Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị

BVR&MT – Từ thực tiễn thực cho thấy, phong trào “Dân vận khéo” đã có sức lan toả và tạo thành phong trào quần chúng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Phong trào “Dân vận khéo” như một chìa khóa vàng, tạo sinh khí mới góp phần thắng lợi trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị. 

Phong trào “Dân vận khéo” đã có tác động mạnh mẽ đến tiến trình xây dựng NTM ở mỗi địa phương.

Ngày 20/10/2015, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW “Về tăng cường và đổi mới công tác Dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương,nhất là Hướng dẫn số 43 về thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã khẩn trương chỉ đạo ban dân vận các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương để tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện tốt vai trò công tác của mình, đặc biệt chú trọng phong trào “Dân vận khéo”.

Vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế – xã hội của từng địa phương, Ban Dân vận các các cấp đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức triển khai nhiều chương trình lồng ghép các nội dung xây dựng nông thôn mới (NTM) với các chương trình, dự án gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; các chương trình tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận, phụ vận cho hàng ngàn lượt cán bộ chủ chốt các cấp.

Hệ thống dân vận các cấp còn thường xuyên chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thi đua dân vận khéo; vận động các tầng lớp nhân dân, huy động các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí như phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội. Trước khi thực hiện một công trình, dự án nào đó có liên quan đến người dân, Mặt Trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tổ chức họp dân, bàn bạc công khai với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Nhờ vậy mà các chủ trương kế hoạch đưa ra đều tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao của người dân. Từ đó xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo cần được nhân rộng như: mô hình huy động nguồn lực xây dựng NTM của huyện Hải Lăng; mô hình chăm lo xây dựng hạ tầng NTM của Hội Nông dân xã Triệu Đông (Triệu Phong); “Tuần lễ chỉnh trang nông thôn”; triển khai phong trào “Khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa”; phong trào “Xóa nhà tạm bợ, dột nát”….

Đặc biệt, Đoàn Thanh niên cũng phát động phong trào “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng NTM” với phương châm “Mỗi đoàn viên một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng NTM” bằng những việc làm thiết thực như: xung kích thu gom gác thải; đảm nhận và tu bổ các trục đường giao thông nông thôn; xây dựng tuyến đường sạch đẹp “Con đường thanh niên xây dựng NTM”…, đã tạo được tiếng vang, sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thể hiện ý chí quyết tâm cao trong xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, dưới cơ sở, công tác dân vận cũng đã lựa chọn những nội dung cụ thể và thiết thực để vận động nhân dân như: góp công, góp của, để xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển nhượng, hiến đất để thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương, nhà văn hóa…

Hiệu quả thiết thực từ mô hình dân vận khéo…

Phong trào “Dân vận khéo” đã có tác động mạnh mẽ đến tiến trình xây dựng NTM ở mỗi địa phương. Thông qua dân vận khéo đã làm cho mọi người dân hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong tham gia xây dựng NTM. Coi xây dựng NTM là nhiệm vụ của mỗi người dân và của mỗi gia đình. Hơn thế nữa, dân vận khéo còn làm cho người dân tự giác đầu tư công sức, tiền của, đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất thâm canh, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chính nhờ phát huy tốt vai trò công tác dân vận đã làm cho nếp nghĩ, cách làm của mọi người dân thay đổi. Ngày càng tin tưởng vào đường lối của Đảng, nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia ý kiến với cấp ủy, chính quyền vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội và xây dựng NTM ở địa phương.

…song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cấp ủy, chi bộ và thành viên của tổ dân vận vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như chưa phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của công tác dân vận với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc. Do đó, một số nơi mô hình hoạt động tổ dân vận còn chồng chéo cả về nội dung lẫn đối tượng. Một số Ban Dân vận cấp huyện và khối dân vận xã, phường, thị trấn chưa xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hướng dẫn số 80-HD/BDVTW, công văn số 116-CV/BDVTU của Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Hoạt động của công tác dân vận chủ yếu dựa vào sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, chưa có chính sách về chế độ phụ cấp và nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động của chính quyền cơ sở nên một số tổ chức hoạt động chưa thực sự hiệu quả làm ảnh hưởng đến phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn toàn tỉnh.

Vì vậy, trong thời gian tới để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM có hiệu quả, phấn đấu năm 2021, tỉnh Quảng Trị có 5 – 6 xã đạt chuẩn NTM; 1 – 2 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đến năm 2025, phấn đấu có trên 75% xã đạt chuẩn NTM, có 3 huyện đạt chuẩn huyện NTM theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra cần tăng cường công tác dân vận ở tất cả các cấp, nhất là những cán bộ làm công tác dân vận phải gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, tạo điều kiện để người dân được biết, được bàn và trực tiếp tham gia đóng góp vào chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng NTM.

Xây dựng quy trình, hướng dẫn để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án, các nguồn vốn đầu tư; tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của nhân dân đối với các công việc cụ thể trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chương trình để tăng hiệu quả, chất lượng, tránh lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực, các nguồn vốn của chương trình. Khuyến khích nhân dân tham gia đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tư tưởng cực đoan, lợi dụng dân chủ, khiếu kiện, gây rối, cản trở việc tổ chức thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích, động viên nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển doanh nghiệp, mở rộng ngành nghề, tạo thêm việc làm; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở…, loại bỏ các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội làm cho nhân dân được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình.

Gắn liền Phong trào “Dân vận khéo” với cuộc vận động đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên sơ kết, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những địa phương, tổ chức, cá nhân điển hình, làm tốt; đồng thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo mặt trận, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội phân công cán bộ, đảm nhận việc hướng dẫn, tổ chức, giúp đỡ cho đoàn viên, hội viên đi đầu trong tổ chức thực hiện.

Từ thực tiễn thực cho thấy, phong trào “Dân vận khéo” đã có sức lan toả và tạo thành phong trào quần chúng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.  “Dân vận khéo” đã trở thành “chìa khóa vàng” để Quảng Trị đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong phong trào xây dựng NTM.

CTV Văn Toàn.