Đà Nẵng: Triển khai đề tài nghiên cứu chỉ số độ tươi một số loài cá bằng thiết bị Torry Meter

BVR&MT – Vừa qua, được sự cho phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Nghiên cứu chỉ số độ tươi một số loài cá bằng thiết bị Torry Meter và đánh giá sự biến đổi của sản phẩm thủy sản sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ”. Thời gian thực hiện đề tài 12 tháng, từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020.

Ngư dân sử dụng thiết bị Torry Meter để đo độ tươi của cá.

Đề tài đã triển khai nghiên cứu các nội dung cơ bản: Đánh giá, phân tích thực trạng bảo quản sau thu hoạch tại các tàu cá đánh bắt xa bờ thuộc Đà Nẵng;  Xây dựng bộ chỉ số độ tươi và đánh giá sự biến đổi độ tươi của một số loài cá trong phòng thí nghiệm và trên tàu cá khai thác xa bờ; Xây dựng dự thảo hướng dẫn sử dụng thiết bị đo độ tươi Torry Meter để đo độ tươi một số loài cá có giá trị kinh tế (cá Cam, cá Mú, cá Hồng).

Đề tài đã xây dựng được bảng chỉ số độ tươi và theo dõi sự biến đổi độ tươi của các loài cá khi được bảo quản ở mốc nhiệt độ 0-2 độ C và 4 độ C phòng thí nghiệm và đối chiếu, so sánh độ tươi một số loài cá được bảo quản theo các phương pháp bảo quản truyền thống, phương pháp bảo quản bằng nước đá lụa tại tàu cá khai thác xa bờ.  Hình thành mối tương quan giữa nhiệt độ bảo quản và thời gian bảo quản, phương pháp bảo quản hiện nay ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản khai thác. Từ đó, đã đưa ra giải pháp và khuyến cáo cho người đánh bắt về những phương pháp để giảm thiểu tổn thất, ảnh hưởng đến chất lượng của thủy sản sau thu hoạch, bảo quản và vận chuyển.

Kết quả nghiên cứu của đề tài bước đầu là nền tảng cho nhiều nghiên cứu tiếp theo về áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng các thiết bị thay thế, sửa chữa, cải tiến hầm bảo quản tại tàu cá khai thác xa bờ. Từ đó nâng cao chất lượng thủy sản khai thác đem lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân. Đồng thời đem đến cho ngư dân, người tiêu dùng, cơ sở thu mua thủy sản một khái niệm mới trong việc xác định nhanh và chính xác độ tươi của một số loài thủy sản được bảo quản lạnh thay cho các phương pháp cảm quan hay phân tích hóa học thông thường. Kết quả bảng chỉ số độ tươi một số loài được xác định bằng thiết bị Torry Meter có thể sử dụng làm cơ sở đánh giá mức độ tươi và thời gian bảo quản thủy sản.

Thiết bị đo Torry Meter là công cụ đo hữu hiệu cho tàu cá, cửa hàng kinh doanh thủy sản, cơ sở thu mua trong việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào, đối với cảng cá phục vụ cho việc đấu giá các loại thủy sản đánh bắt xa bờ một cách minh bạch, công bằng.

Hồng Sơn