Đại ngàn trên Cao nguyên

BVR&MT – Dân tộc Pu Péo ngày xưa còn có tên là Ka Beo, Pen Ty Lô Lô, là một trong những tộc người có số dân ít trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam, khoảng trên dưới 600 người và từng được xem là những cư dân đầu tiên khai phá vùng núi non hiểm trở. Dân tộc Pu Péo chỉ có duy nhất tại Hà Giang, vừa có thể làm ruộng nước, vừa tận dụng thế mạnh của rừng trong cuộc sống mưu sinh và họ có ý thức trồng rừng, bảo vệ rừng rất hiệu quả. Hiện người Pu Péo còn duy trì Lễ cúng thần rừng vào ngày 6.6 (Âm lịch) hàng năm.

Tôi mang câu hát “Bài ca chào mặt trời” – dân ca của đồng bào dân tộc Pu Péo mà lên với Phố Là tít tắp, vời vợi trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Bài dân ca có câu: “Sáng sáng mặt trời thức giấc từ phương Đông/Chiều chiều mặt trời về phương Tây ngủ yên/Như thế, như thế trời đất tưng bừng/Làng bản sướng vui…”. Lời dân ca vấn vít, dài như 13 đời người Pu Péo gian nan trên con đường thiên di từ phương Bắc về Phố Là và công cuộc khai khẩn đất đai, duy trì phát triển cộng đồng…

Vượt gần 200 cây số đường núi, chúng tôi đã có mặt tại Phố Bảng dưới thời thuộc Pháp, Phố Bảng được mệnh danh là Hồng Kông thứ hai. Thuốc phiện và súng đạn được bày bán tự do, có sòng bạc xuyên Đông Dương, là trạm chung chuyển thuốc phiện lớn nhất phía Bắc, nằm trong Tam giác vàng lục địa châu Á. Nơi đầy rẫy những toan tính, tranh giành nguồn lợi từ buôn bán, cờ bạc, đặc biệt là thuốc phiện. Cuối năm 1979, trung tâm huyện chuyển ra xã Đồng Văn. Hiện giờ Phố Bảng vẫn là cửa khẩu nhộn nhịp, đang được tỉnh đầu tư quy hoạch với quy mô thị tứ.

Mùa Xuân trên Cao nguyên đá. Ảnh: Lê Lâm

Từ trung tâm Phố Bảng rẽ trái, chúng tôi ngược lên Phố Là 15 km, có thể là do địa hình cao hơn Phố Bảng, hay gió từ cánh rừng thổi về không ngớt mà giữa Hè vẫn lạnh. Đi được vài cây số đã gặp rừng, không phải rừng non hay rừng mới trồng, đây là cánh rừng nguyên sinh kéo từ Phố Bảng sang Phố Cáo rộng dài trên 2.000 ha, với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm và động, thực vật phong phú. Thi thoảng chúng tôi gặp những chú thỏ, sóc bông vút qua đường, hoặc tiếng gà gô gáy te te, tiếng suối chảy ầm ào xa xăm, mây trắng đọng từng vũng trong các lòng khe…

Trung tâm Phố Là quần tụ trong một thung lũng bằng phẳng, có một hồ nước tự nhiên đầy ắp, rộng chừng 2 ha, đảm bảo cho việc tưới tiêu canh tác 2 vụ. Trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm xá được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang. Điện lưới quốc gia ổn định nên đời sống của đồng bào có nhiều cải thiện. Dãy núi đá vôi sừng sững khéo dài lên phía Bắc, đây cũng là đường biên giới giữa Phố Là và huyện Ma Ly Pho – Vân Nam – Trung Quốc. Điểm trường chính cấp I, II của xã trên 500 học sinh, là một trong những điểm sáng nhiều năm của ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Đồng Văn. Con em đồng bào Pu Péo, do biết vị thế của dân tộc mình nên chăm chỉ học tập, ra sức rèn luyện. Điều đáng quan tâm là người Pu Péo thường kết hôn cận huyết thống, có lẽ vì thế mà dân số của dân tộc này khó đông lên được. Mặc dù Đảng, Nhà nước khuyến khích không hạn chế đồng bào sinh con. Tìm hiểu trong dân ca và dõi theo cách ứng xử với cuộc sống hiện tại, điều khẳng định đây là một dân tộc thông minh, nhạy bén, thể hiện rõ nhất trong canh tác lúa ruộng 2 vụ, tổ chức cuộc sống gia đình, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, bảo vệ rừng, ít có dân tộc thiểu số nào sánh được.

Có một huyền thoại nổi tiếng, gắn với sinh hoạt tâm linh của dân tộc Pu Péo còn được truyền tụng đến giờ. Truyện kể rằng: Từ thuở khai thiên lập địa, bất ngờ có trận đại hồng thủy ập xuống trần gian, tất cả bị nhấn chìm trong biển nước. Rất may 2 chị em người Pu Péo được bà tiên ngủ trong chiếc nong tròn cứu thoát. Chiếc nong tròn là con thuyền cứu mạng và 2 chị em chính là thủy tổ của người Pu Péo. Chiếc nong tròn đến nay vẫn là vật linh thiêng của họ… Huyền thoại ấy cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường trở ra thôn Củng Chá, nơi đang được chuẩn bị lễ vật để cúng thần rừng vào sáng hôm sau. Củng Chá có hơn 29 hộ dân sinh sống đều mang họ Củng. Ở thôn còn giữ được cánh rừng nguyên sinh rộng trên 600 ha xanh tốt và bí ẩn.

Người Pu Péo giữ lửa quanh năm trong nhà, bếp lửa được đặt nơi trang trọng nhất gọi là bếp lửa thiêng, khách quý mới được mời ngồi ở bếp lửa này. Sau bữa cơm tối, đống lửa được đốt lên bừng sáng trên cánh ruộng mà đồng bào vừa thu hoạch lúa xong. Trẻ em, thanh niên nam, nữ, có cả người già nắm tay nhau vòng trong, vòng ngoài nhảy múa, ca hát rất náo nhiệt. Thanh niên nam, nữ hát dao duyên, hát đối, hát đố… Với mong ước cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, tình yêu thương con người thân tình, ấm áp như ngọn lửa chẳng bao giờ nguội lạnh.

Cuộc vui kết thúc khi trời đã vào khuya. Cả thôn Củng Chá không ngủ. Các cụ già, thanh niên đang hoàn tất mọi công việc theo sự phân công của trưởng thôn. Người Pu Péo có quan niệm ngày đẹp nhất trong năm là ngày 6.6 (Âm lịch). Vào ngày này người Pu Péo làm Lễ cúng thần rừng, cầu mong cho dân tộc mình đông đúc, đời sống no đủ, còn là thành quả một năm lao động không mệt mỏi nhằm báo cáo với Tổ tiên…

Buổi sớm sương mù chưa tan, mọi lễ vật trịnh trọng chuyển ra bìa rừng và được bày lên chiếc nong tròn, đặt trên một giàn tre chắc chắn. Dân tộc Pu Péo có quan niệm: Giàn tre tượng trưng cho cánh rừng thiêng đã từng che chở, nuôi sống dân làng, còn chiếc nong tròn, để con cháu không quên Tổ tiên ngày trước…

Cơm nắm dẻo thơm, trứng gà luộc được sắt ra từng miếng nhỏ, con dê đực vừa tuổi trưởng thành lông mượt béo mập, đôi gà tơ chân vàng (gồm con trống và mái) được buộc ngay sát giàn tre là lễ vật chính. Người chủ lễ khăn áo chỉnh tề, tay cầm một nhành lá nhỏ nhúng vào bát rượu, đi vòng quanh nơi bày lễ, những giọt rượu từ nhành lá được vẩy ra bốn phía và lễ cúng bắt đầu…

Đồng bào Pu Péo đứng vòng tròn quanh ông thầy cúng, mùi rượu thơm nồng, quyện hòa cùng dìu dịu khói hương, cảm giác như thần rừng thấu hiểu tấm lòng của người dân Pu Péo mà rẽ mây rẽ lá trở về… Đôi gà và con dê được mổ thịt ngay tại chỗ, đầu và chân các con vật được rửa sạch trong rượu, dâng lên lễ cúng. Sau đó tất cả được nấu chín bày lên giàn tre cả con… Thầy cúng xem cẩn thận từng bộ phận: Tim, gan, phổi, chân gà… để biết năm đó, đồng bào Pu Péo làm ăn thuận lợi hay khó khăn mà thỉnh cầu với thần rừng che chở, phù hộ, cũng là nhằm nhắc nhở bà con chăm lo sản xuất, tiết kiệm, thực hiện đầy đủ quy ước chăm sóc, bảo vệ rừng…

Người chủ lễ cúng qua năm phần mới kết thúc. Đồng bào Pu Péo Phố Là có trọn nửa ngày để giao hòa với thiên nhiên, trời đất. Và bữa cơm được bày ra cạnh bìa rừng cả làng bản cùng ăn… Khi men rượu ngô đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt cũng là lúc chuyện vui, chuyện buồn được mỗi người kể ra… Nào chuyện học hành, công tác của con cháu, chuyện Chính phủ tiếp tục đầu tư kinh phí để đồng bào Pu Péo bảo vệ và trồng rừng. Chuyện dân tộc Pu Péo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đoàn kết xây dựng quê hương Phố Là giàu đẹp.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông chủ lễ cùng với dân bản ngược núi đến cây Nghiến đại thụ cao nhất rừng, tán lá xòe rộng bằng nửa vạt ruộng. Ông trịnh trọng thắp hương dưới gốc, báo cáo với thần rừng lễ cúng đã hoàn tất và xin một ít cây non để thanh niên mang về trồng vào những khoảng đồi còn trống… Đó là sự tiếp nối kỳ diệu của rừng cây – đời người và của cả cộng đồng.