Đại dịch Covid-19: Thách thức và cơ hội với báo chí

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021)

BVR&MTĐại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều ngành nghề. Riêng với báo chí, đây có thể xem là một thách thức, thậm chí là một cuộc sàng lọc nghiệt ngã nhưng nó cũng là cơ hội để truyền thông chính thống khẳng định năng lực, độ tin cậy, qua đó chứng minh chỗ đứng không thể thay thế trong lòng độc giả. Đó cũng chính là những chia sẻ của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021).

Xem thêm:

Trò truyện cùng Nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam đạt giải “Nobel xanh”

Báo chí thời 4.0: Khi thách thức và cơ hội luôn song hành

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

PV: Tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới ngành báo chí hiện nay như thế nào thưa anh?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Theo quan điểm của tôi thì báo chí trong mùa dịch Covid-19 này không có sự tươi sáng nào cả bởi vì báo chí là giao tiếp, là tiếp xúc, là điều tra, là xúc cảm đi từ thực tế. Nếu viết chân dung thì cũng đòi hỏi nhà báo phải gặp người và thấm thía cuộc sống của họ và phải giao tiếp. Mà cái sự giao tiếp bây giờ thì nó quá hạn chế. Hiện nay chúng ta có rất nhiều vùng đô thị, vùng dân cư phải giãn cách xã hội. Ngay cả những vùng chưa giãn cách thì cũng hết sức thận trọng. Kể cả những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 như chúng tôi, hay ngay cả những người tiêm 02 mũi như các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vừa qua thì hơn 50 người vẫn bị nhiễm. Vậy thì nguy cơ lây nhiễm và mức độ rủi ro là quá lớn cho nên khó khăn là rất nhiều.

Đỗ Doãn Hoàng sinh ngày 1/1/1976 tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, là nhà báo chuyên làm phóng sự điều tra, hiện đang công tác tại Báo điện tử Dân Việt. Anh được biết tới nhiều nhất qua những thiên phóng sự nhiều khám phá độc đáo, giàu sức chiến đấu bảo vệ công lý và giàu giá trị nhân văn.

Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn thấy những góc độ báo chí thích ứng với thời buổi Covid này. Chưa bao giờ báo chí truyền thông về mảng y tế, liên quan đến sức khỏe con người lại được quan tâm như bây giờ. Người ta ở nhà, giãn cách, lo lắng dẫn đến số bệnh nhân nhập viện tâm thần chưa bao giờ tăng cao như vậy. Bởi stress, căng thẳng nên họ theo dõi thông tin về Covid rất sâu sắc. Đấy là cơ hội để báo chí thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, tạo sự hấp dẫn, tính phân tích cũng như tính kịp thời về mặt thông tin để phục vụ người dân. Khi người ta bị giãn cách xã hội thì vẫn có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề xã hội nói chung và đặc biệt là các thông tin về Covid-19, về vaccine, về tình hình thế giới… thì đó lúc báo chí phát huy vai trò của mình.

Hiện nay, nhiều tờ báo có lượng người đọc tăng vượt trội bởi người ta không có việc gì, người ta stress, căng thẳng và người ta đọc nhiều. Đấy gọi là trong cái rủi thì cũng có những tín hiệu tích cực đó là báo chí đã tận dụng những thời điểm rất là vất vả đấy để tăng uy tín của mình đối với độc giả khi mà họ có một nhu cầu rất tha thiết là được tiếp cận thông tin về dịch bệnh ở Việt Nam và thế giới. Đấy là tín hiệu tốt theo tôi nhận định.

PV: Anh đã nhắc nhiều tới sự thích ứng của báo chí trong thời buổi Covid-19, vậy sự thích ứng đó được thể hiện cụ thể ra sao thưa anh?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Sự thích ứng với tình hình dịch là ở chỗ là báo chí đã bắt đầu thoáng hơn, mở hơn trong vấn đề khi sự giãn cách tương đối hoặc giãn cách xã hội thật sự xảy ra. Tôi ví dụ, các báo, đài đã sử dụng nhiều hình thức phỏng vấn qua mạng hơn. Chưa bao giờ hoạt động báo chí liên quan đến ứng dụng trực tuyến, Live stream… lại được sử dụng nhiều như bây giờ. Bản thân tôi trả lời phỏng vấn đài truyền hình và các kênh sóng từ xưa đến nay hầu như rất ít sử dụng video call, tuy nhiên thời điểm này nó lại đang là xu hướng. Cũng chính bởi vậy, ai làm ngược lại xu hướng ấy còn đáng bị lên án bởi vì giữa thời điểm giãn cách xã hội hiện tại mà còn đi phỏng vấn trực tiếp nhau thì rất là vô duyên nếu không muốn nói là vi phạm pháp luật. Trước tình trạng đó thì người ta chấp nhận phỏng vấn qua video call trực tuyến và dần rồi sẽ thấy rất bình thường. Rất nhiều phóng viên đi các vùng chiến sự không thể chuyển hình ảnh chất lượng cao như tiêu chí của VTV về được thì người ta đã dùng rồi nhưng không phổ biến, còn bây giờ lại dùng rất nhiều.

Theo Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, đại dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội thúc đẩy hoạt động báo chí liên quan đến các ứng dụng trực tuyến thời đại công nghệ 4.0 lên ngôi như: Live stream, Zoom, Video call…

Gần đây chúng tôi tham gia rất nhiều khóa đào tạo quốc tế trong đó tôi vừa là người đào tạo đồng thời cũng là học viên thì người ta đều dùng ứng dụng, chẳng hạn như Zoom, thì rất an toàn và không có vấn đề gì cả. Cho nên chúng ta cũng nên nghĩ mở trong vấn đề phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Đôi lúc tôi còn nhìn lại là tại sao bấy lâu nay mình không dùng hình thức đó mà lại khổ sở như thế, đi mấy trăm cây số để gặp một người cũng chỉ để phỏng vấn thôi. Thậm chí ứng dụng còn cho phép ghi lại màn hình rất là nét. Nó cũng giống như Covid-19 khiến cho người ta mua hàng trên mạng rất nhiều và rất văn minh, kể cả mớ rau, con cá cũng mua qua mạng.

Sau đại dịch này tôi tin rằng những ứng dụng mang tính tình thế sẽ trở nên ưu việt và được sử dụng lâu dài. Theo đó sự tương tác giữa các tòa soạn, trong nội bộ tòa soạn với nhau sẽ nâng lên một cấp độ mới. Như tòa soạn chúng tôi bây giờ ai muốn đến cơ quan phải đăng ký với Tổng biên tập nhưng vẫn hoạt động bình thường. Với hệ thống chính quyền cũng vậy, nhiều xã, phường không tiếp người dân làm việc trực tiếp nữa mà làm việc online mà công việc vẫn trôi chảy, xã hội vẫn hoạt động bình thường. Các tổ chức Nhà báo quốc tế đã và đang đào tạo các hình thức báo chí hoạt động điều tra theo số liệu thay vì nhìn vào bề nổi cuộc sống. Bề nổi đó thì chúng ta đã đi thực tế nhiều rồi và trong mùa dịch thì chúng ta nghiên cứu số liệu, tìm hiểu các mảng sâu hơn của nó, phân tích ở cái tầng khoa học và hàn lâm hơn thì tác phẩm báo chí của chúng ta sẽ theo tầng bậc khác cấp tiến cùng với xã hội.

PV: Là một cây bút phóng sự điều tra có thâm niên và đã đạt nhiều thành tựu cả trong và ngoài nước, xin anh chia sẻ bí quyết để giữ vững được “phong độ” đặc biệt là trong thời buổi cách mạng 4.0 hiện nay?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Trong hành trình làm báo suốt mấy chục năm qua thì gần đây chúng tôi phải làm báo trong tư thế của một xã hội mà Covid-19 đã bốn lần bùng dịch rồi. Xét từ bản thân thì chúng tôi vẫn tác nghiệp, vẫn đi thực tế ở những vụ phá rừng tạo nên những chấn động lên tận Quốc hội, Chính phủ và nhận được những giải thưởng quán quân về các lĩnh vực điều tra. Thậm chí chúng tôi có thể lên hình cùng đối tượng trong hoàn cảnh cả hai bên đều đeo khẩu trang mà không sợ lộ bởi có những người trong nhóm chúng tôi rất quen mặt trên truyền thông thì không sợ nữa vì mặt đã được bịt khẩu trang. Trong cái rủi lại xuất hiện những cái may nho nhỏ và bản thân chúng tôi khi làm các vụ lớn và đối thoại với Chủ tịch tỉnh chẳng hạn thì chúng tôi vẫn bịt mặt, dùng khuỷu tay để chào hỏi… và những tác phẩm chất lượng vẫn ra đời. Quan trọng hơn tôi dành thời gian cho những phân tích sâu: Đằng sau là gì? Tại sao như vậy? Lối ra năm ở đâu? Cơ quan chức năng nghĩ gì?…

Bí quyết để Đỗ Doãn Hoàng luôn giữ vững được “phong độ” của một tay bút phóng sự điều tra hàng đầu về môi trường – tài nguyên chính là luôn tự thay đổi để thích ứng với mọi thời cuộc.

Vậy là bối cảnh nó khiến cho người ta buộc phải hạn chế những điều tra bề nổi mà sau khi có được những thông tin cơ bản, thuyết phục từ những hiện tượng trong bề nổi đó thì chúng tôi dành thời gian cho sự phân tích viết nên những tác phẩm trau chuốt hơn. Bởi vì mình đang bị ở nhà trong tư thế tương đối bắt buộc nên rất là chuẩn chỉ và tiết giảm các chuyến đi, các cuộc gặp gỡ, nhưng mỗi cuộc gặp đều được lên kế hoạch kỹ càng để sử dụng như chìa khóa cho những phân tích sau này. Tôi cho đấy là sự chuyển biến rất là quan trọng trong nghề chúng tôi.

Bản thân tôi trong các cuộc phỏng vấn bắt đầu live stream nhiều hơn, sử dụng mạng xã hội nhiều hơn,… Quan trọng hơn chúng tôi họp nhóm, làm việc, tương tác với nhau đều qua mạng, chúng tôi được học và cũng là diễn giả qua mạng rất thành công. Qua các ứng dụng có thể trực tiếp truyền cảm hứng cho nhau, trực tiếp xem màn hình nói chuyện với các bên, thậm chí có thể tương tác với nhau kỹ hơn mà không phân biệt ranh giới quốc gia, ngôn ngữ, quốc tịch. Đấy cũng là những ưu việt công nghệ trong thời buổi công nghệ 4.0 đã giúp nhà báo có thể tác nghiệp trong thời điểm hạn chế tiếp xúc và giãn cách xã hội.

Tôi có thể thấy các bài học khác, ví dụ như bên VTV hay các báo lớn thì họ sử dụng rất nhiều phóng viên địa phương hoặc các cộng tác viên nằm trong vùng tâm dịch thì tác nghiệp độc quyền trong vùng đó và tiếp cận được những thông tin quý cho cơ quan của họ, đồng thời cũng tạo nên những hấp dẫn đặc biệt cho những phóng sự đó.

PV: Trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của anh! Chúc anh và các đồng nghiệp sức khỏe, hạnh phúc và thành công nhân kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hậu Thạch