Đánh thức những “kho báu” trăm tuổi ở xứ Tuyên

BVR&MT – Nếu như người Dao ví những cuốn sách cổ là “phoochây” (chìa khóa), người Tày ví là “thoong khôn” (túi khôn), thì người Cao Lan gọi là “cụ chá ché tíu háy lực” (kho báu truyền đời). Hiện nay, có hàng nghìn cuốn sách cổ được các gia đình, các thầy cúng, thầy tạo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang lưu giữ. Đây chính là những “kho báu” được truyền lại cho thế hệ sau.

Ông Hoàng Văn Tân, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình sở hữu nhiều cuốn sách cổ có tuổi đời hằng trăm năm.

Những chiếc chìa khóa vàng

Chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Văn Tân, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang trong một chuyến du xuân. Lật mở một trong số 200 cuốn sách cổ người Tày có niên đại lên đến 100 – 200 năm, được ông gói vào từng mảnh vải đỏ rồi đặt cẩn thận vào hòm gỗ. Ông Tân bộc bạch: Những cuốn sách cổ này là của cha ông để lại. Các cụ bảo, đó là “báu vật” tổ tiên lưu lại cho con cháu qua bao đời. Từ xa xưa, theo quan niệm của người Tày thì vạn vật đều có linh hồn, tồn tại các vị thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và chăn nuôi… Do đó, người Tày có nhiều nghi lễ, như: Cúng mưa, cúng thóc giống, cúng hồn gia súc, cấp sắc… Những nghi lễ đó được lưu giữ trong những cuốn sách cổ nhưng phải là những người biết đọc chữ Tày mới có thể thực hiện được.

Đối với người Dao, sách cổ là di sản văn hóa quan trọng, nguồn sử liệu quý, là chìa khóa vàng để mở cánh cửa nghiên cứu về văn hóa của dân tộc. Ông Trần Thanh Hải, thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là người lưu giữ được nhiều sách cổ. Ông có 15 cuốn sách cúng Tam Nguyên, 60 cuốn sách Tam Bảo, ngoài ra còn có sách thơ, dạy học, xem ngày, tướng số, phong thủy. Nói về độ tuổi cuốn sách, ông Hải bật mí, có những cuốn được truyền qua 5 thế hệ, có độ tuổi hơn 200 năm.

Người Tày, Dao, Cao Lan… đều có tiếng nói và chữ viết riêng. Hầu như toàn bộ đời sống văn hóa của đồng bào được thế hệ trước cẩn trọng ghi chép lại. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng cho biết, những sách cổ được thể hiện bằng loại giấy riêng, loại giấy đó làm bằng rơm và cũng làm giống như quy trình làm giấy Dó của người miền xuôi. Sách được đóng thành những tập vuông. Chữ thì được viết bằng bút lông trên giấy, ghi chép khoảng 3 – 4 nghìn chữ với khoảng 50 – 60 tờ/quyển.

Trước đây, mỗi làng người Dao, Tày… đều có một “thư viện nhỏ” lưu giữ các bộ sách cổ. Ngày nay, sách cổ chủ yếu được lưu giữ tại nhà các thầy cúng, thầy tào. Nội dung sách cổ khá phong phú. Bên cạnh giá trị hướng dẫn thực hành đạo giáo, còn có giá trị bảo tồn phong tục tập quán, nghi lễ. Sách cổ của đồng bào dân tộc thiểu số còn là công cụ truyền dạy kinh nghiệm ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, các kiến thức về thời tiết, chọn đất canh tác, tri thức về dược liệu và cách chữa bệnh. Thế nên sách cổ được ví là kho báu hay túi khôn truyền lại cho thế hệ mai sau học hỏi.

Để kho báu trường tồn với thời gian

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy chục năm về trước, sách cổ người Dao, Tày rất sẵn. Thường mỗi thôn, bản có hằng trăm cuốn sách cổ, nhưng hiện nay, những người lưu giữ sách cổ trong cộng đồng chủ yếu là các thầy cúng hay trưởng các dòng họ. Theo dòng chảy thời gian, nguồn sách cổ trong dân gian đối mặt với nguy cơ thất truyền, mai một.

Ông Ma Văn Tấu, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa bao đời nay cùng với gia đình ở trong ngôi nhà sàn truyền thống do cha ông để lại. Vừa rồi, gia đình ông đã tích cóp được mấy trăm triệu đồng tiền bán mía, bán trâu nên quyết định dỡ bỏ nhà sàn cũ để xây nhà mái Thái theo phong trào mới. Trong quá trình dỡ nhà, tốp thợ phát hiện những ống tre cài trên mái nhà chứa toàn sách cổ bằng chữ Nho. Mở sách ra nhưng trong thôn không có ai đọc được nên gia chủ quyết định đốt đi.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức thì tình trạng sách cổ bị đốt, mục nát, thất lạc trong nhân dân khá phổ biến. Nguyên nhân do đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh cùng sự ảnh hưởng trực tiếp từ thời tiết, khí hậu, nên số lượng sách cổ bị mất dần theo năm tháng. Bên cạnh đó, một số người nhận thức hạn chế, không biết đọc chữ cổ nên không chú trọng giữ gìn, hay việc bảo quản sai phương pháp nên sách bị mối mọt, vụn nát. Những năm qua, các nhà nghiên cứu và người yêu thích văn hóa dân tộc luôn trăn trở tìm nhiều phương pháp để giữ gìn, bảo tồn “kho báu” này.

Các thầy cúng cao tay người Tày, Dao, Cao Lan… đã tích cực sưu tầm và gìn giữ sách cổ. Bởi những người này thông hiểu chữ Nho. Thầy cúng Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú huyện Na Hang có mấy chục đầu sách cổ nói, qua mấy chục năm hành nghề thầy cúng, ông luôn có thói quen sưu tầm sách cổ của dân tộc Dao. Nhiều cuốn cũ nát có nguy cơ mất hết thông tin, ông đã tỉ mỉ chép lại.

Trong căn nhà 3 gian, ông Ma Văn Tiến, thôn Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Lộc huyện Chiêm Hóa dành hẳn cho mình một góc lưu giữ “kho báu”: 3 chiếc tủ lớn đựng những cuốn sách cũ kỹ được đóng cửa kính khóa lại thật cẩn thận. Đó là thành quả suốt bao năm, ông “băng rừng lội suối” gõ cửa từng nhà để tìm lại giá trị văn hóa dân tộc. Tủ sách lớn được phân biệt rạch ròi giữa các tư liệu: Then, Cọi, phong thư, văn cưới, tích truyện cổ người Tày… Mỗi thể loại có đến hàng chục cuốn, có cả sách nguyên bản tiếng Tày, phiên âm chữ La tinh và cuốn sổ dày cộp ghi chép lại những điều góp nhặt qua tháng ngày nghiên cứu, tìm hiểu.

Còn thầy cúng Bàn Kim Duy, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn năm nay hơn 30 tuổi. Anh thành thạo chữ Nôm Dao, thường sưu tầm sách cổ về ghi chép, chụp lưu vào máy tính để không bị mai một. Anh Duy chia sẻ, đối với bản thân anh việc tìm hiểu nội dung, ý nghĩa những cuốn sách cổ là niềm đam mê. Anh thường đi gặp gỡ những già làng, trưởng bản, người cao tuổi để sưu tầm sách cổ. Những ngày đầu, công việc sưu tầm hết sức khó khăn và tỉ mỉ. Vì đây là các công trình dân gian truyền miệng cho nên phải chép lại theo trí nhớ người già. Có những cuốn sách bằng tiếng Dao, phải đi mất mấy ngày trời thuyết phục rồi thương lượng “đổi sách lấy gạo”.

Nhà nghiên cứu dân gian Tống Đại Hồng (ngoài cùng bên phải) tìm hiểu về sách cổ người Tày.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian như: Ông Tống Đại Hồng, Ma Văn Đức, Nguyễn Phi Khanh, Bàn Xuân Triều… đều say mê sưu tầm sách cổ. Nhiều năm qua, các ông đã dốc tâm vào việc nghiên cứu chữ Nôm Tày và đi điền dã nhiều nơi trong tỉnh sưu tầm sách cổ. Đối với các ông, sách cổ là kho tàng tri thức vô giá của cha ông để lại, bởi vậy những người có trách nhiệm, tâm huyết phải lưu giữ cho con cháu muôn đời sau.

Qua những cuốn sách cổ sưu tầm được, các ông đã làm công tác chép, biên dịch, nghiên cứu, san định, tổng hợp lại để viết sách. Trong gần một năm vùi đầu vào viết sách, các tác giả đã cho “ra lò” các cuốn sách quý viết chung và viết riêng như: “Phong tục lấy rể kế thế của người Tày Tuyên Quang”, “Tranh thờ của người Dao Tuyên Quang”, “Văn quan làng Tuyên Quang”, “Then cổ Tuyên Quang”…

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã cử cán bộ đi rà soát, kiểm kê, phát hiện đưa về hằng trăm cuốn sách cổ để lưu trữ, vi tính hóa, nghiên cứu, biên dịch, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa của người xưa. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết, để bảo tồn được sách cổ phải có các biện pháp tuyên truyền về giá trị sách cổ. Đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ bảo tồn tiên tiến với các hình thức bảo tồn dân gian.

Muốn tiến tới tương lai chúng ta phải hiểu về quá khứ. Với sự phong phú, đa dạng của nguồn tư liệu cổ quý giá, hy vọng, trong thời gian tới, “kho báu” này sẽ được các cơ quan chuyên môn quan tâm đánh thức. Từ đó góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.