“Đại dịch đói” có thể tồi tệ hơn đại dịch Covid-19

BVR&MT – Trước Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về lương thực dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng. Giới chức LHQ cảnh báo rằng, một “đại dịch đói” có thể tồi tệ hơn đại dịch Covid-19.

Trẻ em xếp hàng nhận gạo và đậu cứu trợ tại một khu ổ chuột ở khu Kapasheda, Delhi, ngày 7/4. Ảnh: Al Jazeera.

Đại dịch Covid-19 đang cho thấy tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong việc đối đầu những thách thức lớn, trong đó có việc giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực để đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững bằng cách chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập và chi phí thực phẩm cao tiếp tục khiến việc bảo đảm chế độ ăn uống no đủ, lành mạnh đang “nằm ngoài tầm với” của khoảng ba tỷ người trên hành tinh và chống “giặc đói” vẫn luôn là thách thức ở nhiều khu vực.

Mất an ninh lương thực có nguy cơ trầm trọng hơn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vừa cảnh báo về một “đại dịch đói” có thể tồi tệ hơn đại dịch Covid-19. Theo đó, khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới đang đứng trên bờ vực của nạn đói. Các quan chức của LHQ nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự mong manh của hệ thống lương thực toàn cầu, qua đó đòi hỏi cần phải có một hệ thống công bằng, bền vững và linh hoạt hơn nhằm bảo đảm cung cấp lương thực một cách ổn định và liên tục cho khoảng 8,5 tỷ người trên thế giới vào năm 2030.

Đáng lo ngại là không chỉ các nước nghèo mà cả các nước giàu cũng đang đau đầu vì an ninh lương thực. Tạp chí Financial Times dẫn báo cáo mới đây của LHQ cho biết trong năm 2020, gần 9% người dân tại châu Âu và Bắc Mỹ đã rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải và nghiêm trọng. Con số này tăng so với mức 7,7% ghi nhận một năm trước đó. Báo cáo chỉ ra những người rơi vào tình cảnh đói kém ở những nước giàu có là những người lao động tự do, hoặc lao động theo hợp đồng tạm thời.

Đối phó với “đại dịch đói” đang là “việc cần làm ngay” của chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vừa kêu gọi cần giải quyết đồng thời nạn đói và xung đột, vì hai vấn đề này có tác động qua lại với nhau. Theo ông, giải quyết nạn đói còn là nền tảng cho sự ổn định và hòa bình. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) cũng kêu gọi giải quyết “các nguyên nhân gốc rễ” gây ra nạn đói nghiêm trọng và giúp cho hệ thống nông nghiệp – lương thực hoạt động hiệu quả, linh hoạt, bền vững hơn.