BVR&MT – Sáng 28/1, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng. Buổi sáng, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay mặt Đoàn chủ tịch điều hành thảo luận.
Có 13 đại biểu phát biểu ý kiến tham luận tại hội trường. Các ý kiến tiếp tục phân tích làm rõ hơn những nội dung dự thảo văn kiện, gắn với thực tiễn địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Nhiều đại biểu có ý kiến về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Theo các đại biểu, để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, cần bám sát, nắm chắc, chủ động tiếp thu, hiện thực hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và các địa phương, nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là chủ yếu.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng giữa các vùng miền, bình đẳng giữa các khu vực. Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển; tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, gắn với ràng buộc trách nhiệm. Đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo. Thực hiện đồng bộ chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; chăm lo phát triển toàn diện văn hóa – xã hội. Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo…
Về xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo, các đại biểu cho rằng, kết quả cải cách hành chính trong thời gian vừa qua tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế. Chưa có sự đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp. Công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng…
Để đẩy mạnh cải cách hành chính, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp: Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính Nhà nước phù hợp thông lệ chung của thế giới; đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính…
Đại biểu cũng đã làm rõ hơn vai trò của khoa học và công nghệ trong tiến trình phát triển đất nước. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Với mục tiêu này, việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ.
Để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; đẩy mạnh đầu tư để phát triển, hiện đại hoá hạ tầng và tiềm lực KH,CN&ĐMST. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao. Đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH-CN. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế.
Nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đại biểu cho rằng để việc nêu gương hiệu quả, thiết thực hơn nữa, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải phải nghiêm khắc với mình, luôn tự nhìn nhận, xem xét, đánh giá bản thân một cách nghiêm túc theo chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, giữ vững nguyên tắc dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch trong sử dụng và đánh giá cán bộ.
Cán bộ, đảng viên phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của cơ quan, đoàn thể; phải là những người đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, không chỉ phát hiện những tổ chức đảng, những cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương mà cần phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, từ đó đẩy mạnh biểu dương, tuyên truyền kịp thời.
Đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Việt Nam.
Theo đó, thúc đẩy phong trào thanh niên tình nguyện, xung kích, sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của cách mạng, góp phần thực hiện mục tiêu, tầm nhìn của Đảng đến năm 2030 và khát vọng 2045.
Vì vậy cần đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ và các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên, xem đây là biện pháp trung tâm trong giáo dục, tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, tập trung vào những “phẩm chất” nổi bật của thanh niên. Khơi dậy tinh thần sáng tạo, khuyến khích thanh niên đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, nhất là các giải pháp có hàm lượng tri thức, ứng dụng công nghệ cao trong tham gia thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và trong các lĩnh vực của đời sống. Vận động thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức trẻ đề xuất ý tưởng, sáng kiến…
Sau một ngày rưỡi tiến hành thảo luận tại hội trường, có 36 đại biểu trình bày tham luận.
Buổi chiều, Đại hội tiếp tục làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự.