BVR&MT – Tropenbos Việt Nam đề xuất chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, cơ cấu 3 loại rừng nhằm tránh tình trạng lấn chiếm, chồng lấn gây trở ngại cho công tác quản lý, sử dụng rừng.
Ngày 19.11, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Quy hoạch sử dụng đất và giao đất giao rừng ở tỉnh Đắk Lắk”.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk và các chuyên gia và nhà nghiên cứu Đại học Tây Nguyên.
Theo Tropenbos Việt Nam, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện chính sách giao đất, giao rừng và hình thành hệ thống chủ rừng trong phạm vi toàn tỉnh, gồm 6 ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, 8 công ty lâm nghiệp, 133 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và 11 tổ chức khác là chủ rừng.
Đáng giá chung giai đoạn 2015-2020, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được lập, phê duyệt đảm bảo quy định của pháp luật; thực hiện tốt về công khai minh bạch, lấy ý kiến nhân dân.
Tuy nhiên, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế, xã hội của các ngành khác.
Các chuyên gia của Tropenbos Việt Nam cho rằng: Đắk Lắk cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng nhằm tránh tình trạng lấn chiếm, chồng lấn gây trở ngại cho công tác quản lý, sử dụng rừng; qua đó, tạo quỹ đất sản xuất nông, lâm kết hợp trong khu vực miền núi.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần rà soát diện tích đất đã giao cho UBND xã tạm thời quản lý để có kế hoạch giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật. Trong đó, ưu tiên giao cho cộng đồng dân cư sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Hỗ trợ tiền bảo vệ rừng đối với hộ được giao rừng tự nhiên đồng thời cho phép khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên diện tích rừng được giao và được hưởng lợi theo quy chế quản lý theo hướng có lợi cho bà con…
Ông Trần Hữu Nghị – Giám đốc Tropenbos Việt Nam – nhấn mạnh: Quy hoạch sử dụng đất là vấn đề quan trọng, sự kiện nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất và giao đất giao rừng ở Tây Nguyên và vùng lưu vực sông Sêrêpốk tỉnh Đắk Lắk.
Các bên liên quan có thể nghiên cứu, đề xuất với chính quyền những giải pháp, khuyến nghị chính sách để thực hiện tốt các chính sách đất rừng.
Kết quả nghiên cứu bước đầu sẽ là cơ sở khoa học để hỗ trợ chính quyền quản lý hiệu quả và nâng cao đời sống sinh kế người dân gắn với rừng.