Đà Nẵng: Triển lãm sắp đặt bảo vệ môi trường bên bờ sông Hàn

BVR&MT – “Cứu lấy Biển” (Save Our Sea) là chủ đề của một triển lãm sắp đặt bên bờ sông Hàn trên con đường Trần Hưng Đạo dưới chân cầu sông Hàn thành phố Đà Nẵng.

Triển lãm do Trung tâm văn hóa – điện ảnh (Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng) tổ chức. Triển lãm là lời kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, thực hiện việc giảm thiểu sử dụng bao bì túi ni lon trong sinh hoạt và hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường và đặc biệt là ở môi trường biển, các khu vực bãi biển tại thành phố Đà Nẵng.

Hình ảnh những loài thực vật dưới nước làm được làm từ vỏ chai nước khoáng nhựa.

Từ mô hình được sắp đặt bằng nhựa thể hiện hình ảnh những con bạch tuộc với những chiếc xúc tu dài được làm từ vỏ những chai nước khoáng, bao nilon hay quả địa cầu (trái đất) được ghép từ hàng trăm chai nước khoáng, những đàn cá gồm chú cá heo to lớn và những đàn cá nhỏ tất cả đều được làm từ nhựa… Triển lãm như một lời cảnh báo về nạn ô nhiễm rác thải nhựa trên khắp toàn cầu thế giới cũng như ở Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Mô hình những sinh vật biển như bạch tuộc với những chiếc xúc tu dài được làm từ vỏ những chai nước khoáng bằng nhựa và bao ni lon.

Phát biểu tại buổi lễ phát động chiến dịch ra quân “Làm sạch biển” tại quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng vào ngày 28/9, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Việc giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm do rác thải nhựa gia tăng. Mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg trên mỗi đầu người lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 – 2018.

Mô hình quả địa cầu – trái đất được lắp ghép từ hàng trăm chai nước khoáng làm bằng nhựa.

Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn năm. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.

Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chọn chủ đề “Hành động địa phương, hành động toàn cầu” nhằm kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị tổ chức doanh nghiệp và đồng bào cả nước, cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đó là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa một lần; Phấn đấu đến 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa một lần.

Mô hình Những đàn cá bơi trên đại dương.

Được biết mô hình sắp đặt “Cứu lấy Biển” được làm từ 6000 chai chai nhựa các loại, bao ni lon, cùng một số loại rác thải nhựa khác được sử dụng.

Cứu lấy Biển hay chính là cứu lấy cuộc sống của chúng ta đang bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa là một thông điệp mà triển lãm sắp đặt “Save our Sea” mang đến cho người dân thành phố Đà Nẵng và khách du lịch khi đến tham quan những mô hình sắp đặt của triển lãm được tổ chức từ ngày 28-30/9 dưới chân cầu sông Hàn đường Trần Hưng Đạo thành phố Đà Nẵng. Triển lãm đã thu hút đông đảo trẻ em và người lớn đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm Save Our Sea tại Đà Nẵng.

CTV Hồng Sơn