Đặc điểm cấu trúc và đa dạng loài cây gỗ của các trạng thái rừng tại khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, tỉnh Bình Thuận

Tóm tắt – Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu về đặc điểm cấu trúc rừng và đa dạng loài cây gỗ đối với những quần xã thực vật thuộc kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới (Rkx) và rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới (Rkn) ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, tỉnh Bình Thuận.

Đặc điểm cấu trúc rừng và đa dạng loài cây gỗ của những quần xã thực vật rừng đã được phân tích từ 72 ô tiêu chuẩn điển hình với kích thước 2.000 m2 được bố trí theo 3 cấp cao độ ở 4 trạng thái rừng IIB, IIIA1, IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu RkxRkn. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số IV% đối với nhóm loài cây gỗ ưu thế và đồng ưu thế ở 4 trạng thái rừng thuộc 2 kiểu rừng dao động từ 28,4 – 51,1%. Số cây tập trung chủ yếu ở nhóm D1.3 < 20 cm và lớp H = 10 – 15 m. Tiết diện ngang và trữ lượng gỗ tập trung chủ yếu ở nhóm D1.3 = 20 – 40 cm và lớp H = 10 – 15 m đối với trạng thái rừng IIB; ở nhóm D1.3 = 20 – 40 cm và lớp H = 15 – 20 m đối với trạng thái rừng IIIA1, IIIA2IIIA3. Những chỉ số đa dạng loài cây gỗ thay đổi tùy theo kiểu rừng và trạng thái rừng. Đa dạng loài cây gỗ đối với trạng thái rừng IIIA2IIIA3 giảm dần theo sự nâng cao địa hình. Chỉ số phức tạp về cấu trúc quần xã thực vật (CI) và chỉ số độ hỗn giao (HG) thay đổi tùy theo từng kiểu rừng và trạng thái rừng. Trong cùng một kiểu rừng, những quần xã thực vật có chỉ số phức tạp về cấu trúc càng cao thì chỉ số hỗn giao càng cao. Đa dạng loài cây gỗ chịu ảnh hưởng rõ nét bởi các yếu tố cao độ, yếu tố trạng thái rừng và yếu tố kiểu rừng.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tại lâm phận Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Núi Ông, tỉnh Bình Thuận, quá trình khoanh nuôi các diện tích rừng thứ sinh nghèo, rừng phục hồi chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc để cho rừng phục hồi tự nhiên mà chưa có các biện pháp kỹ thuật tác động tích cực để đẩy nhanh tốc độ phục hồi rừng. Mặt khác, những nghiên cứu về rừng tự nhiên tại Khu BTTN Núi Ông còn rất ít. Tính cho đến nay, đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về các đặc điểm cấu trúc rừng của các tác giả như: Bảo Huy (1993), Đào Công Khanh (1996), Lê Sáu (1996) hoặc chỉ tập trung nghiên cứu chuyên sâu về đa dạng loài cây gỗ như: Cannon và ctv (1998), Lê Quốc Huy (2005), Viên Ngọc Nam (2008). Nhưng nhìn chung, có rất ít công trình nghiên cứu về mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa những chỉ số đa dạng loài cây gỗ với đặc điểm cấu trúc rừng, những yếu tố ảnh hưởng đến đa dạng loài cây gỗ.

Bài báo, giới thiệu kết quả nghiên cứu về đặc điểm cấu trúc rừng và đa dạng loài cây gỗ đối với kiểu rừng kín thường xanh (Rkx) và nửa thường xanh ẩm nhiệt đới (Rkn) ở khu vực Núi Ông, tỉnh Bình Thuận. Mục tiêu, xác định đặc điểm cấu trúc và đa dạng thực vật thân gỗ của các trạng thái rừng thuộc kiểu Rkx và Rkn ở khu vực Núi Ông, tỉnh Bình Thuận. Kết quả của nghiên cứu không chỉ là cơ sở để phân tích, so sánh đặc điểm cấu trúc rừng, đa dạng loài cây gỗ và đa dạng cấu trúc đối với những quần xã thực vật (QXTV) của các trạng thái rừng thuộc kiểu Rkx và Rkn ở những khu vực khác nhau, mà còn phân tích và đánh giá mối quan hệ giữa những chỉ số đa dạng loài cây gỗ với cấu trúc rừng, xem xét những yếu tố ảnh hưởng đến đa dạng loài cây gỗ làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý và bảo tồn những loài cây gỗ quý, hiếm hoặc có giá trị cao về kinh tế.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng: Bốn trạng thái rừng IIB, IIIA1, IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn.
Địa điểm nghiên cứu: Khu vực Núi Ông thuộc Khu BTTN Núi Ông, tỉnh Bình Thuận. Khu BTTN Núi Ông có diện tích 25.468 ha, thuộc địa giới hành chính của hai huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam.

Đặc điểm cấu trúc rừng và đa dạng loài cây gỗ đối với các trạng thái rừng ở 2 kiểu rừng đã được phân tích từ 72 ô mẫu điển hình với kích thước 2.000 m2. Trong mỗi ô mẫu, những cây gỗ có D1,3 ≥ 8 cm đã được thống kê theo loài (S, loài), đường kính ngang ngực (D1,3, cm) và chiều cao vút ngọn (H, m). Thành phần loài cây gỗ được xác định theo Phạm Hoàng Hộ (1999 – 2003), Trần Hợp và Nguyễn Bội Quỳnh (2003). Chỉ tiêu D1,3 được xác định bằng thước dây với độ chính xác 0,5 cm. Chỉ tiêu H được xác định bằng thước đo cao Blume – Leiss với độ chính xác 0,5 m. Vị trí của các ô tiêu chuẩn được xác định bằng máy định vị toàn cầu (GPS).

Xử lý số liệu, cấu trúc tổ thành loài được xác định dựa vào chỉ số IV% theo phương pháp của Thái Văn Trừng (1999). Thống kê thành phần loài cây gỗ (S, loài), giá trị trung bình về đường kính (D1,3, cm), chiều cao (H, m), tiết diện ngang (G, m2) và trữ lượng gỗ (M, m3). Những chỉ số đa dạng loài cây gỗ được xác định bao gồm: Số loài cây gỗ và chỉ số phong phú về loài, chỉ số đồng đều và chỉ số đa dạng loài. Trong đó, độ giàu có về loài được xác định theo số loài (S) và chỉ số phong phú về loài của Margalef (d hay dMargalef). Chỉ số đồng đều được xác định theo chỉ số Pielou (J’). Đa dạng loài cây gỗ được xác định theo chỉ số đa dạng Shannon – Weiner (H’) và chỉ số ưu thế Simpson (λ’). Đa dạng loài cây gỗ của những QXTV được xác định bằng chỉ số đa dạng β – Whittaker (1972). Đa dạng cấu trúc đối với những QXTV ở các trạng thái rừng được đánh giá bằng chỉ số phức tạp về cấu trúc QXTV (CI) và chỉ số hỗn giao (HG). Những chỉ số đa dạng loài cây gỗ và đa dạng cấu trúc đối với những QXTV ở các trạng thái rừng được xác định theo công thức (1) – (7); trong đó S = tổng số loài cây gỗ bắt gặp trong toàn bộ n ô mẫu; s = số loài cây gỗ bình quân bắt gặp trong 1 ô mẫu, Pi = ni/N (N là tổng số cây trong ô mẫu, còn ni là số cây của loài thứ i), Ln() = logarit cơ số Neper.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng phân tích sự thay đổi đa dạng loài cây gỗ theo nhóm D1,3, lớp H, yếu tố cao độ, yếu tố trạng thái rừng và yếu tố kiểu rừng. Sự khác biệt về các chỉ số đa dạng loài cây gỗ (S, N, d, J’, H’, λ’) giữa các nhóm D1.3, lớp H, yếu tố cao độ, yếu tố trạng thái rừng và yếu tố kiểu rừng được so sánh bằng phương pháp phân tích phương sai (ANOVA). Mối quan hệ giữa các chỉ số đa dạng loài cây gỗ với các yếu tố cao độ, yếu tố trạng thái rừng và yếu tố kiểu rừng được phân tích bằng các mô hình hồi quy đa biến.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Cấu trúc tổ thành loài của các trạng thái rừng thuộc kiểu Rkx và Rkn

Kết quả phân tích 72 QXTV trên những ô mẫu 2.000 m2 của bốn trạng thái rừng IIB, IIIA1, IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn ở khu vực Núi Ông thuộc tỉnh Bình Thuận cho thấy:

Đối với kiểu Rkx: Ở trạng thái rừng IIB, bắt gặp được 62 loài cây gỗ, trong đó Trám trắng là loài ưu thế (9,6%), 4 loài cây gỗ đồng ưu thế là Sơn huyết, Trường, Máu chó và Dó bầu. Những loài này đóng góp trung bình 35,0% về N, G và V. Ở trạng thái rừng IIIA1, bắt gặp được 53 loài cây gỗ, trong đó Sơn huyết là loài ưu thế (9,0%), 3 loài cây gỗ đồng ưu thế là Trám trắng, Dẻ và Máu chó. Những loài này đóng góp 30,1% về N, G và V. Ở trạng thái rừng IIIA2, bắt gặp được 65 loài cây gỗ, trong đó Trâm là loài ưu thế (8,8%), 4 loài cây gỗ đồng ưu thế là Nhọ nồi, Trường, Dẻ và Chò chai. Những loài này đóng góp 36,9% về N, G và V. Ở trạng thái rừng IIIA3, bắt gặp được 68 loài cây gỗ, trong đó Trường là loài ưu thế (8,0%), 3 loài cây gỗ đồng ưu thế là Sơn huyết, Săng mã và Trâm. Những loài này đóng góp 28,4% về N, G và V.

Đối với kiểu Rkn: Ở trạng thái rừng IIB, bắt gặp được 48 loài cây gỗ, trong đó Bằng lăng là loài ưu thế (14,7%), 5 loài cây gỗ đồng ưu thế là Thành ngạnh, Nhọ nồi, Bình linh, Trường và Cò ke. Những loài này đóng góp 51,1% về N, G và V. Ở trạng thái rừng IIIA1, bắt gặp được 58 loài cây gỗ, trong đó Bằng lăng là loài ưu thế (16,7%), 3 loài cây gỗ đồng ưu thế là Thành ngạnh, Bình linh và Cò ke. Những loài này đóng góp 37,9% về N, G và V. Ở trạng thái rừng IIIA2, bắt gặp được 47 loài cây gỗ, trong đó Bằng lăng là loài ưu thế (25,7%), 4 loài cây gỗ đồng ưu thế là Thành ngạnh, Bình linh, Dó bầu và Nhọ nồi. Những loài này đóng góp 57,8% về N, G và V. Ở trạng thái rừng IIIA3, bắt gặp được 75 loài cây gỗ, trong đó Bằng lăng là loài ưu thế (12,1%), 4 loài cây gỗ đồng ưu thế là Thành ngạnh, Trường, Trâm và Bình linh. Những loài này đóng góp 37,6% về N, G và V.

2. Phân bố số cây theo cấp đường kính của các trạng thái rừng thuộc kiểu Rkx và Rkn

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phân bố thực nghiệm N%/D1.3 ở các trạng thái rừng ở cả 2 kiểu Rkx và Rkn đều có dạng một hoặc hai đỉnh với đỉnh chính lệch trái và giảm dần theo cấp đường kính tăng lên. Những loài cây gỗ chiếm ưu thế xuất hiện ở mọi cấp đường kính; chiếm tỷ lệ lớn nhất ở nhóm D1.3 < 20 cm đối với trạng thái rừng IIB, IIIA1 và ở nhóm D1.3 = 20 – 40 cm đối với trạng thái rừng IIIA2, IIIA3. Phân bố N%/D1.3 ở trạng thái rừng IIB thuộc kiểu Rkx và Rkn có dạng phân bố theo hàm khoảng cách; trong khi đó, phân bố N%/D1.3 ở cả ba trạng thái rừng IIIA1, IIIA2 và IIIA3 của cả 2 kiểu Rkx và Rkn có dạng phân bố theo hàm Weibull. Phương trình cụ thể:


3. Phân bố số cây theo cấp chiều cao của các trạng thái rừng thuộc kiểu Rkx và Rkn

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phân bố thực nghiệm N%/H ở trạng thái rừng IIB ở cả 2 kiểu Rkx và Rkn có kết cấu rừng gần như một tầng chính. Ở trạng thái rừng IIIA1, kết cấu tầng tán ít rõ ràng hơn. Những loài cây gỗ ưu thế xuất hiện ở mọi lớp chiều cao; trong đó chúng chiếm tỷ lệ lớn nhất ở lớp H = 10 – 15 m. Ở trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3, phân bố N%/H đều có dạng hai hoặc nhiều đỉnh, gấp khúc. Kết quả phân tích cho thấy, những loài cây gỗ ưu thế chiếm tỷ lệ lớn nhất ở lớp H = 15 – 20 m. Phân bố N%/H ở trạng thái rừng IIB và IIIA1 có dạng hàm phân bố Weibull; trong khi đó, phân bố N%/H ở trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 có dạng hàm phân bố chuẩn. Phương trình cụ thể:

4. Đa dạng loài cây gỗ đối với những QXTV của các trạng thái rừng thuộc kiểu Rkx và Rkn

Những chỉ số đa dạng loài cây gỗ (S, N, d, J’, H’, λ’) ở trạng thái rừng IIIA2 ­và IIIA3 đối với 2 kiểu Rkx và Rkn được ghi lại ở Bảng 1 và 2:

Bảng 1. Đa dạng loài cây gỗ ở các QXTV của trạng thái rừng IIIA2 thuộc kiểu Rkx và Rkn .
Bảng 2. Đa dạng loài cây gỗ ở các QXTV của trạng thái rừng IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn .

Kết quả bảng 1 cho thấy, số lượng loài cây gỗ dao động từ 14 đến 30 loài; trung bình từ 21 – 23 loài. Mật độ cây gỗ trong các ô tiêu chuẩn 2.000 m2 dao động từ 56 đến 111 cá thể; trung bình từ 81 – 115 cá thể. Chỉ số dMagarlef dao động từ 3,23 đến 6,44; trung bình từ 4,18 – 5,02. Chỉ số đồng đều (J’) dao động từ 0,76 đến 0,94; trung bình từ 0,84 – 0,90. Chỉ số đa dạng Shannon – Wiener (H’) dao động từ 2,04 đến 3,19; trung bình từ 2,55 – 2,81. Chỉ số ưu thế Simpson (λ’) dao động từ 0,04 đến 0,20; trung bình từ 0,07 – 0,11.

Đối với trạng thái IIIA3 (bảng 2) cho thấy, số lượng loài cây gỗ dao động từ 19 đến 34 loài; trung bình từ 25 – 26 loài. Mật độ cây gỗ trong các ô tiêu chuẩn 2.000 m2 dao động từ 67 đến 140 cá thể; trung bình từ 89 -102 cá thể. Chỉ sốdMagarlef dao động từ 4,10 đến 7,05; trung bình từ 5,23 – 5,63. Chỉ số đồng đều (J’) dao động từ 0,84 đến 0,95; trung bình từ 0,91 – 0,93. Chỉ số đa dạng Shannon – Wiener (H’) dao động từ 2,47 đến 3,28; trung bình từ 2,92 – 3,01. Chỉ số ưu thế Simpson (λ’) dao động từ 0,04 đến 0,13; trung bình từ 0,05 – 0,06.

Nhìn chung, ở cả 2 trạng thái rừng, các chỉ số đa dạng như S, d, J’, H’ ở kiểu Rkx cao hơn so với kiểu Rkn, ngược lại, chỉ số λ’ và tổng số cây trên ô mẫu (N) ở kiểu Rkx thấp hơn so với kiểu Rkn. Đồng thời, đa dạng loài cây gỗ ở trạng thái rừng IIIA3 cao hơn trạng thái rừng IIIA2.

5. Đa dạng cấu trúc đối với những QXTV của các trạng thái rừng thuộc kiểu Rkx và Rkn

Đa dạng cấu trúc đối với những QXTV của các trạng thái rừng IIIA2, IIIA3 được đánh giá bằng chỉ số phức tạp về cấu trúc (CI) và chỉ số hỗn giao (HG). Kết quả được trình bày ở Bảng 3 và 4:

Bảng 3. Chỉ số phức tạp về cấu trúc đối với những QXTV của các trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 tại khu vực nghiên cứu.
Bảng 4. Chỉ số hỗn giao đối với những QXTV của các trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 tại khu vực nghiên cứu.

Kết quả bảng 3 và 4 cho thấy, chỉ số CI càng nhỏ thì hệ số biến động càng lớn. Chỉ số CI ở kiểu Rkn lớn hơn so với kiểu Rkx trong cùng một trạng thái rừng; chỉ số CI ở trạng thái rừng IIIA3 thì lớn hơn ở trạng thái rừng IIIA2. Chỉ số HG ở kiểu Rkx luôn lớn hơn so với kiểu Rkn ở cả 2 trạng thái rừng. Đồng thời, trong cùng một kiểu rừng thì chỉ số HG ở trạng thái rừng IIIA3 luôn lớn hơn ở trạng thái rừng IIIA2. Tóm lại, trong cùng một kiểu rừng, những QXTV có chỉ số CI càng cao thì chỉ số HG càng cao. Những QXTV ở trạng thái IIIA3 có cấu trúc phức tạp hơn trạng thái IIIA2.

6. Quan hệ giữa những chỉ số đa dạng loài cây gỗ với cấu trúc tầng cây cao

Quan hệ giữa những chỉ số đa dạng loài cây gỗ với cấu trúc theo cấp kính:

Đã điều tra được mối quan hệ giữa những chỉ số đa dạng loài cây gỗ (S, d, H’, J’, λ’) với cấu trúc theo cấp kính ở các trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn.

Đã tổng hợp phân tích được kết quả so sánh các chỉ số đa dạng loài cây gỗ với cấu trúc theo cấp kính giữa trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 ở kiểu Rkx và Rkn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chỉ số đa dạng loài cây gỗ (S, d, H’, J’, λ’) đều có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05) giữa các nhóm đường kính D1,3 ở 2 trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 ở cả 2 kiểu Rkx và Rkn. Kết quả cho thấy, đa dạng các loài cây gỗ có sự khác nhau rõ rệt giữa các nhóm đường kính ở các trạng thái rừng ở cả 2 kiểu Rkx và Rkn.

Quan hệ giữa những chỉ số đa dạng loài cây gỗ với cấu trúc theo cấp chiều cao:

Đã điều tra đánh giá được mối quan hệ giữa những chỉ số đa dạng loài cây gỗ (S, d, H’, J’, λ’) với cấu trúc theo cấp chiều cao ở các trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn.

Đã tổng hợp phân tích được kết quả so sánh các chỉ số đa dạng loài cây gỗ với cấu trúc theo cấp chiều cao giữa trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 ở kiểu Rkx và Rkn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với trạng thái rừng IIIA2, các chỉ số đa dạng (S, d, H’, J’, λ’) đều có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05) giữa các lớp chiều cao khác nhau ở cả 2 kiểu Rkx và Rkn. Ở trạng thái rừng IIIA3, các chỉ số đa dạng (S, d, H’) thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05) giữa các lớp chiều cao khác nhau ở kiểu Rkx; trong khi đó, ở kiểu Rkn, các chỉ số đa dạng (S, d, H’, λ’) thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05) giữa các lớp chiều cao khác nhau. Chỉ số đa dạng Pielou (J’) thì không có sự khác biệt về mặt thống kê (P > 0,05) giữa các lớp H. Kết quả phân tích đã cho thấy, đa dạng loài cây gỗ có sự khác biệt rõ rệt hơn giữa các lớp chiều cao ở trạng thái rừng IIIA2 so với trạng thái rừng IIIA3.

7. Những yếu tố ảnh hưởng đến đa dạng loài cây gỗ

Ảnh hưởng của yếu tố cao độ:

Đã tính toán được chỉ số đa dạng β theo ba cấp cao độ khác nhau ở trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn. Kết quả tính toán cho thấy, trong cùng một trạng thái rừng, chỉ số đa dạng β ở các cấp cao độ khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05). Ở cấp cao độ 1, chỉ số β nhận giá trị lớn nhất (tương ứng với tổng số loài xuất hiện là thấp nhất) so với các cấp cao độ còn lại ở cả hai trạng thái rừng thuộc hai kiểu rừng. Nhìn chung, đa dạng loài cây gỗ đối với 2 trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn tại khu vực nghiên cứu giảm dần theo sự nâng cao địa hình. Càng lên cao, tính đa dạng của các loài thực vật thân gỗ của các QXTV khác nhau càng thể hiện rõ rệt và thành phần loài nhiều hơn so với những QXTV ở các cấp cao độ thấp hơn.

Ảnh hưởng của yếu tố trạng thái rừng:

Đã tổng hợp được kết quả so sánh các chỉ số đa dạng loài cây gỗ giữa trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 ở kiểu Rkx và Rkn.

Các kết quả trên cho thấy: Ở kiểu Rkx, các chỉ số Pielou (J’), Shannon (H’), ưu thế Simpson (λ’) thể hiện sự khác biệt rõ rệt về mặt thống kê (P < 0,05) giữa 2 trạng thái IIIA2 và IIIA3 ; trong khi đó, chỉ số về số loài (S), chỉ số Margalef (d) là không có sự khác biệt rõ rệt (P > 0,05). Ở kiểu Rkn, các chỉ số Margalef (d), Pielou (J’), Shannon (H’) và ưu thế Simpson (λ’) thể hiện sự khác biệt rõ rệt về mặt thống kê (P < 0,05) giữa 2 trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3; trong khi đó, chỉ số về số loài (S) là không có sự khác biệt rõ rệt (P = 0,0615 > 0,05). Đa dạng loài cây gỗ của các QXTV giữa các trạng thái rừng là khác nhau và ở trạng thái rừng IIIA3 có tính đa dạng cao hơn so với trạng thái rừng IIIA2.

Ảnh hưởng của yếu tố cao độ và yếu tố trạng thái rừng:

Đã tổng hợp phân tích được kết quả sự ảnh hưởng đồng thời của yếu tố cao độ và yếu tố trạng thái rừng đến đa dạng loài cây gỗ ở kiểu Rkx và Rkn. Kết quả trên cho thấy, khi xem xét yếu tố trạng thái rừng ảnh hưởng đến các chỉ số đa dạng, thì sự khác biệt về chỉ số số loài (S) và chỉ số Margalef (d) là không có sự khác biệt rõ rệt (P > 0,05) giữa 2 trạng thái rừng. Tuy nhiên, kết quả phân tích phương sai cho thấy, ở các cấp cao độ khác nhau và các trạng thái rừng khác nhau thì chỉ số đa dạng (S, d, J’, H’, λ’) đều có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05) ở cả 2 kiểu Rkx và Rkn. Từ những phân tích ở trên cho thấy, tính đa dạng loài cây gỗ ngoài chịu ảnh hưởng của yếu tố trạng thái rừng còn chịu ảnh hưởng rõ nét bởi yếu tố cao độ.

Ảnh hưởng của yếu tố cao độ, yếu tố trạng thái rừng và yếu tố kiểu rừng:

Đã đánh giá, phân tích sự ảnh hưởng đồng thời của 3 yếu tố: Cao độ, trạng thái rừng và kiểu rừng đến đa dạng loài cây gỗ tại khu vực nghiên cứu.

Kết quả so sánh các chỉ số đa dạng loài cây gỗ theo 3 yếu tố (cao độ, trạng thái rừng, kiểu rừng).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tính đa dạng loài cây gỗ ngoài chịu ảnh hưởng của yếu tố trạng thái rừng, yếu tố cao độ còn chịu ảnh hưởng rõ nét bởi yếu tố kiểu rừng. Tính đa dạng ở kiểu Rkx lớn hơn so với kiểu Rkn; ở trạng thái rừng IIIA3 lớn hơn so với trạng thái rừng IIIA2; và các QXTV ở cấp cao độ lớn hơn tính đa dạng cũng lớn hơn so với các QXTV ở cấp cao độ thấp hơn. Mối quan hệ giữa các chỉ số đa dạng với các yếu tố: Cao độ, trạng thái rừng và kiểu rừng được thể hiện bằng các mô hình hồi quy đa biến từ (3.17) đến (3.21).


IV. KẾT LUẬN

Số loài cây ở các trạng thái rừng IIB, IIIA1, IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn từ 48 đến 75 loài. Trữ lượng rừng và mật độ bình quân lâm phần thay đổi tùy theo trạng thái rừng và kiểu rừng nhưng thấp nhất ở trạng thái rừng IIIA1 và có xu hướng tăng lên ở các trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3. Phân bố N%/D1,3 ở trạng thái rừng IIB được mô phỏng bằng hàm phân bố khoảng cách, ở các trạng thái rừng IIIA1, IIIA2 và IIIA3 được mô phỏng bằng hàm phân bố Weibull. Phân bố N%/H ở trạng thái rừng IIB và IIIA1 được mô phỏng bằng hàm phân bố Weibull, ở các trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 được mô phỏng bằng hàm phân bố chuẩn. Các chỉ số đa dạng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm đường kính ở cả hai trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3; ở các lớp chiều cao khác nhau, các chỉ số đa dạng ở trạng thái rừng IIIA2 khác biệt rõ rệt hơn so với trạng thái rừng IIIA3. Đa dạng loài cây gỗ đối với 2 trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3 thuộc kiểu Rkx và Rkn giảm dần theo độ cao địa hình. Trong cùng một kiểu rừng, những QXTV có chỉ số phức tạp về cấu trúc càng cao thì chỉ số hỗn giao càng cao. Những QXTV ở trạng thái rừng IIIA3 có cấu trúc phức tạp hơn QXTV ở trạng thái rừng IIIA2. Tính đa dạng của các loài cây gỗ chịu ảnh hưởng rõ nét bởi các yếu tố cao độ, yếu tố trạng thái rừng và yếu tố kiểu rừng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, 2013. Báo cáo quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, 113 trang.

2. Báo cáo kỹ thuật hoạt động của Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, 2010. Dự án nâng cao năng lực quản lý và quy hoạch bảo tồn tài nguyên của cán bộ và Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Cập nhật giá trị đa dạng sinh học, sự phân bố của các loài quan trọng và các mối đe dọa đối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Tài trợ bởi Quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam, VCF, 145 trang.

3. Bảo Huy, 1993. Góp phần nghiên cứu đặc điểm cấu trúc rừng nửa rụng lá – rụng lá ưu thế Bằng lăng làm cơ sở đề xuất giải pháp kỹ thuật khai thác nuôi dưỡng ở Đắk Lăk – Tây Nguyên. Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Nông nghiệp, Viện KHLN Việt Nam.

4. Cannon, C.H., Peart, D.R., Leighton, M., 1998. Tree species diversity in commercially logged bornean rainforest. Science 281, 1366 ± 1368.

5. Đào Công Khanh, 1996. Nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc của rừng lá rộng thường xanh ở Hương Sơn – Hà Tĩnh làm cơ sở đề xuất các biện pháp lâm sinh phục vụ khai thác và nuôi dưỡng rừng. Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Nông nghiệp, Viện KHLN Việt Nam.

6. Lê Quốc Huy, 2005. Phương pháp phân tích nghiên cứu định lượng các chỉ số đa dạng sinh học thực vật. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (3 + 4), tr. 117 – 121.

7. Lê Sáu, 1996. Nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc rừng và đề xuất các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho phương thức khai thác chọn nhằm sử dụng rừng lâu bền ở Kon Hà Nừng – Tây Nguyên. Luận án Tiến sĩ Nông nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp. Munchen.

8. Phạm Hoàng Hộ (1999 – 2003). Cây cỏ Việt Nam, quyển 1- 3. Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1.200 trang.

9. Sở NN & PTNT Bình Thuận, 2013. Luận chứng kinh tế kỹ thuật của Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, tỉnh Bình Thuận, 152 trang.

10. Thái Văn Trừng, 1999. Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam – Nghiên cứu trường hợp khu vực: Thảm thực vật rừng Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 280 trang.

11. Trần Hợp, 2002. Tài nguyên cây gỗ Việt Nam. NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 767 trang.

12. Trần Hợp và Nguyễn Bội Quỳnh, 2003. Cây gỗ kinh tế ở Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, 873 trang.

13. Viên Ngọc Nam, Huỳnh Đức Hoàn, Cao Huy Bình, Phạm Văn Quy, Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Phan Văn Trung, Nguyễn Thị Thu Hiền, 2008. Nghiên cứu đa dạng sinh học về thực vật trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Khoa học – Công nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.

14. Whittaker, R.H, 1972. Evolution and measurement of species diversity. Taxon 21, 213 – 251.


Nguyễn Minh Cảnh
(Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM)

Người phản biện: PGS. TS. Viên Ngọc Nam
Ngày nhận bài: Tháng 2/2018
Ngày phản biện thông qua: Tháng 2/2018
Ngày duyệt đăng: Tháng 2/2018