Đánh giá tác động của BĐKH đến việc thực hiện MTQG giảm nghèo bền vững ở Việt Nam hiện nay

Tóm tắt – Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là mối đe dọa lớn trên toàn cầu, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, mọi đối tượng nhưng “người nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất” (UNDP, 2008).

Hiện nay, BĐKH đang tác động sâu rộng đến các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong những năm gần đây Đảng và nhà nước đưa ra chủ trương Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo trên cả nước. Tuy nhiên, do thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, tác động trực tiếp đến đời sống người dân, rõ rệt nhất là những khu vực khó khăn như miền núi và ven biển, gây tác động lớn đến chủ trương giảm nghèo bền vững ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; đồng thời thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.

Trong giai đoạn 2016 – 2018, Trung ương đã chi ngân sách hơn 21 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Điều đó đã tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước giảm một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong năm quốc gia được đánh giá chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu được Liên hợp quốc chọn là quốc gia để tiến hành nghiên cứu điển hình về biến đổi khí hậu và phát triển con người. Trong những năm qua nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã chịu nhiều tác động của thiên tai như bão lớn, nắng nóng dữ dội, lũ lụt, hạn hán và khí hậu khắc nghiệt gây thiệt hại lớn về tính mạng con người và vật chất.

Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, sinh kế của các nhóm dân cư, đặc biệt là nhóm người nghèo, người cận nghèo đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những thay đổi khí hậu toàn cầu. Theo thông kê Việt Nam vẫn còn 9 triệu người nghèo. 72% trong số đó là người dân tộc thiểu số, và phần lớn họ sống tại vùng cao.

Thiên tai, thảm họa không chỉ tác động xấu tới hoạt động giảm nghèo của Việt Nam, nó còn khiến tỷ lệ nghèo diễn ra mạnh hơn cả trong nhóm người giàu. Để giảm nghèo bền vững, điều quan trọng nhất cần làm trước mắt là bảo đảm an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng cho người dân sống ở những vùng thường xuyên tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

“Hiện nay cứ 3 người thoát nghèo lại có 1 người tái nghèo, chủ yếu do hậu quả thiên tai. Như vậy rõ ràng, thiên tai, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới sự nghiệp giảm nghèo bền vững. Như Hà Tĩnh, Nghệ An… thiên tai bão lũ quá nhiều khiến việc giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Nếu không có thiên tai, bão lũ chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm rất nhanh. Thực tế cho thấy, bất chấp những nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhưng chỉ qua một trận bão là tất cả lại rơi vào tình trạng nghèo đói”.

Việt Nam có 2/3 dân số sống ở nông thôn – nơi có tỷ lệ đói nghèo cao và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp – thường là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các tác động cực đoan của thời tiết. Một mặt, do kế sinh nhai bị mất hoặc thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, thiên tai làm thay đổi tiêu cực về nguồn cung lương thực và có thể bóp méo giá cả hàng hóa và cản trở phân phối lương thực, gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng phục hồi sau thiên tai – vốn đã rất thấp – của người nghèo, cuối cùng là gia tăng đói nghèo. Rất nhiều hộ gia đình nông thôn đã bị tái nghèo sau mỗi đợt thiên tai. Vì vậy, cần đánh giá đúng tác động của biến đổi khí hậu đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, qua có có những biện pháp thích hợp giúp người nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

II. MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1722/QD-TTg, ngày 02-9-2016, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Mục tiêu tổng quát

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 – 2020 theo nghị quyết Quốc Hội đề ra.

Mục tiêu cụ thể

Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 – 1.5%/năm (Riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; Hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% – 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (Riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng.

Theo khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là gần 46.000 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động nguồn viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 2.000 tỷ đồng. Chương trình dự kiến sẽ gồm 5 dự án thành phần, trong đó bao gồm nhiều tiểu dự án: Dự án Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 5 là nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình.

III. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp: Thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là một phần đáng kể ở vùng đất thấp đồng bằng ven biển, đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long bị ngập mặn do nước biển dâng; tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng; thời gian thích nghi của cây trồng nhiệt đới mở rộng và của cây trồng á nhiệt đới thu hẹp lại; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.

Do tác động của biến đổi khí hậu, tài nguyên nước phải chịu thêm nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị và sản xuất thủy điện. Chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, và hạn hán vào mùa khô, tăng mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Việc thiếu nước vào mùa khô gây khó khăn cho việc tưới tiêu nông nghiệp và lũ lụt vào mùa mưa tác động đến nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh cho người dân.

Ngư nghiệp cũng là một trong những ngành chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng làm thu hẹp nơi sinh sống của các sinh vật nước ngọt. Nhiệt độ tăng làm cho các nguồn thủy hải sản bị phân tán, các loài cá cận nhiệt có xu hướng giảm đi hoặc mất hẳn. Sản lượng đánh bắt tự nhiên giảm, nền tảng kinh tế của mọi cộng đồng dân cư ven biển không được ổn định.

Một điểm đáng được quan tâm đối với cộng đồng dân cư ven biển là đa số người làm nghề đánh bắt thủy sản là những người nghèo trong xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp, lượng lương thực giảm sẽ đẩy giá bán cao lên, số người nghèo gia tăng, người suy dinh dưỡng ngày càng nhiều… cũng tác động bất lợi đến ngư dân. Đặc biệt Việt Nam là một quốc gia ven biển với hơn 3000 km đường bờ biển, thường xuyên chịu tác động của các cơn bão nhiệt đới, cuộc sống của đa số người dân ở khu vực ven biển bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ dựa chủ yếu vào đánh bắt thủy hải sản.

Ở khu vực miền trung, kéo dài từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ. Sinh kế của người dân chịu tác động nặng nề tàu thuyền bị chìm, đắm; lồng, bè nuôi trồng thủy hải sản dưới biển bị đánh vỡ thì trên bờ, ao nuôi thủy sản, đất nông nghiệp cũng bị xâm nhập mặn; cây nông nghiệp, rau, màu cũng bị ngã, đổ, ngập úng, hư hỏng, thất thoát. Hệ thống đê biển, kè biển ở những nơi này cũng đã bị sóng biển đánh xói mòn, rỗng thân gây khó khăn, nguy hiểm cho việc vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực, giống cây trồng hỗ trợ cho các vùng xung yếu.

Những địa phương vùng núi, dân tộc thiểu số, mưa úng nhiều ngày gây sạt lở, sập đổ nhà cửa, chết người và gia súc, gia cầm, vùi lấp đất nông nghiệp, ngã đổ cây lâm nghiệp, hư hỏng cơ sở hạ tầng. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở những vùng này đều có tài sản rất hạn chế, chỉ đủ duy trì và đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nay do tác động của mưa lũ nên nguy cơ tái nghèo rất cao. Mặt khác, khí hậu biến đổi kéo theo sự gia tăng của các dịch bệnh lên gia súc, gia cầm và lên cả sức khỏe con người. Trong khi đó, bão lũ xảy ra liên tục gây khó khăn cho người dân khi tiếp cận với các dịch vụ y tế giáo dục.

Đối với nhóm dân cư nghèo, tác động của biến đổi khí hậu khác nhau. Người nghèo, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và trên thực tế biến đổi khí hậu có thể làm tồi tệ thêm những bất bình đẳng giới, tạo thêm gánh nặng công việc cho phụ nữ cũng như tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ ở các hộ nghèo (Oxfam, 2009). Tuy nhiên, trong mục tiêu giảm nghèo bền vững của chính phủ chưa đưa ra được các mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện đời sống của phụ nữ và trẻ em nghèo ở các vùng nông thôn và khó khăn. Thiên tai và các thảm họa tự nhiên thường xuyên làm mất tài sản, sinh kế và làm giảm các cơ hội được giáo dục đào tạo chính quy, nhiều trẻ em (đặc biệt là trẻ em gái) có thể phải nghỉ học nhằm giúp gia đình tìm việc làm tăng thu nhập hoặc giúp đỡ những thành viên gia đình bị ốm; Ngoài ra, bão, lũ còn làm tăng dịch bệnh, tăng số người ốm đặc biệt là trẻ em, làm giảm tỷ lệ trẻ em đến trường, góp phần tăng tỷ lệ nghèo đói ở các khu vực khó khăn.

Hiện nay, 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội thuận lợi (như Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kiên Giang), số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo, số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo, nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, cả nước có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 9,79% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 5,27%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020. Khu vực miền núi Tây Bắc có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 34,52%, tiếp theo là Tây Nguyên và miền núi Đông Bắc với 20,74%. Đông Nam bộ có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,23%, tỉ lệ hộ nghèo của Đồng bằng sông Hồng cũng chỉ 4,76%. Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%)… là những tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Như vậy, các hộ nghèo tập trung chủ yếu ở các khu vực miền núi và nông thôn. Nơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Trong những năm tới, theo dự báo của viện nghiên cứu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (số tháng 10/2018), nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 00 đến 10C, tổng lượng mưa mùa tháng 10 đến tháng 12 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm trên phần lớn diện tích cả nước với xác suất 44 đến trên 77%. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan có khả năng xuất hiện ngày càng nhiều, tập trung ở các khu vực miền núi và ven biển. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vừa mới được cải thiện lại phải chịu tác động của thiên tai, như bão, lũ, sạt lở đất làm cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến việc đi học của học sinh và giao lưu buôn bán của người dân bản địa. Những diễn biến thất thường của khí hậu, làm gia tăng khó khăn trong quá trình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững của chính phủ. Cấn có các biện pháp phù hợp, giúp cho người nghèo, đặc biệt là người nghèo ở các vùng khó khăn miền núi và ven biển thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

IV. KẾT LUẬN

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, giảm nghèo bền vững đang là một thách thức và khó khăn với Việt Nam khi 70% người nghèo sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đặc biệt là ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.

Ở các vùng núi và dân tộc thiểu số, khí hậu biến đổi rõ rệt, nhiệt độ tăng, tần suất mưa bão gây sạt lở ngày càng nhiều, tác động lớn đến sinh kế, cơ sở vật chất, hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm khả năng giao thương giữa khu vực miền núi và đồng bằng.

Đối với các vùng ven biển, biến đổi khí hậu làm giảm sản lượng đánh bắt thủy sản, đặc biệt là các loại thủy sản cận nhiệt. Mực nước biển tiếp tục tăng lên gây nhiễm mặn nhiều nơi. Tác động mạnh nhất, rõ rệt nhất ở các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với các gia đình nghèo có ít nguồn lực và khả năng thích ứng. Ngoài ra, việc gia tăng sạt lở ở các vùng ven biển làm cho nhiều gia đình phải di dời nơi ở, tác động lớn đến việc ổn định cuộc sống.

Thiên tai thường xuyên xảy ra ở các khu vực miền núi và ven biển làm gia tăng tỷ lệ người nghèo, dẫn đến tình trạng di cư vào các thành phố lớn để kiếm việc làm, tăng tỷ lệ nhập cư ở các đô thị, gia tăng các vấn đề về môi trường, xã hội và an ninh.

Bên cạnh các mục tiêu về giảm nghèo bền vững đã được đưa ra, nhà nước nên có các biện pháp cụ thể hướng đến đối tượng phụ nữ và trẻ em, là các đối tượng chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu hiện nay làm cho mục tiêu hạn chế tái nghèo, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các mục tiêu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Do đó, cần phải có các kế hoạch dài hạn để giảm số hộ nghèo và tái nghèo, hoàn thành tốt mục tiêu Quốc hội đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công ty tư vấn Trường Xuân. “Mô hình giảm nghèo tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nghiên cứu trường hợp tại Hà Giang, Nghệ An và Đắc Nông,” 9, 10/ 2012.
2. Minh Hà. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tránh tái nghèo, http://daidoanket.vn/moi-truong/chu-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-tranh-tai-ngheo-tintuc388714.3. “Một số điểm mới trong Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020,” http://giamngheo.molisa.gov.vn/NewsDetail.aspx?ID=801&CateID=4, 18-05-2017.
4. Phê duyệt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, 2016 – 2020. Thủ tướng chính phủ ký ngày 02/09/2016
5. Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Thủ tướng chính phủ, ngày 05 tháng 11, năm 2011
5. Thành Chung, Hoàng My, “Giảm nghèo bền vững khi thoát tư tưởng Ỷ lại,” pp. https://baomoi.com/giam-ngheo-ben-vung-khi-thoat-tu-tuong-y-lai/c/25149063.epi, 05/03/2018.
6.https://baomoi.com/ty-le-ho-ngheo-o-viet-nam-giam-lon-nhat-trong-thap-nien-qua/c/25552620.epi


Bùi Thị Phương Thùy
(Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)