Đan Phượng – Hà Nội: Trồng nho kết hợp làm du lịch sinh thái cho hiệu quả kinh tế cao

BVR&MT – Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn đầu tư và học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác đã giúp người nông dân Đan Phượng phát triển kinh tế với mô hình trồng nho Hạ Đen kết hợp làm du lịch sinh thái. 

Nho Hạ Đen là giống nho khá mới mẻ đối với các tỉnh phía Bắc, cho sản lượng nhiều hơn so với các giống nho bản địa. Trong khi những giống nho khác trong nước thường tập trung chủ yếu ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thì với giống nho Đen không hạt có thể trồng được ở nhiều nơi. Nho Hạ đen có quả tròn, sai quả, thịt quả dày và không có hạt. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm và khá giòn, thơm mát.

Nho hạ đen khi chín sẽ cho quả tròn sai quả, thịt quả dày và không có hạt, ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm và khá giòn, thơm mát.

Học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương và nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều gia đình tại huyện Đan Phượng đã mạnh dạn đầu tư giàn, giống để phát triển giống cây này. Gia đình ông Nguyễn Hữu Hợi, chủ vườn nho Hợi Hường, huyện Đan Phượng là một trong những hộ gia đình trồng nho kết hợp với du lịch sinh thái cho hiệu quả nhất nhì vùng. Tận dụng diện tích nhà có vườn với tổng là 10 mẫu, gia đình ông không chỉ tập trung một loại cây mà trồng đa dạng các loại cây khác nhau, đem lại nguồn thu quanh năm.

Dành riêng 01 mẫu để trồng nho Hạ Đen, ông Hợi chia sẻ: “Nho Hạ Đen là giống rễ trần nên có sức sống bền bỉ, với tốc độ phát triển rất nhanh. Nho hạ đen khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý. Yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt bởi cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng. Cây nho rất kị nước nên với những vùng đất trũng, phải đào rãnh cao, thiết kế bạt phủ luống để làm giảm lượng nước ngấm xuống gốc cây. Đặc biệt, nếu xác định trồng loại nho này thì phải có hệ thống mái che, hệ thống tưới nhỏ giọt và vườn cũng phải thường xuyên làm cỏ thì cây nho Hạ Đen mới phát triển tốt”.

Hệ thống nước và phân bón luôn được nhà vườn quan tâm để bảo bảo tiêu chí tiết kiệm, an toàn và thân thiện với môi trường.

Với giống nho này mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 10, thu hoạch trong khoảng 2 tuần là hết. Theo chị Nguyễn Hồng Hạnh, con ông Hợi – quản lý khu vườn cho biết: “Nho gia đình chủ yếu bán lẻ, rất đông khách và nhiều lúc không có nho để bán. Gia đình kết hợp với du lịch sinh thái để khách vào được thử và tự cắt những chùm mà khách thích”.

Được biết gia đình nhà ông Hợi mới mở mô hình trồng nho kết hợp với du lịch sinh thái nhưng được rất nhiều người ủng hộ, mang lại nguồn thu nhập tốt. Bán giá 150.000/kg, tự khách chọn và cắt. Mỗi năm thu hai vụ, mỗi vụ cho sản lượng khoảng 3,5 – 4 tấn, thu về khoảng 400 triệu/vụ. Mùa cao điểm, khách ghé qua tham quan khoảng 400 – 500 khách, vé vào 30.000/người.

Để có được một vườn nho đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường phải chăm sóc nghiêm ngặt.

Đặc biệt tuổi thọ giống cây này tương đối cao, khoảng từ 10 -15 năm tuổi. Theo chia sẻ của chị Hạnh, để có được một vườn nho đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường phải chăm sóc nghiêm ngặt. Chị cho biết: “Giống nho này cho sản lượng cao và hiệu quả kinh tế tốt, tuy nhiên công đoạn chăm sóc cũng nhiều, chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn. Gia đình không sử dụng thuốc, phân bón hóa học để diệt sâu bệnh mà dùng các loại phân hữu cơ, thuốc thảo mộc vừa an toàn lại bảo vệ môi trường”.

Bên cạnh đó, gia đình cũng tận dụng quỹ đất để canh tác thêm các loại hoa màu, cây ăn quả như ổi, súp lơ, cải bắp và đào cảnh. Vào thời điểm được giá, với diện tích 5 sào ổi thu về mỗi năm 20 – 30 tấn, bán 15.000 – 25.000 đồng/kg, bỏ túi 100 – 150 triệu/năm. Đối với hoa màu súp lơ, cải bắp gia đình trồng 2000 – 3000 cây, thu về 40-50 triệu đồng/vụ và chủ yếu là bán buôn nên cũng tùy từng thời điểm giá đắt hay rẻ mà gia đình thu lời.

Nhà vườn Hợi Hường đang từng ngày cải thiện để vừa trồng nho vừa kết hợp du lịch sinh thái.

Mảnh vườn nhà ông Hợi không chỉ là nguồn kinh tế chủ yếu của gia đình còn là nguồn thu nhập của hơn chục công nhân tại xã. Chị Hạnh cũng bộc bạch: “Mình phải chi trả lương cho công nhân quanh năm, nên chỉ trồng nho thì không đủ, mùa nào cũng phải có cái thu nên phải chia đất canh tác”. 

Không chỉ có gia đình nhà ông Hợi, nhiều hộ nông dân tại huyện Đan Phượng cũng đang chia sẻ và học hỏi nhau về cách trồng, chăm sóc giống nho Hạ đen, từng ngày phát triển kinh tế địa phương.

Vườn nho không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ hộ mà còn là nguồn thu nhập của công nhân tại địa phương.

Hà Linh