BVR&MT – Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng nếu người chưa thành niên phạm tội được xử lý chuyển hướng bằng biện pháp xin lỗi là xong thì sẽ bất công với người bị hại, không bảo đảm tính giáo dục cho người phạm tội.
Ngày 21-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Cơ quan chủ trì soạn thảo là TAND tối cao đề xuất nhiều chính sách tư pháp mới, mang tính nhân đạo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, ví dụ giảm mức hình phạt cao nhất, bổ sung nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng, áp dụng quy trình tố tụng thân thiện…
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết ban hành dự án luật này. Vị đại biểu kỳ vọng Luật Tư pháp người chưa thành niên vừa bảo đảm sự nghiêm khắc trong việc xử lý vi phạm nhưng cũng chứa đựng sự nhân văn, mở ra con đường cho các cháu nhận ra sai lầm, sửa chữa.
Theo đại biểu Thuỷ, người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt. Thực tế cho thấy một tỉ lệ lớn người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình éo le, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi lệch chuẩn.
Dẫn chứng khảo sát mới đây tại 3 trường giáo dưỡng, vị đại biểu cho biết điều khiến tổ công tác day dứt nhất là hoàn cảnh gia đình các cháu. Số lượng các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, mồ côi… chiếm tỉ lệ rất lớn (trường ở Đà Nẵng là 42%, trường ở Đồng Nai 64%). Nhiều cháu 16-17 tuổi nhưng học cả tuần chưa viết nổi họ tên. Nhiều cháu vào trường hơn 9 tháng nhưng không có người thân đến thăm. “Giá như các cháu không mồ côi cha mẹ, có đầy đủ mái ấm gia đình với bố với mẹ sẽ không gặp phải sai lầm” – đại biểu Thủy bày tỏ.
Đại biểu Thủy cho rằng phải tính toán đầy đủ các đặc điểm của người chưa thành niên; cân nhắc toàn diện nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội, từ đó có chính sách phù hợp. Đang có tư tưởng lấy tư pháp của người lớn để xây dựng cho trẻ em, rồi sau đó điều chỉnh một chút, giảm nhẹ một chút. Trong khi trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, đặc biệt là trong khía cạnh tư pháp.
Vị đại biểu cũng cho hay Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được thông qua với sự ra đời của 3 biện pháp (khiển trách, hòa giải và giáo dục tại cộng đồng) nhằm xử lý chuyển hướng và sớm kết thúc quá trình truy cứu hình sự. Qua 6 năm thi hành, đến nay chỉ có 35 cháu được áp dụng. “Chia sẻ với chúng tôi, các cán bộ tố tụng cho biết không phải các cháu không đủ điều kiện áp dụng mà vì pháp luật hiện hành, trong một biện pháp chuyển hướng có quá nhiều biện pháp cụ thể, kèm theo quá nhiều điều kiện, dẫn đến các cháu và gia đình xin không áp dụng biện pháp chuyển hướng” – đại biểu Thủy nói.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) cho biết bên cạnh việc xử lý có tính hướng thiện, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm, thể hiện tinh thần nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội thì nhiệm vụ của luật này còn phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân, nhất là nạn nhân là người chưa thành niên.
Theo đại biểu, quan điểm chỉ đạo này rất quan trọng, bởi nếu chúng ta quá chú trọng đến việc bảo đảm lợi ích của người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không công bằng với nạn nhân là người chưa thành niên, với lợi ích chung của toàn xã hội. Đại biểu Hoa dẫn lời một chuyên gia về pháp luật hình sự tại Hội thảo do TAND tối cao tổ chức: Các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải mang tính nhân đạo, tuy nhiên không được thể hiện sự dễ dãi. Bởi nếu quá dễ dãi sẽ làm hỏng nhân cách khi người chưa thành niên đến tuổi trưởng thành.
Đối với các biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Hoa đề nghị cân nhắc không xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng về tội “Mua bán người” (Điều 150) và tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151) của BLHS, bởi những lý do: BLHS hiện hành không cho phép xử lý chuyển hướng đối với một số tội danh, trong đó có 2 tội danh này; BLHS hiện hành cũng xác định tội phạm mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi là tội phạm được thực hiện một cách cố ý.
Cấu thành cơ bản của tội mua bán người phải bao gồm đủ cả hành vi, mục đích và thủ đoạn phạm tội, trong đó hành vi như chuyển giao hoặc tiếp nhận người; mục đích như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc lấy bộ phận cơ thể người; thủ đoạn như dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt.
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội mua bán người cho dù tham gia với tư cách đồng phạm, giữ vai trò thứ yếu thì đều phải có hành vi, mục đích, thủ đoạn như trên và thực hiện tội phạm với mức độ nguy hiểm lớn cho xã hội, cho thấy đây là tội phạm rất nghiêm trọng.
Trong dự thảo luật quy định biện pháp chuyển hướng xin lỗi hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, nữ đại biểu cho rằng trường hợp này, nếu người chưa thành niên phạm tội được xử lý chuyển hướng bằng biện pháp xin lỗi là xong thì sẽ bất công với người bị hại, không bảo đảm tính giáo dục cho người phạm tội.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội đồng thời cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), thể hiện quan điểm xử lý nghiêm đối với tội phạm mua bán người. Qua khảo sát thực tế cho thấy tội phạm này coi con người là hàng hóa, thường có tổ chức và đem lại siêu lợi nhuận. Rất nhiều nạn nhân trong số đó là trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh. Nhiều nạn nhân bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc bị lấy bộ phận cơ thể đã để lại hậu quả dai dẳng và đau đớn suốt cuộc đời đứa trẻ và gia đình đứa trẻ.
Đại biểu Hoa bày tỏ băn khoăn về vấn đề trên, nếu nương nhẹ cho người chưa thành niên phạm các tội này thì thời gian tới có khả năng các đối tượng chủ mưu sẽ tăng cường sử dụng trẻ em vào việc phạm tội…