BVR&MT – Băng xanh cản lửa là những đai cây xanh có khả năng ngăn lửa, hoặc làm giảm tốc độ của đám cháy, giúp người chữa cháy có thể tiếp xúc được đám cháy thuận tiện cho việc áp dụng các biện pháp chữa cháy.
Đà Nẵng là địa phương có diện tích rừng bao phủ tương đối lớn với diện tích đất rừng là 62.570,5 ha, gồm 43.722,1 ha rừng tự nhiên và 18.848,4 ha rừng trồng. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 30.119,2 ha; diện tích rừng phòng hộ là 8.102,1 ha; diện tích rừng sản xuất là 15.329,4 ha.
Theo số liệu thống kê của Chi Cục Kiểm Lâm Tp. Đà Nẵng thì từ năm 2011 – 2018 cả thành phố đã xảy ra 85 vụ cháy rừng gây thiệt hại 584,82 ha tổng diện tích rừng, trong đó 101,07 ha là rừng tự nhiên; Trong đó có nhiều vụ cháy lớn nghiêm trọng đã xảy ra chẳng hạn như vụ cháy rừng lớn vào năm 2014 xảy ra ở khu BTTN Bà Nà – Núi Chúa – Tp. Đà Nẵng gây thiệt hại hơn 90 ha diện tích rừng.
Trước thực trạng đó công tác bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng tại thành phố Đà Nẵng luôn được đặt lên hàng đầu và cấp thiết đối các các hạt kiểm lâm và ban quản lý rừng. Ngày 15/3/2016, UBND thành phố đã phê duyệt Quyết định số 1424/QĐ-UBND về việc “Quy hoạch đường ranh cản lửa và đường công vụ phục vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Năm 2017 Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã triển khai đề tài “Nghiên cứu xác định tập đoàn cây trồng chịu lửa và quy trình kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa phòng chống cháy rừng tại Đà Nẵng” do TS. Phạm Thị Kim Thoa – Giảng viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài sử dụng kỹ thuật tạo đường băng cản lửa hợp lý và tối ưu trong tổ chức không gian rừng từ một số loài cây trồng chống chịu lửa tốt cần bảo tồn, phát triển phục vụ công tác phòng chống cháy rừng đồng thời mang lại giá trị về mặt kinh tế, sinh kế cộng đồng, môi trường sinh thái.
Những loài cây trồng được chọn lựa tạo đường băng xanh cản lửa tại Huyện Hòa Vang – TP. Đà Nẵng bao gồm: Chò đen (Parashorea stellata Kurz), Lộc vừng (Barringtonia macrophylla (Blume) Miq.), Thẩu tấu (Aporosa dioico (Roxb.) Muell. -Arg.), Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb), Thành nghạnh (Cratoxylum cochinchinense (Loureiro) Blume), Vối thuốc (Schima wallichii Choisy), Muồng đen (Cassia siamea Lamarck).
Đây là các loài cây bản địa, có khả năng cản lửa tốt, có giá trị kinh tế cao, khả năng tái sinh mạnh, dễ nhân giống, có đặc điểm phù hợp với khu vực xây dựng mô hình, đáp ứng được nhu cầu gây trồng và phát triển các loài cây bản địa của thành phố Đà Nẵng, và đang được trồng với 2 công thức:
Công thức 1: 0,5 ha trồng hỗn giao 2 loài theo tỷ lệ 1:1 từng cặp mật độ 2500 cây/ha (tương ứng 1ha trồng rừng – mật độ 1.250 cây/ha).
Công thức 2: 0,5 ha trồng hỗn giao các loài (Muồng đen + Vối thuốc + Lộc vừng – Chò đen) theo tỷ lệ từng cặp 1:1:1 – mật độ 3.300 cây/ha (tương ứng 1,3 ha trồng rừng – mật độ 1.250 cây/ha).
Đồng thời, xây dựng quy trình kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa phù hợp với khu vực nghiên cứu thông qua các tiêu chí: thiết kế kĩ thuật tạo đường băng cản lửa với độ dốc < 250 với bề rộng đường băng từ 10m, 15m đến 20m và độ dốc > 250 với bề rộng đường băng lên đến 40m phụ thuộc vào loài cây trồng, phù hợp với các khu rừng trồng và rừng tự nhiên có nguy cơ xảy cháy cao.
Được thực hiện từ năm 2017, đến nay, đề tài cơ bản đã hoàn thành. Để xây dựng đường băng xanh cản lửa, đề tài sử dụng kỹ thuật tạo đường băng cản lửa hợp lý và tối ưu trong tổ chức không gian rừng từ một số loài trong danh lục về: mật độ đường băng xanh cản lửa, kích thước đường băng, kết cấu đường băng xanh… Đối tượng để xây dựng mô hình là rừng tự nhiên (phòng hộ) và rừng trồng có nguy cơ cháy cao (rừng keo, rừng thông, rừng bạch đàn…); Trên các dạng đối tượng rừng tiến hành lựa chọn xây dựng mô hình điểm trên một dạng địa hình (rừng trồng, độ dốc < 250 ); Bố trí trồng các loài có khả năng chống chịu lửa trong mô hình theo phương thức trồng hỗn giao tạo thành ít nhất 2 tầng để ngăn lửa cháy trên tán và cháy trên mặt đất, xác định mật độ các loài được chọn là tốt nhất, triển vọng nhất; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật được đánh giá là tối ưu nhất, phù hợp nhất với điều kiện khu vực nghiên cứu; Sử dụng phương pháp phát triển công nghệ có sự tham gia (Participatory Technology Development – PTD:) từ khâu thiết kế, xây dựng, chăm sóc, theo dõi và đánh giá mô hình.
Nhờ có Băng xanh cản lửa là những đai cây xanh có khả năng ngăn lửa, hoặc làm giảm tốc độ của đám cháy, giúp người chữa cháy có thể tiếp xúc được đám cháy thuận tiện cho việc áp dụng các biện pháp chữa cháy.
Để tiếp tục hoàn thiện mô hình xây dựng cây trồng băng xanh cản lửa tại Đà Nẵng, Ban Chủ nhiệm đề tài đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc, quản lý mô hình đã triển khai; Đồng thời đánh giá hiệu quả mô hình, hiệu chỉnh và hoàn thiện quy trình kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa, xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa và trồng rừng hỗn giao.
Hồng Sơn