Đánh thức tiềm năng Núi Chúa và Kon Hà Nừng

BVR&MT – Ngày 15/9/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là niềm vui lớn đối với nước ta nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về bảo tồn, phát huy giá trị hai khu này.

Hang Rái trong cụm du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa. Ảnh TTXVN

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa nằm trên địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc (Ninh Thuận), là một quần thể tự nhiên, có đất liền, biển và khu vực bên trong vùng đệm (rừng, biển và bán sa mạc), rộng hơn 31.000 ha. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng trải rộng trên địa bàn các huyện Đắk Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đắk Pơ và thị xã An Khê (Gia Lai), có diện tích 413.511,67 ha, tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ở khu vực Tây Nguyên.

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa là một cấu trúc của các cảnh quan thiên nhiên được phân bố trên phức hệ núi nằm sát bờ biển, tạo nên nhiều thắng cảnh đẹp vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á.

Nơi đây, có sáu kiểu rừng phân bố từ thấp đến cao, với 1.514 loài thực vật và 763 loài động vật thuộc 354 giống của 214 họ và 46 bộ động vật với 353 loài động vật có xương sống; trong đó, có 54 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Núi Chúa còn là nơi sinh sống của loài Chà vá chân đen, một loài linh trưởng có tên trong sách đỏ đang được bảo tồn, phát triển. Đặc biệt, 48 loài động vật trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu đang còn phân bố ở đây.

Núi Chúa có hệ động, thực vật biển quý hiếm, với quần thể san hô rộng lớn gồm hơn 350 loài; là nơi hiếm hoi trên đất liền, hằng năm có ba loài rùa là: Đồi mồi, Rùa xanh, Đồi mồi dứa đến sinh sản và đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng gồm ba vùng: Vùng lõi có diện tích 57.589 ha gồm Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm có diện tích 152.009 ha và vùng chuyển tiếp có diện tích 206.211 ha. Kon Hà Nừng là tên của vùng cao nguyên miền trung Việt Nam, còn có tên gọi khác là Nóc nhà Đông Dương với đỉnh núi cao nhất hơn 1.700 m.

Đây là khu vực có hệ sinh thái rừng còn tương đối nguyên vẹn, với hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới; có nhiều điểm độc đáo, nổi bật, độc nhất. Các loài động, thực vật ở vùng lõi Vườn quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; cá biệt có một số loại đặc hữu mới phát hiện gần đây như loài Khứu Kon Ka Kinh, Chà vá chân xám là loại linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Cao nguyên Kon Hà Nừng còn sở hữu nhiều hệ thác đẹp, là điểm du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn…

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ là điều kiện quan trọng giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này; đồng thời mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để tỉnh Gia Lai quy hoạch, phân định vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng bảo tồn và vùng được phép đầu tư phát triển ở các mức độ khác nhau.

Trên cơ sở thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và chia sẻ lợi ích từ rừng, chính quyền tỉnh Gia Lai xác định khu vực hành lang kết nối giữa Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được xem là một thí điểm của loại hình này. Theo đó, tỉnh tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn, phục hồi rừng thông qua việc phát triển các mô hình nông, lâm nghiệp bền vững tại địa phương.

Thác K50, một tuyệt tác của thiên nhiên trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng (Gia Lai). Ảnh: PHAN NGUYÊN

Theo ông Ngô Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, việc tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã giúp các hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống và quan trọng hơn, nhờ đó tình trạng phá rừng làm rẫy hầu như không còn.

Anh Toang, người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng làng Đê KJiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cho biết: “Trước kia, cuộc sống gia đình mình cũng như nhiều hộ dân trong làng rất vất vả vì không có việc làm, chỉ loay hoay với nương, rẫy nên thường xuyên thiếu đói, chạy ăn từng bữa. Từ khi được tham gia nhận khoán đất rừng, ngoài khoản thu nhập từ việc nhận khoán, gia đình còn có nguồn thu thêm từ các lâm sản phụ dưới tán rừng như măng, đót, nấm… nên cuộc sống đã ổn định hơn”.

Ban Quản lý Vườn quốc gia Kon Ka Kinh rất chú trọng tuyển chọn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, với nòng cốt là từ người dân địa phương. Anh Byứt ở làng Đê KJiêng, Tổ trưởng bảo vệ rừng từ năm 2015 đến nay, nhận khoán bảo vệ gần 2.000 ha rừng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, đến cuối năm 2019, anh được Ban Quản lý Vườn quốc gia Kon Ka Kinh ký hợp đồng, trở thành cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. Anh Byứt vui vẻ nói: “Tôi nhận thức được mình phải nâng cao trách nhiệm cho bản thân cũng như người dân trong làng để quản lý, bảo vệ rừng”.

Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn khuyến khích người dân sống trong vùng đệm tích cực tham gia bảo vệ rừng và các loài thực vật, động vật quý hiếm. Tại Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có ba tổ tình nguyện viên bảo vệ rùa biển, san hô, cỏ biển (từ 15 đến 20 thành viên/tổ). Anh Nguyễn Thành Danh, Tổ trưởng tình nguyện viên bảo vệ rùa biển chia sẻ: “Trước đây, người dân sống trong vùng đệm thường vào rừng khai thác tài nguyên và bắt rùa biển, nhưng gần chục năm nay, nhiều người bỏ nghề và là thành viên đi đầu ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên của vùng Núi Chúa”.

Ông Cao Văn Giác, Tổ trưởng mô hình sinh kế bền vững thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cho biết: “Khi hay tin Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân xã Vĩnh Hải rất vui mừng và mong muốn được nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích nhiều hơn, quyết tâm giữ gìn môi trường sinh thái tốt nhất, phục vụ cho phát triển du lịch ở vị thế mới”.

Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) Nguyễn Thành Phú cho biết: “Sắp tới, vùng này sẽ phát triển du lịch sinh thái, chắc chắn thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước”. Đầu năm 2021, UBND huyện và Công ty Đầu tư, Xây dựng và Thương mại Anh Phát đã ký hợp tác phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ định hình các khu du lịch cộng đồng; các khu bảo tồn nghiêm ngặt…

Với lợi thế vị trí địa lý nằm gần ba trung tâm du lịch lớn phía nam là Đà Lạt, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Ninh Thuận sớm xây dựng một quy hoạch tổng thể cho cả vùng lõi và vùng đệm, nhằm kết hợp hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển bền vững cho du lịch.

Quy hoạch sẽ là căn cứ phân định vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng dành cho bảo tồn và vùng cho phép đầu tư phát triển ở các mức độ cho phép khác nhau; trong đó, có phát triển du lịch sinh thái, để kêu gọi đầu tư bảo tồn, du lịch và cho thuê môi trường rừng phát triển các hoạt động cho phép.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết: “Thật xúc động khi nhận được tin Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhưng đồng thời, tỉnh càng phải thể hiện rõ trách nhiệm bảo vệ và khai thác tài sản vô giá của nhân loại”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Kpă Thuyên nhấn mạnh: Sau khi được công nhận, Gia Lai cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO nhằm bảo đảm các tiêu chí và chức năng của một Khu dự trữ sinh quyển, biến Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường…