BVR&MT – Tình trạng san múc đất trái phép đang diễn ra tràn lan trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông. Việc này không chỉ gây nhiều hệ lụy về quy hoạch mà còn gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, địa phương và cơ quan chức năng chưa bám sát quy định, chậm xử lý và lúng túng trong xử phạt.
Múc núi, san đồi tràn lan
Khu vực dọc suối Đắk Nông, đoạn chảy qua phương Nghĩa Tân, đang là điểm nóng về tình trạng san lấp đất nền tại TP. Gia Nghĩa. Các điểm san lấp nhìn xuống dòng thác của suối Đắk Nông, “view” cực đẹp để làm nơi nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ.
Một khu đất sát suối Đắk Nông rộng hàng ngàn m2 được san lấp bằng phẳng, trồng hàng chục cây cảnh, dựng trụ điện theo hàng thẳng tắp. Khu đất cắt các lô vuông vắn hướng nhìn xuống thác nước rất hấp dẫn.
Cách đó không xa, quả đồi nằm dọc suối Cá Sấu cũng bị đục khoét, đào múc rầm rộ vì có vị trí “view” đẹp. Khu đất đã được san ủi các tuyến đường nội bộ và đang xây dựng tường rào, rãnh thoát nước, các công trình phụ trợ. Một khoảnh đất hàng trăm m2 sát suối được lu lèn bằng phẳng.
Tương tự, một quả đồi khoảng 5ha nằm ở vị trí đắc địa gần trục đường Lý Thái Tổ, phường Nghĩa Đức (TP. Gia Nghĩa), đã bị san múc tạo ra khu đất mặt bằng đẹp và vô cùng giá trị. Cơ quan chức năng xác định, tổng diện tích đất bị san múc trái phép là 768m2, đều nằm trong khu vực được cơ quan chức năng quy hoạch xây dựng.
Không riêng TP. Gia Nghĩa mà tình trạng múc đồi, bạt núi, san lấp đất nền trái phép đang diễn ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Hầu hết các vụ san lấp đất quy mô lớn để tạo đường đi, lấy mặt bằng… diễn ra dọc các quốc lộ, tỉnh lộ.
Huyện Đắk Song xác nhận, chưa có bất kỳ dự án nào trên địa bàn được cấp phép để xây dựng khu dân cư. Vậy nhưng, dọc hai bên Quốc lộ 14 đoạn qua thôn 10, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, một quả đồi lớn bị đục múc. Trên khu đất mới san lấp, một số căn nhà đã dựng lên. Thậm chí, có thời điểm, khu đất mới san lấp được phân lô và rao bán công khai trên các trang mạng xã hội.
Tình trạng tập thể, cá nhân tự ý bạt núi, san lấp nền kéo theo tình trạng xây dựng trái phép tràn lan. Sau khi san lấp, không ít khu đất đã được chủ nhân bao quanh khuôn viên, xây nhà ở, thậm chí dựng lên những công trình bề thế, kiên cố. Việc xây dựng trái phép không chỉ diễn ra trên đất nông nghiệp mà còn trên đất quy hoạch rừng…
Xử lý khó khăn
Việc san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Gia Nghĩa thời gian qua diễn ra thường xuyên, liên tục. Nhiều vụ san múc đất trái phép quy mô lớn, diễn ra rầm rộ và hầu hết chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Điều đó cho thấy, cơ quan quản lý Nhà nước dường như đang “chạy theo” các vụ việc vi phạm.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Gia Nghĩa, trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn đã phát hiện, xử lý 39 trường hợp san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép. Cơ quan chức năng đã ban hành 39 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền nộp phạt là 388,3 triệu đồng. Trong đó, có 22 trường hợp chấp hành quyết định xử phạt, 17 trường hợp với số tiền phải nộp phạt 212,3 triệu không chấp hành.
Điều đáng nói, trong số các trường hợp bị xử phạt, nhiều đối tượng vi phạm nhiều lần. Có những trường hợp bị xử phạt những vẫn “cố đấm ăn xôi” thực hiện hành vi đến cùng.
Ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa cho biết: Mặc dù đã tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý nhưng các vụ vi phạm san lấp vẫn diễn ra. Áp lực về xử lý san lấp mặt bằng trong thời gian qua tại thành phố là rất lớn. Các vụ vi phạm diễn ra nhiều và tinh vi, lén lút, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quá trình xử lý.
Trong số các đối tượng bị phạt, có nhiều đối tượng không chấp hành nộp phạt hành chính; và hầu hết các vụ vi phạm san lấp mặt bằng bị xử phạt vì hành vi hủy hoại đất đều không khắc phục được hậu quả. Thậm chí còn không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả của cơ quan nhà nước đã làm giảm hiệu lực quản lý của chính quyền.
Đồng thời, mặc dù Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đã ban hành hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi san lấp, đào đắp đất trái phép, nhưng đến nay việc triển khai của các địa phương còn lúng túng, chưa bám sát quy định.