Đạo luật cấm đặt bẫy trên đất công – bước ngoặt của New Mexico

BVR&MT – Cách đây hai tuần, Thống đốc bang New Mexico (Hoa Kỳ) Michelle Lujan Grisham chính thức ký ban hành Dự luật Thượng viện số 32 (SB 32), Đạo luật Bảo tồn Động vật hoang dã và An toàn công cộng hay còn gọi là Luật Roxy. Theo đó, Luật cấm tất cả các hành vi sử dụng bẫy, bẫy dây hoặc chất độc để bắt, làm bị thương hoặc giết động vật trên đất công ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.

Năm 2016, Ủy ban trò chơi New Mexico từng bị một số hiệp hội bảo tồn kiện vì cho phép bẫy báo sư tử trên các vùng đất công do điều này có thể gây nguy hại cho loài chó sói và báo đốm có nguy cơ tuyệt chủng ở bang này. (Ảnh: Courtesy/APNM)

Đạo luật Roxy

Luật Roxy cấm tất cả hành vi việc đặt bẫy hoặc sử dụng chất độc để bắt, làm bị thương hoặc giết động vật trên các khu đất công ngoại trừ 8 trường hợp miễn trừ.

Hành vi vi phạm luật được tính là tội nhẹ. Tuy nhiên, mỗi một bẫy riêng lẻ và mỗi một hành vi sử dụng bẫy hoặc chất độc để bắt, làm bị thương hoặc giết động vật sẽ cấu thành một hành vi vi phạm duy nhất (được tính là một lần vi phạm). Tổng hình phạt được cộng dồn với mọi hình phạt hiện có khác do luật pháp quy định. Ngoài các hình phạt khác, khi bị kết án, tòa án có thể xem xét việc bồi thường cho cơ quan nhà nước phải chịu chi phí trong việc thực thi Luật. Luật có hiệu lực từ ngày 1/4/2022.

Dự luật được hỗ trợ bởi liên minh các nhóm môi trường, bao gồm: Trung tâm Đa dạng Sinh học, các cử tri bảo vệ động vật, các cử tri bảo tồn New Mexico, những người bảo vệ động vật hoang dã, Liên minh Các loài nguy cấp, Quỹ Hành động Hoang dã New Mexico, Hiệp hội Y tế Thú y New Mexico, Dự án Coyote, Trung tâm Môi trường Tây Nam, Chương Rio Grande của Câu lạc bộ Sierra và Những người bảo vệ WildEarth.

8 trường hợp miễn trừ không áp dụng Luật Roxy

  • Sử dụng súng, thiết bị câu cá, thiết bị bắn cung, thiết bị nuôi chim ưng hoặc các dụng cụ khác được phép sử dụng theo quy định của pháp luật;
  • Việc bắt hoặc kiểm soát các loài chim, cá hoặc động vật gặm nhấm không được định nghĩa là động vật có da lông;
  • Một tổ chức chính phủ thực hiện nhiệm vụ để ngăn chặn hoặc giảm thiểu các mối đe dọa thực tế đối với sức khỏe và sự an toàn của con người;
  • Quản lý hệ sinh thái được tiến hành bởi Bộ, Cơ quan Dịch vụ Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ hoặc một khu bảo tồn của tiểu bang hoặc nhân viên, cơ quan hoặc đại diện của các đơn vị này theo nhiệm vụ được phân công;
  • Nghiên cứu khoa học;
  • Bẫy do Bộ hoặc cơ quan được Bộ chỉ định tiến hành bằng cách sử dụng bẫy không gây chết người nhưng buộc phải đánh dấu vị trí, ký hiệu thiết bị bẫy và thông báo cho công chúng về sự hiện diện của các thiết bị này;
  • Việc sử dụng bẫy lồng để phục hồi hoặc chăm sóc thú y hoặc chăn nuôi cho động vật nuôi hoặc động vật hoang dã theo quy định của pháp luật, hoặc để giảm bớt thiệt hại do bất kỳ động vật nào gây ra đối với tài sản, cây trồng hoặc vật nuôi, tuy nhiên, một khi thiệt hại đã được giảm bớt thì việc sử dụng bẫy lồng sẽ ngừng lại và bất kỳ động vật bị bắt nào cũng đều phải được xử lý theo đúng quy định do Bộ hoặc cơ quan quản lý động vật thiết lập;
  • Việc đặt bẫy được tiến hành chỉ vì mục đích tôn giáo hoặc nghi lễ.


Tại sao là Roxy?

Tên của đạo luật được lấy theo tên một cô chó nhỏ bị bỏ rơi bên lề đường gần Four Corners (Hoa Kỳ) vào năm 2010. Roxy may mắn được ông Dave Clark trú tại Española, bang New Mexico (Hoa Kỳ) chăm sóc và trở thành người bạn đồng hành của gia đình ông. Dave có sở thích cùng cô chó nhỏ dạo bộ đường dài trên mảnh đất quen thuộc mà ông đã đi bộ suốt 20 năm. Nhưng ngày 25/11/2018, một biến cố xảy ra. Dave chọn con đường dạo bộ khác so với thường ngày, chạy dọc theo hồ Santa Cruz (khu vực giải trí do Cục Quản lý Đất đai phía Bắc New Mexico quản lý). Tuy nhiên, khi chỉ còn cách xe hơn trăm mét, Dave bỗng nghe tiếng Roxy rú từ đằng sau. Roxy bị kẹt trong một chiếc bẫy cổ và đang vật lộn để thoát ra. Dave gắng sức gỡ bẫy nhưng không thể, Roxy đã chết sau đó. Tệ hơn, khi tháo được bẫy và đưa Roxy trở lại xe, Dave chứng kiến một cá thể linh miêu khác cũng bị dính bẫy, nó giãy giụa và bị thương nặng tới mức buộc phải an tử.

Nếu chỉ dừng ở đây thì cái chết của Roxy hay cá thể linh miêu kia cũng thường tình như hàng triệu động vật bị dính bẫy tại New Mexico bởi tiểu bang này có truyền thống về săn bắn, đặt bẫy và không hề giới hạn số lượng các loài được phép bẫy theo mùa hoặc quanh năm. “Giới hạn duy nhất là tham vọng của con người”, các nhà bảo vệ động vật ở New Mexico chỉ trích.

Chuyện buồn của Roxy sau đó nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận và khiến Bộ Trò chơi và Cá New Mexico cùng Cục Quản lý Đất đai vào cuộc. Qua hình ảnh camera giám sát được đặt tại khu vực Roxy bị bẫy, các nhân viên của Bộ phát hiện thủ phạm chính là Marty Cordova, 42 tuổi. Khi khám xét nhà Cordova hồi tháng 1/2019, cảnh sát thu giữ rất nhiều loại bẫy khác nhau, trong đó chủ yếu là nhiều bẫy dây và bẫy giữ chân. Ngoài ra, Cordova cất giấu hàng chục bộ lông và bộ da đông lạnh của các loài linh miêu, cáo, lửng, vượn cáo đuôi vòng. Đây là những loài được phép bẫy ở New Mexico nhưng chỉ được bẫy theo mùa và phải có giấy phép do Bộ cấp. Kiểm tra điện thoại của Cordova, cảnh sát ghi nhận rất nhiều cuộc trao đổi về việc bẫy động vật cùng ảnh Cordova tự chụp với những con vật vẫn còn mắc kẹt trong bẫy, trong đó có loài thuộc nhóm được bảo vệ. Cordova bị hai cơ quan cáo buộc 34 tội danh liên quan đến hoạt động đặt bẫy bất hợp pháp bao gồm: 5 tội đặt bẫy trong phạm vi 23 m tính từ đường công cộng, 10 tội không đánh dấu bẫy, 5 tội không kiểm tra bẫy mỗi ngày và 14 tội sở hữu bất hợp pháp một loài được bảo vệ.

Hành vi của Cordova khiến rất nhiều cử tri và người dân tiểu bang lo lắng nhưng điều đáng nói là ngoài một số vi phạm về quy tắc đặt bẫy, Cordova không bị ràng buộc bất cứ tội danh nào liên quan tới cái chết của Roxy bởi nó hoàn toàn hợp pháp trên những vùng đất công rộng lớn của New Mexico. Các cử tri bảo tồn e rằng các mối đe dọa từ việc đặt bẫy và sử dụng chất độc bừa bãi sẽ luôn hiện diện trên các vùng đất công và có thể gây nguy hiểm cho chính công dân của tiểu bang chứ không chỉ riêng động vật. Cũng vì sự quan ngại này mà một số đảng viên dân chủ Hạ viện tích cực thúc giục Cơ quan lập pháp New Mexico thông qua dự luật cấm đặt bẫy thương mại trên đất công mà họ tài trợ và khởi thảo. Tên của luật được lấy theo tên cô chó nhỏ 8 tuổi nhằm vinh danh cái chết của Roxy và để cái chết ấy không trở thành vô nghĩa.

Bước ngoặt của New Mexico

Đặt bẫy trên đất công sẽ vẫn hợp pháp ở New Mexico cho tới khi Luật Roxy chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2022. Hàng năm, New Mexico đều ban hành quy định về săn bắn, đặt bẫy, trong đó có loài được phép đặt bẫy quanh năm, có loài chỉ được bẫy theo mùa và có loài/khu vực bị cấm đặt bẫy. Tuy nhiên, các văn bản đều tạo điều kiện tối đa cho người đi săn và được cấp phép đặt bẫy. Bằng chứng là không có giới hạn nào về số lượng cho việc săn bắt các loài động vật có da lông. Luật pháp cũng không yêu cầu các vị trí bẫy phải được đánh dấu hoặc có bất kỳ cảnh báo nào ngoại trừ với các loài nằm trong nhóm được bảo vệ. Cũng không có một đồng thuế nào đánh vào các mặt hàng lông thú do những người đánh bẫy cung cấp. Càng không có hình phạt nào dành cho những người đánh bẫy vô tình bẫy phải các loài không phải mục tiêu bao gồm cả các loài có nguy cơ tuyệt chủng và các loài nằm trong nhóm được bảo vệ hoặc vật nuôi, con người, gia súc. Không có cơ sở dữ liệu hoặc hồ sơ chính thức được lưu giữ bởi bất kỳ tổ chức công cộng nào về hoạt động bẫy và không có yêu cầu nào về việc những người đánh bẫy phải báo cáo khi họ bắt được một con chó trong bẫy của họ.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các nhà lập pháp New Mexico tìm cách hạn chế bẫy trên đất công. Trước đó, một vị thượng nghị sĩ tiểu bang cũng từng tài trợ một dự luật tương tự vào năm 2017. Nhưng luật này không được Ủy ban Bảo tồn Thượng viện phê chuẩn do vấp phải sự phản đối gay gắt của Hiệp hội bắn bẫy New Mexico (NMTA), tổ chức tuyên bố đặt bẫy là một phần di sản phong phú của New Mexico và các chủ trang trại, gia đình đặt bẫy cho rằng hoạt động bẫy là cần thiết để kiểm soát những kẻ săn mồi tàn phá vật nuôi và bởi bẫy là nguồn thu nhập duy nhất của họ. Người đứng đầu Bộ Trò chơi và Cá khi đó cũng không ủng hộ dự luật vì cho rằng hoạt động này đã diễn ra hơn 100 năm và nó mang lại lợi ích kinh tế cho tiểu bang từ việc thu phí cấp phép đặt bẫy (20 đô la/năm đối với cư dân New Mexico và 345 đô la/năm với người ngoại bang). Tuy nhiên, nhóm cử tri bảo tồn động vật cho rằng lý do “kiểm soát những kẻ săn mồi tàn phá vật nuôi” mà các chủ trang trại đưa ra hoàn toàn có thể được giải quyết bằng các phương thức khác mà vẫn bảo vệ được vật nuôi của họ.

Bẫy giữ chân được sử dụng từ những năm 1800 và hiện đã bị cấm ở hơn 80 quốc gia, bị cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt tại 8 bang của Hoa Kỳ. Chất độc cũng giết chết các mục tiêu ngoài ý muốn và gây ra những cái chết thảm khốc không kém. Tại New Mexico, có gần 150.000 sinh vật bản địa bị chết vì bẫy kể từ năm 2008. Theo báo cáo của tổ chức Born Free USA, tính đến năm 2017, có 5 bang đã cấm bẫy giữ người, 12 bang cấm bẫy dây. Bẫy gấu ở tất cả các bang (trừ Maine) cũng bị cấm, bẫy linh miêu bị cấm ở 9 bang, bẫy rái cá bị cấm ở 8 bang. Riêng tại California, năm 1998, bang cũng đã cấm sử dụng bẫy kẹp cơ thể cho mục đích thương mại và bẫy linh miêu bị cấm hoàn toàn vào cuối năm 2015. Năm 2019, California tiếp tục ban hành luật về bẫy với những quy định nghiêm ngặt và chi tiết.

Ngoài những mối nguy từ bẫy mà nhiều bang buộc phải ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế, nhóm cử tri bảo tồn New Mexico còn minh chứng việc cấp phép bẫy thú đối với một nhóm nhỏ dân số sử dụng đất công của New Mexico đã và đang xung đột trực tiếp với một trong những thế mạnh kinh tế có giá trị nhất của bang: giải trí ngoài trời. Nền kinh tế giải trí ngoài trời ở New Mexico có thể tạo ra 99.000 việc làm trực tiếp gắn với nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm như đi bộ đường dài, cắm trại, xem động vật hoang dã, cưỡi ngựa, câu cá, đi xe đạp… Bên cạnh đó, một nghiên cứu cho thấy lợi ích đối với nền kinh tế địa phương của một con linh miêu còn sống lớn hơn khoảng 1.000 lần so với tất cả các giá trị kết hợp từ việc đặt bẫy.

Một số quy định đặt bẫy năm 2019 -2020 tại New Mexico

  • Không có giới hạn săn bắt và giữ lại số lượng động vật có da lông (lấy lông cho mục đích thương mại) trong quy định;
  • Các loài được bẫy/bị cấm bẫy:
    • Chỉ được bẫy trong mùa săn bắn: gấu mèo, lửng, chồn, cáo, vượn cáo đuôi vòng,  chuột xạ hương, hải ly và chuột hải ly;
    • Có thể bẫy quanh năm: chó sói đồng cỏ và chồn hôi;
    • Các loài trong quy định khác, trong đó có chồn nâu châu Mỹ, chồn thông châu Mỹ, rái cá sông, chồn hương chân đen và gấu Nam Mỹ bị cấm săn bắn/bẫy.
  • Việc phá, di chuyển hoặc gỡ bỏ bẫy hoặc động vật hoang dã bị mắc bẫy mà không có sự đồng ý của chủ bẫy là phạm pháp. Động vật nuôi có thể được gỡ khỏi bẫy bất kỳ lúc nào;
  • Không được phép bẫy gấu và không được bẫy báo sư tử bằng bẫy dây;
  • Không cho phép đặt bẫy ở các vị trí sau:
    • Trong bán kính ¼ dặm (402 m) tính từ những khu vực nghỉ ngơi bên đường, khu dã ngoại hoặc khu có người ở mà không có sự cho phép của người cư ngụ ở khu vực đó trừ trường hợp đó là bẫy do người ở khu vực đó tự đặt;
    • Trong bán kính ½ dặm (804 m) tính từ các nơi cắm trại công cộng hoặc khu vực hạ thủy;
    • Trong bán kính 25 thước (23 m) tính từ đường bộ hoặc đường mòn công cộng.
  • Một số khu vực bị cấm đặt bẫy: Quận Los Alamos, Khu Bảo tồn Quốc gia Valles Caldera; một số phần của Khu Giải trí Wild Rivers; Khu vực Giải trí hồ Orilla Verde và hồ Santa Cruz; Khu vực Valle Vidal và Greenwood; Trung tâm Nghiên cứu Đồng cỏ sa mạc Chihuahuan; các công viên của bang; các công viên và đài tưởng niệm quốc gia; những nơi trú ngụ của động vật hoang dã cấp quốc gia và những vùng quản lý động vật hoang dã.

Ngay khi quy định săn bắn 2019 – 2020 được công bố, nhiều ý kiến cho rằng Ủy ban trò chơi New Mexico tuy có thực hiện một số thay đổi nhỏ đối với các quy định về bẫy nhưng vẫn khiến hầu hết người dân New Mexico gặp rủi ro. Người đánh bẫy không bắt buộc phải đánh dấu hoặc chỉ ra nơi đặt các bẫy nguy hiểm. Hơn nữa, không có thay đổi nào được thực hiện để giảm thiểu sự tàn ác mà động vật bị mắc kẹt phải trải qua cũng như ngăn chặn nạn buôn bán các bộ phận động vật hoang dã vì lợi nhuận cá nhân. Mỗi năm, mùa bẫy bắt đầu mang lại những ký ức kinh hoàng cho những người New Mexico không may phải tận mắt chứng kiến những thiệt hại do bẫy gây ra.

Đặc biệt, quy định săn bắn 2020 – 2021 còn thả lỏng hơn các vấn đề về bẫy. So với quy định 2019 – 2020, rất nhiều nội dung về bẫy bị giản lược và chỉ được đề cập thoáng qua.

Trước thực trạng nan giải về bẫy tại New Mexico, việc có thể thông qua dự luật SB 32 thực sự là một chiến thắng lớn đối với nhóm cử tri bảo tồn và số đông người dân toàn bang. “Bằng cách ký dự luật số 32, Thống đốc Lujan Grisham đã mở ra cho New Mexico một kỷ nguyên mới về bảo tồn động vật hoang dã và các vùng đất công cộng. Những người ủng hộ bảo vệ động vật đang ăn mừng chiến thắng kéo dài nhiều năm, không chỉ vì sự bảo vệ mà nó mang lại cho các loài động vật hoang dã và các loài vật nuôi đang đồng hành với chúng ta mà còn cho tất cả những du khách hoặc những ai thích thú với hoạt động ngoài trời ở New Mexico”, Jessica Johnson, Giám đốc điều hành Tổ chức Animal Protection Voters phát biểu.

Hạ nghị sĩ Matthew McQueen cũng bày tỏ sự ủng hộ: “Tôi tự hào chúng tôi đã thông qua dự luật số 32 để chấm dứt một thực tiễn cổ xưa, tàn nhẫn và không cần thiết trên các khu đất công. Dự luật này được đa số người dân New Mexico ủng hộ và sẽ đóng góp vào tương lai giải trí ngoài trời tươi sáng của New Mexico… Mèo, cáo, lửng và chim vành khuyên đóng những vai trò quan trọng về mặt sinh thái và chúng không đáng phải chịu những cái chết kinh hoàng chỉ để phục vụ việc thương mại hóa những bộ da lông trên thị trường quốc tế. Việc cấm bẫy bừa bãi cũng sẽ khiến chúng ta không phải chứng kiến bất kỳ con sói ba chân nào đi khập khiễng trong rừng quốc gia Gila nữa.

Nhiều ý kiến khác cũng khẳng định việc hiện đại hóa các quy định về bẫy và áp dụng chung sống tiến bộ với động vật hoang dã thể hiện cách tiếp cận an toàn hơn, công bằng hơn để quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Có thể nói với những nỗ lực không mệt mỏi, New Mexico đã trở thành bang mới nhất ở miền Tây Hoa Kỳ đặt ra những hạn chế lớn đối với việc bẫy động vật hoang dã. Và hy vọng hành động này sẽ còn tiếp tục lan tỏa tại nhiều vùng đất công trên đất Mỹ.

Đông Nam Á: Rừng trống rỗng vì bẫy

Là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học trên thế giới nhưng Đông Nam Á cũng là khu vực bị báo động về tình trạng mất mát sinh cảnh và động vật hoang dã. Bên cạnh các hoạt động xâm lấn đất rừng khiến môi trường tự nhiên ngày càng suy thoái thì buôn lậu động vật, săn bắn, đặt bẫy là những nguyên do chính khiến hệ sinh thái tại các khu rừng cạn kiệt và rơi vào trạng thái “rỗng” hay còn gọi là “hội chứng rừng rỗng”.

Những chiếc bẫy thô sơ thường được làm từ những vật dụng đơn giản như dây phanh xe đạp hay dây cáp nhưng mức độ tàn sát của chúng vô cùng lớn (Ảnh: Ranjan Ramchandani / WWF)

Ước tính của WWF tại Báo cáo “Sự im lặng của những chiếc bẫy dây: Cuộc khủng hoảng đặt bẫy dây ở Đông Nam Á” cho thấy có khoảng 12,3 triệu bẫy dây đang đe dọa các loài động vật hoang dã trong các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam – những quốc gia có nạn đặt bẫy nghiêm trọng nhất trong khu vực. Tuy nhiên, tổng số bẫy dây đặt trong rừng ở Đông Nam Á trên thực tế có thể còn lớn hơn nhiều do các thống kê trong báo cáo chỉ xem xét một phần trong tổng số các khu bảo tồn tại khu vực và báo cáo cũng chỉ mới tập trung khảo sát được một loại bẫy cụ thể so với rất nhiều loại bẫy và cách thức săn bắt động vật trong thực tế.

Hình ảnh một cá thể cầy dính bẫy bị treo lơ lửng (Ảnh: WWF)

Mỗi năm có hàng triệu bẫy được đặt trong những cánh rừng của khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, trong đó riêng Việt Nam có tới 5 triệu bẫy. Bẫy dây gây tác hại đến hơn 700 loài thú trong khu vực bao gồm những loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao như voi châu Á, tê giác Sumatra, sao la và bò rừng. Từ năm 2005 đến năm 2019, hơn 370.000 bẫy dây đã được kiểm lâm tuần tra loại bỏ khỏi 11 khu bảo tồn ở 5 quốc gia. Trong đó, riêng tại hai Khu Bảo tồn Sao la ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam, từ năm 2011 đến 2019, có đến 127.857 bẫy đã được tháo gỡ với mức độ bẫy là 880 bẫy/km2, tỷ lệ cao nhất trong khu vực.

Hình ảnh bàn chân bị đứa lìa vì dính bẫy của một cá thể khỉ tại Sơn Trà, Đà Nẵng khiến dư luận rất xót xa (Ảnh: Mạng xã hội)

Mặc dù bẫy dây đang âm thầm tận diệt thú rừng Đông Nam Á nhưng quy định pháp luật về bẫy dây tại các quốc gia trong khu vực lại khá lỏng lẻo. Chỉ duy nhất Malaysia định nghĩa trong luật những gì cấu thành bẫy dây, chỉ Malaysia và Thái Lan cấm sở hữu bẫy dây trong các khu bảo tồn, không có luật nào trong khu vực nghiêm cấm rõ ràng việc sở hữu các vật liệu có thể được làm thành bẫy dây trong các khu vực được bảo vệ…

Tại Việt Nam, các hành vi liên quan đến việc sử dụng bẫy động vật rừng trái phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, cụ thể: nếu mang dưới 10 dụng cụ vào rừng để bẫy bắt động vật rừng tại khu vực rừng có quy định cấm săn bắt động vật rừng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng tới 1.000.000 đồng; mang 10 dụng cụ trở lên vào rừng để bẫy bắt động vật rừng tại khu rừng có quy định cấm săn bắt động vật rừng sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng tới 1.500.000 đồng. Tuy nhiên, mức phạt này quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Do đó, WWF kiến nghị cần tăng hình phạt đối với việc sử dụng và sở hữu bẫy dây; cấm sở hữu bẫy dây trong các khu bảo tồn; định nghĩa rõ ràng “bẫy dây” và “đặt bẫy dây” trong luật, đồng thời thêm bẫy dây vào danh mục các kiểu săn bắt hủy diệt bị cấm như sử dụng chất độc, lửa hoặc điện… Bên cạnh đó, cần kêu gọi sự tham gia của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương trong cuộc chiến chống đặt bẫy và buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Sơn Thủy – Hồng Ngọc (tổng hợp)


Nguồn tham khảo:
http://www.wildlife.state.nm.us/download/publications/rib/2019/hunting/2019_2020-New-Mexico-Hunting-Rules-and-Info.pdfhttp://www.wildlife.state.nm.us/download/publications/rib/2019/hunting/2019_2020-New-Mexico-Hunting-Rules-and-Info.pdfhttp://www.wildlife.state.nm.us/download/publications/rib/2019/hunting/2019_2020-New-Mexico-Hunting-Rules-and-Info.pdfhttp://www.wildlife.state.nm.us/download/publications/rib/2019/hunting/2019_2020-New-Mexico-Hunting-Rules-and-Info.pdfhttp://www.wildlife.state.nm.us/download/publications/rib/2019/hunting/2019_2020-New-Mexico-Hunting-Rules-and-Info.pdf