Đắk Lắk: Sông đang lở và cát đang bay

BVR&MT – Sự tắc trách của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý đã khiến những sông suối ở đây bị lở hết đoạn này đến đoạn khác.

Bất chấp những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về chấn chỉnh khai thác cát, những con sông ở Đăk Lắk vẫn  quằn quại bởi bởi các tàu cát hoạt động vô tội vạ. Hầu như không có cát tặc ở tỉnh, chính sự tắc trách của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý đã khiến những sông suối ở đây bị lở hết đoạn này đến đoạn khác.

Tỉnh Đăk Lăk cấp phép khai thác gần 1 triệu mét khối cát/1 năm. Nhưng toàn tỉnh có 180 tàu cát đang hoạt động trên các sông ở Đăk Lăk và chỉ được quản lý một cách tạm bợ (không đăng ký, đăng kiểm, không giám sát hành trình), khai thác vượt xa mức độ cấp phép.

Một trong những điểm nóng mới phát sinh ở Đắk Lắk là đoạn sông Krông Nô, tiếp giáp giữa xã Ea Rbin, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk và xã Nâm Nđir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông. Trên đoạn sông chưa đầy 1 km, từng đội tàu tụm năm, tụm 3, hút cát từ 4g30 đến 16g30, khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng.

Mỗi tàu khai thác 30 đên 70 mét khối/1 chuyến. Từ 30 đến 40 tàu, khai thác 3 chuyến mỗi ngày, lấy đi khoảng 3 nghìn 500 mét khối cát mỗi ngày. Trong khi tổng lượng khai thác 2 tỉnh cho phép là 80 nghìn mét khối/1 năm/25 km đoạn sông này. Người nông dân bất lực nhìn đội hình khai thác cát hùng hậu, để vườn tược của mình từng ngày đổ sập xuống lòng sông. Từ đầu năm 2017, đoạn sông này đã lở sâu vào bờ khoảng 3 mét phía xã Nâm N’Đir. “Nhà nước không sớm vào cuộc thì dân không còn đất đâu”.

Anh Lý Văn Tâm, ở thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir (Krông Nô) nói: Sở Tài nguyên-Môi trường Đắk Lắk cho biết, đã cắm rất nhiều biển cấm khai thác ở những vùng sạt lở, nhưng tiến độ cắm không theo kịp tiến độ phát sinh những điểm sạt lở mới.

Trong khi những dòng sông đang lở thì những chuyến xe cát có ngọn vẫn “bay êm” trên các tuyến đường.

Phía bên xã Ea Rbin, tỉnh Đắk Lắk, bờ sông cũng như bị oanh tạc bởi những loạt bom hạng nặng, hay giống như mới qua trận đại hồng thủy.

Cũng theo Sở Tài nguyên-Môi trường Đắk Lắk, tỉnh chỉ cho phép khai thác cát lòng sông, cách bờ từ 5 mét cho đến hơn 20 mét, tùy theo lòng sông rộng hay hẹp. Thế nhưng, trên sông Krông Pách, đoạn qua xã Ea Ô, huyện Ea Kar trước đây chỉ rộng hơn chục mét, muốn có cát, tàu buộc phải vi phạm giới chỉ mà tỉnh quy định. Hậu quả là tình trạng sạt lở xảy ra ở khắp nơi.

Cơ quan chức năng cho rằng: Khó có thể kết luận, tỉnh trạng sạt lở ở các sông là do khai thác cát hay do mưa lũ. Thế nhưng, hình thái sạt lở có thể nhìn thấy từ vệ tinh. Sông mở rộng bất thường ở ngay mỏ cát, tạo thành những vịnh lớn, nhỏ, khoét sâu vào đất nông nghiệp.