Đà Nẵng: Tuyên truyền pháp luật về Phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã

BVR&MT – Ngày 21/03, tại thành phố Đà Nẵng, Chi cục Kiểm Lâm thành phố Đà Nẵng kết hợp với cơ quan CITES và tổ chức WWF tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ ngà voi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ngà voi nhập khẩu trái phép bị lực lượng chức năng Đà Nẵng thu giữ và tiêu hủy.

Đến tham dự hội nghị có ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng và đại diện Chi cục Kiểm lâm đến từ các thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu môi trường thành phố Đà Nẵng, Viện Sinh thái Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Văn phòng Ban chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng, Cục điều tra chống buôn lậu (Đội 2) – Tổng cục hải quan, đại diện UBND các quận, huyện, phường tại Tp Đà Nẵng, Ban Quản lý chợ Hàn, BQL Làng đá Mỹ nghệ Non Nước, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Cục Hải quan cửa khẩu Đà Nẵng, …

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Văn Phương, Phó Trưởng Phòng Điều tra xử lý va Bảo vệ Rừng (Chi cục Kiểm lâm Tp Đà Nẵng) cho biết: Có thể nói Việt Nam nằm trong top 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong khu vực thuộc điểm nóng về đa dạng sinh học, tức là bị đe dọa nhiều nhất hiện nay. Đặc biệt nhiều lô hàng động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán từ nước khác về Việt Nam trong năm 2021, 2022 là minh chứng rõ rệt.

Nguyên nhân là do môi trường sống của các loài động vật đang bị thu hẹp do phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; hậu quả của biến đổi khí hậu; khai thác và sử dụng rừng quá mức; hạn chế trong thực thi pháp luật, đặc biệt là nạn săn bắt tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã.

Động vật hoang dã buôn bán trái phép tại Việt Nam không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn nhập lậu từ nước ngoài. Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, vảy tê tê, vảy sừng tê giác từ châu Phi, phần lớn bán sang Trung Quốc (theo EIA, 2021). Trong đó thành phố Đà Nẵng với những lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thương mại đã tạo điều kiện cho các vi phạm về vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã dưới hình thức trung chuyển, quá cảnh, nhập khẩu trái phép.

Điển hình tháng 03/2019, Hải quan Đà Nẵng đã bắt giữ 9,1 tấn ngà voi, tương đương với 1.000 cá thể bị giết, số ngà voi này được vận chuyển trái phép từ Công –gô về cảng Tiên Sa. Đây là vụ bắt giữ buôn lậu ngà voi có thể nói là lớn nhất thế giới. Để đối phó với lực lượng chức năng, đối tượng thường lợi dụng việc tạo thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan điện tử và áp dụng quản lý rủi ro để khai báo sai tên hàng như: hàng thủy tinh, giấy cuộn, gỗ thường. Hàng hóa được chuyển tải qua nhiều tàu, vận chuyển qua nhiều cảng ở các nước khác nhau trước khi đến Việt Nam nhằm xóa dấu vết. Tên hàng trên chứng từ hoàn toàn giả mạo, khi bị phát hiện thì từ chối nhận hàng hoặc không khai báo làm thủ tục hải quan.

“Các vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã tại Đà Nẵng chiếm tỷ trọng lớn là hành vi vận chuyển trái phép động vật hoang dã quá cảnh qua địa bàn. Các vụ vận chuyển này đều là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm có xuất xứ nước ngoài qua đường biển đến Đà Nẵng có tình tiết phức tạp với khối lượng lớn và thủ đoạn tinh vi.”

Quang cảnh hội nghị.

Theo thống kê của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, các lực lượng thực thi đã phát hiện và bắt giữ hơn 30 tấn ngà voi bị buôn bán, vận chuyển bất hợp hợp pháp trong giai đoạn 2015-2020. Buôn bán ngà voi bất hợp pháp là nguyên nhân chính khiến quần thể voi châu Phi bị suy giảm nghiêm trọng, đẩy loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tốc độ voi bị giết để lấy ngà còn nhanh hơn tốc độ sinh sản của chúng. Ước tính quần thể voi châu Phi đã giảm 1.300.000 cá thể năm 1979 xuống còn khoảng 415.000 cá thể vào năm 2016. Quần thể voi sẽ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng nếu chúng ta không có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này. Để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã nói chung trong đó có ngà voi; Cộng đồng quốc tế đều nhất trí rằng chỉ có Công
ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Công ước CITES là công cụ quan trọng, không thể thay thế để kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã quốc tế; với 184 quốc gia thành viên. Việt Nam là thành viên của CITES từ năm 1994, các cơ quan quản lý, thực thi Nhà nước đã và đang nổ lực để bảo đảm quyền, nghĩa vụ trong thực thi CITES. Một hệ thống pháp lý đầy đủ đã được ban hành bao gồm Bộ luật Hình sự, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01//2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch bảo tồn voi đến năm 2025.

Voi châu Á và voi châu Phi đều được CITES bảo vệ ở mức cao nhất (Phụ lục I) ngay từ những ngày đầu Công ước được ký kết. Tại Việt Nam, loài thú này cũng được đưa vào Nhóm I Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Nhưng điều này cũng phản ảnh một thực trạng: Voi là một trong những loài động vật bị săn bắt, giết hại nhiều nhất trên toàn cầu. Tại Việt Nam các điểm thu hút khách du lịch vẫn còn hiện tượng bày bán, chào mời các sản phẩm động vật hoang dã (trong đó có sản phẩm chế tác từ ngà voi). Hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm làm từ ngà voi tưởng chừng như nhỏ lẻ nhưng lại là một trong những yếu tố quan trọng, cho chuỗi cung ứng ngà voi bất hợp pháp tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn.

Do vậy tăng cường thực thi pháp luật kết hợp với tuyên truyền và phổ biến pháp luật về phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã nói chung và ngà voi nói riêng tới mọi cấp ngành và mọi đối tượng là nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt liên quan đến các loài quý, hiếm như: Voi, Hổ, Tê giác, Tê tê… chỉ trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục tấn ngà voi nhập khẩu trái pháp luật vào Việt Nam, các lô hàng này được trung chuyển qua nhiều quốc gia trước khi bị bắt giữ.

Kể từ khi Bộ luật hình sự được sửa đổi năm 2017, nhiều đối tượng buôn bán trái phép luật ngà voi bị truy tố, xét xử, trong đó có những đối tượng bị xử đến 13 năm tù, thể hiện sự nghiêm minh trong thực thi CITES và pháp luật. Mặc dù có nhiều thành tích trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tuy nhiên Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do vị trí thuận lợi, thị trường động vật hoang dã, trong đó có ngà voi khu vực châu Á rộng lớn. Sau Covid -19, hoạt động buôn bán quốc tế động vật hoang dã có chiều hướng diễn biến phức tạp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt dự “Giảm cầu ngà voi” do WWF Việt Nam phối hợp với Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam thực hiện với mục tiêu gắn kết sự tham gia của các cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Biên phòng, Cảnh sát Kinh tế – Môi trường, Quản lý thị trường, Cơ quan lữ hành du lịch trong thực thi CITES và bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam trong tăng cường năng lực thực thi và giảm cầu sử dụng ngà voi.

Hồng Sơn