Đánh giá đặc điểm nông sinh học của một số loài đỗ quyên bản địa tại Hà Nội

Tóm tắt – Đánh giá đặc điểm nông sinh học của các loài đỗ quyên cho thấy đều sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện ở Hà Nội. Trong 8 loài nghiên cứu đã xác định được 4 loài có triển vọng là đỗ quyên Q3, Q5, Q7 và Q8. Đặc biệt Q8 (đỗ quyên Cà rốt) sinh trưởng phát triển tốt, có chiều cao 59,3 cm, số nụ trên cây khoảng 75 nụ, tỷ lệ nở hoa cao đạt 66,5 %, độ bền hoa trang trí đạt 38,7 ngày, có màu sắc đẹp, khả năng thích ứng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là trong điều kiện khí hậu thời tiết nóng ẩm của Hà Nội.

Đỗ quyên là một loài hoa cảnh được nhiều người ưa thích.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cây đỗ quyên (Rhododendron sp) là cây bụi, thân gỗ, thường xanh, thuộc họ Thạch Nam (Ercaceae). Trên thế giới có khoảng 1000 loài (Fang và Stevens, 2005). Ở Việt Nam, trong “Cây cỏ Việt Nam” đã hệ thống họ đỗ quyên gồm 12 chi với 79 loài. Đến nay chi đỗ quyên được biết có 44 loài. Vùng phân bố chủ yếu ở các vùng núi Sa Pa (Lào Cai), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Bà Nà (Đà Nẵng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Langbian (Lâm đồng). Đây là loài hoa có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích vì có sắc hoa rực rỡ, đa dạng về chủng loại và màu sắc. Cây đỗ quyên được ưa chuộng với người chơi hoa, để làm cảnh và một số loài có tác dụng chữa bệnh. Hiện nay, loài hoa này đã và đang bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên, nên cần có các biện pháp đánh giá và bảo tồn có hệ thống. Để thuần dưỡng và phát triển thông qua việc sử dụng và khai thác có hiệu quả nguồn gen hoa đỗ quyên Việt Nam. Bài viết nêu kết quả điều tra đánh giá đặc điểm nông sinh học của các loài đỗ quyên bản địa tại Hà Nội.

II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Vật liệu

Gồm 8 loài đỗ quyên bản địa của Việt Nam được nhân giống bằng phương pháp giâm cành, cây 12 tháng tuổi, cao 30 cm – 35 cm, sinh trưởng phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại.

Bảng 1. Các loài đỗ quyên nghiên cứu.

2. Phương pháp nghiên cứu

Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp tuần tự 1 lần không nhắc lại, số lượng 30 chậu/công thức thí nghiệm, 5 chậu/m2. Mỗi chậu trồng một cây, kích thước chậu 30 x 35cm. Trên nền giá thể là đất ruộng khô. Các yếu tố phi thí nghiệm được thực hiện đồng nhất trên các công thức thí nghiệm. Kỹ thuật trồng, chăm sóc được áp dụng theo quy trình tạm thời của Viện Di truyền Nông nghiệp năm 2014.

Theo dõi các thời gian trồng, ra hoa, các đặc điểm sinh trưởng, chất lượng hoa, thành phần sâu bệnh hại. Số liệu thí nghiệm được xử lý theo phương pháp thống kê sinh học trên phần mềm Excel 2010 và IRRISTAT5.0.

3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

Thời gian từ tháng 4/2015 – 4/2016, tại vườn ươm Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 

1. Một số đặc điểm hình thái của các loài đỗ quyên bản địa Việt Nam

Bảng 2. Một số đặc điểm hình thái của các loài đỗ quyên bản địa.

Kết quả cho thấy, các loài đỗ quyên có màu sắc lá và trên thân chính là khác nhau. Về lá các loài có màu xanh đậm là Q1, Q7, màu xanh nhạt là Q4, Q6, Q8 còn lại màu xanh Q2, Q3, Q5. Tương tự như vậy ở màu sắc trên thân chính các loài có màu xanh nâu là Q1, Q2, Q6, Q7, màu xanh xám Q3, Q4, Q5 còn lại Q8 có màu xanh tía. kết quả này cũng phù hợp kết quả nghiên cứu màu sắc thân của (Cox, P. A., Cox, K. N. E.,1997). Các loài nghiên cứu có chiều cao từ 47,3 – 59,3cm, trong đó Q8 có chiều cao lớn nhất 59,3 cm, thấp nhất Q1 47,3cm. Đường kính thân dao động 0,81 – 0,87cm. Qua theo dõi cho thấy các loài chiều dài lá lớn hơn 8cm là Q3, Q5, nhỏ hơn 8cm là Q2, Q4, Q6, Q7 và Q8, còn loài có kích thước lá nhỏ hơn 7cm là Q1. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu đặc điểm hình thái lá một số loài đỗ quyên của.

Từ kết quả nghiên cứu trên cho thấy, có 4 loài Q3, Q5, Q7, Q8 cho cây sinh trưởng phát triển tốt có khả năng thích nghi cao, đặc biệt là Q8 (Đỗ quyên Cà rốt) cho chiều cao cây 59,3cm, đường kính thân lớn nhất là 0,87cm .

2. Một số đặc điểm nụ và hoa của các loài đỗ quyên trong nghiên cứu

Bảng 3. Một số đặc điểm nụ của các loài đỗ quyên trong nghiên cứu.

Từ nghiên cứu trên cho thấy, 4 loài (Q3, Q5, Q7, Q8) đều có số lượng nụ nhiều, trong đó loài Q8 (đỗ quyên Cà rốt) là loài có số lượng nụ cao nhất 75 nụ/cây, Q1 ít nhất 61,3 nụ/cây. Hình dạng nụ hoa đều có hình ô van: Dạng búp và nhọn ở đỉnh, có vảy xếp lớp và có lông tơ bao phủ. Màu sắc nụ hoa cũng rất khác nhau: Các loài Q1, Q3, Q5 và Q8 nụ hoa có màu xanh vàng; Q2, Q4, Q7 màu xanh nhạt; riêng Q6 nụ có màu xanh. Về đường kính nụ, Q3 có đường kính nụ lớn nhất là 0,8cm, Q8 nhỏ nhất là 0,5cm. Dựa vào kích thước của nụ hoa có thể dự đoán được kích thước của hoa khi nở thông thường kích thước nụ hoa sẽ tỷ lệ thuận với kích thước hoa khi nở.

Một số đặc điểm hoa của các loài đỗ quyên nghiên cứu

Các loài đỗ quyên trong nghiên cứu có màu sắc rất đa dạng trắng (Q1), trắng xanh (Q2), hồng đậm (Q3), hồng nhạt (Q4), tím đậm (Q5), tím nhạt (Q6), đỏ tím (Q7) và đỏ cà rốt (Q8). Màu hoa đặc trưng cho từng loài, là đặc điểm để nhận biết loài cũng như phân biệt các loài với nhau.

Về số hoa và tỷ lệ nở hoa cho thấy, những loài có số hoa nhiều tỷ lệ nở hoa cao đạt cao nhất là Q8 có số hoa 50 hoa/cây, tỷ lệ nở hoa đạt 66,5 %, thấp nhất Q1 số hoa 34,7 hoa/cây, tỷ lệ nở hoa chỉ đạt 56,7%, các loài còn lại dao động từ 38,7 – 46,4 hoa/cây tỷ lệ nở hoa từ 59,7 – 63,8%. Các loài hoa khác nhau có đường kính khác nhau những loài hoa có đường kính trên 6cm là Q1, Q3, Q5, Q6, Q7, trên 7 cm là Q2 và dưới 6cm là Q8.

Độ bền chậu hoa là chỉ tiêu để đánh giá thời gian sử dụng cho việc trang trí làm cảnh, so sánh độ bền trang trí giữa các loài cho thấy: Q1, Q2 có chỉ tiêu này thấp nhất 27,4 – 29,5 ngày. Trung bình là Q3, Q4, Q5, Q6, Q7 là 32,6 – 35,5 ngày và độ bền trang trí đạt cao nhất 38,5 ngày là Q8.

Từ đó cho thấy, các loài đều có khả năng sinh trưởng phát triển tốt và ra hoa trong điều kiện Hà Nội. Trong đó 4 loài Q3, Q5, Q7, Q8 là có triển vọng, nhất là Q8 cho số hoa nhiều và độ bền dài nhất, là loài có tiềm năng đưa vào sản xuất.

3. Thời gian sinh trưởng phát triển của các loài đỗ quyên nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu về thời gian sinh trưởng phát triển của các loài đỗ quyên cho thấy: Cây đỗ quyên phát triển qua 2 giai đoạn, sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực (ra nụ và ra hoa).

Ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng nhìn chung các loài đỗ quyên sinh trưởng bắt đầu từ tháng 3 kéo dài đến tháng 8, trong đó loài có thời gian sinh trưởng sinh dưỡng ngắn nhất 5,2 tháng là Q1, dài nhất 7,3 tháng là Q6. Các loài Q3, Q5, Q7, Q8 dao động từ 6 – 6,5 tháng. Những loài sinh trưởng quá dài hoặc quá ngắn không thuận lợi cho việc trang trí làm cảnh, vì nếu quá ngắn cây sẽ già cỗi, nếu quá dài cây lâu ra hoa.

Ở giai đoạn sinh trưởng sinh thực: Các loài ra xuất hiện nụ và ra hoa sớm là Q1, Q2 nụ xuất hiện vào tháng 8 và nở hoa vào tháng 11. Loài xuất hiện nụ và ra hoa muộn Q3 và Q8, trong đó Q8 là muộn nhất tháng 10 xuất hiện nụ và tháng 1 trở đi mới nở hoa. Từ kết quả trên cho thấy các loài Q1, Q2, Q4, Q6, Q7 nở hoa trước tết âm lịch, còn loài Q3, Q8 sẽ nở hoa vào sau tết âm lịch. Vì vậy dựa vào thời gian sinh trưởng phát triển của các loài đỗ quyên trong nghiên cứu để có thể lựa chọn, xắp xếp một bộ giống đỗ quyên trang trí quanh năm phục vụ các dịp lễ tết…

4. Đánh giá tình hình sâu bệnh hại của các loài đỗ quyên nghiên cứu

Bảng 4. Tình hình sâu, bệnh hại trên các loài đỗ quyên trong nghiên cứu.

Kết quả bảng 4 nghiên cứu cho thấy, nhện đỏ, bọ trĩ là 2 đối tượng thường gây hại trên cây đỗ quyên. Trong đó mức độ gây hại từ nhẹ đến trung bình. Q1, Q2, Q6 nhiễm mức trung bình (++), Q3, Q4, Q5, Q7, Q8 ở mức nhẹ (+) Ở mức gây hại này chỉ cần phun thuốc phòng trừ định kỳ có thể loại bỏ được các côn trùng gây hại cho cây.

Về bệnh hại, các bênh thường gây hại trên loài đỗ quyên là thối rễ, vàng lá sinh lý và bệnh rỉ sắt. Bệnh rỉ sắt nặng nhất Q3 (cấp 5), trung bình Q1, Q2, Q6 (cấp 3) và nhẹ nhất Q4, Q5, Q7, Q8 (cấp 1). Tương tự bênh thối rễ nhiễm nhẹ nhất Q3, Q7, Q8 (cấp 3), trung bình Q5, Q4, Q2 (cấp 5), nặng nhất Q1 (cấp 7). Riêng vàng lá sinh lý mức độ nhiễm Q1, Q2, Q3, Q4, Q6, Q8 (cấp 3), Q5, Q7 (cấp 5). Nhìn chung thối rễ và vàng lá sinh lý là hai loại bệnh ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây đỗ quyên, cần có biện pháp kỹ thuật tác động (như biện pháp canh tác, sử dụng chế phẩm dinh dưỡng…) làm giảm ảnh hưởng của hai bệnh này nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây hoa đỗ quyên.

Từ kết quả nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của 8 loài đỗ quyên nghiên cứu trồng tại Hà Nội cho thấy, các loài đều thích nghi tốt và phù hợp để phát triển sản xuất tại khu vực đồng bằng. Các loài đều dạng cây bụi có chiều cao mức trung bình, đa dạng về màu sắc, kích thước hoa,… nên có thể đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người dùng.

IV. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

Kết quả nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của 8 loài đỗ quyên cho thấy, các loài sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện ở Hà Nội. Trong 8 loài nghiên cứu 4 loài có triển vọng đó là các loài đỗ quyên Q3, Q5, Q7 và Q8. Đặc biệt là giống Q8 (Đỗ quyên Cà rốt) sinh trưởng phát triển tốt cho chiều cao 59,3 cm, số nụ trên cây nhiều 75 nụ, tỷ lệ nở hoa cao đạt 66,5 %, độ bền hoa trang trí đạt 38,7 ngày, tính thích ứng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt phù hợp khí hậu thời tiết nóng ẩm của vùng đồng bằng.

Cần xây dựng các biện pháp kỹ thuật để giới thiệu cây đỗ quyên Cà rốt (Q8) vào sản xuất phục vụ tiêu dùng và trang trí cảnh quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Hoàng Hộ, 1999. Cây cỏ Việt Nam, tập 1, 3. Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh
2. Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Tiến Hiệp, 2012. Bổ sung hai loài thuộc chi Rhododendron L. (họ Đỗ quyên – Ericaceae Juss.) cho hệ thực vật Việt Nam. Tạp chí Sinh học, 34(4): 446 – 451.
3. Nông Văn duy, et al.. (2014). Thành phần loài và hiện trạng bảo tồn chi Đỗ quyên (Rhododendron L.) ở Lâm Đồng. Tạp chí KHLN 2/2014 (3334 – 3342).
4. Nguyễn Văn Lanh và Cs. (2004). Đỗ quyên loại cây làm cảnh và dược liệu. Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên
5. Nguyễn Thị Kim Lý, Nguyễn Thị Thanh Hoa (2013), Báo cáo đề tài nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển một số loại hoa bản địa tại Việt Nam năm 2013, Viện Di truyền Nông nghiệp
6. Cox, P. A., Cox, K. N. E.,1997. Encyclopedia of Rhododendron Species. Glendoick Publishing. 416 pp.
7. Fang R.C. & Stevens P.F, 2005. Ericaceae. In Wu Y.Z., Raven P.H., Hong D.Y. (eds.). Flora of China 14: 260 – 455. Science Press, Beijing; Missouri Botanical Garden Press, St. Louis.


Đỗ Thị Thu Lai
Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nguyễn Thị Kim LýViện Di truyền Nông nghiệp
Phạm Thị Minh PhượngHọc Viện Nông nghiệp Việt Nam