bếp trưởng Mường Thanh Grand Hà Nội chia sẻ: “Khi học nghề Quản lý khách sạn gồm lễ tân, nhà hàng, buồng, an ninh, tôi hiểu được công việc của anh em từng bộ phận. Sau lớp tập huấn này, nếu trong trường hợp khách sạn điều chuyển sang bộ phận khác, chúng tôi đã có kiến thức và kỹ năng để làm việc”.

Trong khi đó, anh Lê Vinh là nhân viên lễ tân của khách sạn cho rằng, việc tổ chức lớp học như thế này rất bổ ích. “Ngoài việc được nâng cao kiến thức và kỹ năng ở vị trí lễ tân, chúng tôi còn được đào tạo chéo nghề bếp, buồng, an ninh, kỹ thuật. Chúng tôi tranh thủ thời gian để trau dồi nghiệp vụ nhằm phục vụ khách lưu trú ngày một tốt hơn” – anh Lê Vinh hào hứng nói.

Lớp đào tạo nghề Quản lý khách sạn có 60 cán bộ, nhân viên, do Mường Thanh Grand Hà Nội phối hợp với trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội tổ chức từ ngày 16/2/2022, kéo dài 4 tháng với tổng số 360 giờ. Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Văn Hà cho biết: Dịch vụ khách sạn, lưu trú là ngành chăm sóc, phục vụ khách hàng. Vì thế, hàng năm, khách sạn thường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho NLĐ để có chất lượng dịch vụ tốt nhất. Ở lớp đào tạo này, cán bộ và nhân viên của khách sạn đang làm việc ở những bộ phận trực tiếp được đào tạo chéo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề trong tình hình mới.

Nhiều quy định làm khó doanh nghiệp

Cùng với Khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội còn có Công ty CP Tập đoàn TLC Việt Nam và một số đơn vị đã được Sở LĐTB&XH Hà Nội phê duyệt hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy cho biết: “Chúng tôi phối hợp với DN để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với từng nghề. Hiện nhà trường đang phối hợp với 5 tập đoàn, công ty để làm hồ sơ gửi lên Sở LĐTB&XH Hà Nội phê duyệt đào tạo nghề cho khoảng hơn 2.000 NLĐ. Sau khóa học này, kỹ năng nghề của NLĐ sẽ được nâng cao. Đội ngũ giảng viên được học những công nghệ mới tại DN, có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào chương trình đào tạo của nhà trường”.

Từ chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã giúp cho nhiều NLĐ ổn định việc làm, DN duy trì sản xuất, kinh doanh. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn thông tin, đến nay, Sở đã hướng dẫn trực tiếp cho 60 DN quan tâm đến chính sách này. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Hà Nội phê duyệt phương án đào tạo lại cho 5 DN với tổng số 963 lao động, kinh phí thụ hưởng 4.695.000.000 đồng.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình tiếp cận với các DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chính sách đã cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 250.000 DN, trong đó 60 – 70% là vừa và nhỏ, có lực lượng lao động làm việc thường xuyên từ 50 người trở lên, rất khó để đáp ứng được những yêu cầu của chính sách.

Để được thụ hưởng chính sách, DN phải có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; quy định này rất nhiều công ty không đáp ứng được. Để NLĐ được đào tạo nghề, DN phải đổi mới về yếu tố công nghệ hoặc cơ cấu lao động. Tuy nhiên, hiện nay DN khó khăn không thể để đầu tư thay đổi công nghệ. Nếu DN thay đổi về lực lượng thì những lao động đó chưa đủ 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp…

Từ thực tế phối hợp với DN trong triển khai chính sách, Hiệu trưởng trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà đã chỉ ra những trở ngại cần được tháo gỡ. Cụ thể, gần hai năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các DN du lịch không hoạt động, NLĐ chuyển nghề nên không thể đáp ứng được tiêu chí đóng bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ từ 12 tháng trở lên. Thủ tục xác nhận đóng bảo hiểm thất nghiệp có nơi còn kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ của DN…

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ để duy trì việc làm là rất nhân văn, giúp vượt qua đại dịch Covid-19. Vì thế, Sở LĐTB&XH Hà Nội, các nhà trường, DN rất mong Chính phủ, Bộ LĐTB&XH xem xét kéo dài thời gian thực hiện (Nghị quyết 68 quy định đến hết ngày 30/6/2022 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ) cũng như điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều DN cũng như NLĐ được đào tạo để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Chính sách này của Chính phủ rất có ý nghĩa giúp chúng tôi đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên đang làm việc tại khách sạn một cách chính quy và chuyên nghiệp hơn, lại tiết kiệm được chi phí.

Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Văn Hà