Dành cho thiên nhiên một nửa trái đất và bài toán lương thực

BVR&MT – Mỗi ngày thế giới có thêm 386.000 trẻ em ra đời và cũng trong vòng 24h của một ngày có từ 1 đến 100 loài động vật biến mất mãi mãi.

Môi trường sống thu hẹp là nhân tố chính dẫn đến sự diệt vong ở các loài. Vậy điều này ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm như thế nào?

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học British Columbia (Canada) và Đại học Maryland (Mỹ)  công bố trên tờ Thiên nhiên bền vững (Nature Sustainability) cho biết chúng ta có thể sẽ mất đi một lượng lương thực lớn, nhưng lớn đến mức nào còn tùy thuộc vào cách thức chúng ta dành không gian cho thiên nhiên.

Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải thay đổi cách phát triển nông nghiệp và bảo tồn.

Bao nhiêu không gian là đủ?

Nhiều con số đã được đề xuất kể từ những năm 1990. Một số nhà khoa học đưa ra con số ¼ diện tích đất liền trong khi những người khác đề xuất ¾ diện tích đất liền và đại dương, số còn lại đề xuất con số 1/2 trái đất.

Nhiều nhà khoa học hàng đầu cũng ủng hộ diện tích nêu trên, bao gồm nhà thiên nhiên học E.O Wilson, tác giả một cuốn sách về cùng chủ đề và nguyên trưởng nhóm khoa học của Qũy Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới WWF – Eric Dinerstein.  Những cá nhân này đang huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu này thông qua các tổ chức mang tên The Half-Earth Project (Dự án Nửa trái đất) và Nature Needs Half (Thiên nhiên cần một nửa Trái đất)

Ý tưởng nghe có vẻ điên rồ nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, đôi khi chúng ta cần những ý tưởng điên rồ để có thể tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Đối với thiên nhiên mà nói, thì việc con người trao trả một nửa diện tích trái đất là hoàn toàn công bằng.

Ảnh: Unsplash

Đảm bảo an ninh lương lực và bảo tồn các loài sinh vật

Rõ ràng, phần lớn nhân loại đều mong muốn bảo vệ các loài sinh vật khác, trừ muỗi hay một số loài côn trùng. Chúng ta rõ ràng có thể nhận lại nhiều lợi ích tích cực và con cháu chúng ta có thể tận hưởng môi trường sống tốt đẹp hơn.

Câu hỏi đặt ra là, có thể vừa bảo tồn nguồn đất vừa đảm bảo an ninh lương thực không?

Đất cho nông nghiêp và nhà ở đã chiểm 37% bề mặt không bị phủ băng của Trái Đất nên thật khó để chừa ra một nửa diện tích toàn cầu cho các loài khác mà không làm mất diện tích đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, có những địa điểm như Midwest, Hoa Kỳ có thể sản xuất nhiều lương thực đến nỗi thật ảo tưởng nếu ta muốn trả nó lại thiên nhiên.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng bảo tồn môi trường sống cho các loài sinh vật có thể phải đánh đổi 29% lượng calories chúng ta đang sản xuất từ các vụ mùa. Tuy vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lượng lương thực này có thể giảm xuống chỉ 3% tùy thuộc vào vị trí quỹ đất dành chúng ta cho bảo tồn.

Theo nghiên cứu, nếu con người có thể chia sẻ cảnh quan nông nghiệp với thiên nhiên, làm cho cảnh quan này thân thiện hơn với các loài sinh vật, thì vừa có thể đem lại hiệu quả tích cực vừa có thể tránh được nhiều thiệt hại về lương thực.

Đây là đòi hỏi không hề nhỏ.

Ở cấp độ quốc gia, nghiên cứu xác định các khu vực có thể xảy ra thâm hụt lương thực trầm trọng nhất bao gồm Ấn Độ (22%), và Trung Quốc (12%). Trong khi đó, 2 quốc gia này có số người suy dinh dưỡng lần lượt là 195 triệu và 134 triệu người. Nghiên cứu cũng chỉ ra một số khu vực khác như Indonesia không có đủ diện tích cho bảo tồn như những gì các nhà khoa học kỳ vọng.

Chính vì vậy, mâu thuẫn giữa thiên nhiên và nông nghiệp cần được giải quyết cẩn trọng. Việc bảo vệ cộng đồng người dễ bị tổn thương, suy dinh dưỡng và thiếu lương thực vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cần tập trung kết hợp bảo tồn và giảm nghèo.

Tiềm năng

Tuy nhiên, không phải tất cả đều là tin buồn!

Nghiên cứu cho thấy nếu hoàn trả nửa diện tích trái đất cho thiên nhiên thì độ che phủ rừng nhiệt đới và ôn đới sẽ tăng đến 30-40%, giúp giải quyết biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại về nông nghiệp do thời tiết cực đoan.

Hơn nữa, trả lại thêm không gian thiên nhiên có thể thúc đẩy các khía cạnh đa dạng sinh học quan trọng đối với mùa màng như sự phát triển của loài ong, vì vậy lương thực sản xuất sẽ tăng giúp giảm lượng nông phẩm bị mất mát do bảo tồn.

Paula Ehrlich, chủ tịch và tổng giám đốc của Qũy Đa dạng sinh học E.O Wilson đồng thời là Trưởng Dự án Một nửa Trái đất chia sẻ cảm nghĩ về nghiên cứu khoa học này:

“Việc xác định các khu vực bảo tồn có thể bảo vệ nhiều loài nhất là chìa khóa giải quyết khủng hoảng tuyệt chủng và đảm bảo một trái đất trong lành cho toàn nhân loại. Khi các khu vực đã được xác định, các hoạt động bảo tồn phải được lồng ghép vào quy hoạch và quản lý hệ thống kinh tế, xã hội của người bản địa, những người trên thực tế là những nhà bảo tồn.”

Nghiên cứu này được cho rằng đã đưa ra những phát hiện có ý nghĩa quan trọng về việc dung hòa mâu thuẫn giữa nhu cầu của con người và nhu cầu của các sinh vật khác.

Phạm Huyền (Theo The Conversation)