BVR&MT – Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Đà Nẵng đã tổ chức buổi hội thảo Nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ di sản thiên nhiên.
Đến tham gia buổi hội thảo có ThS. Nguyễn Thị Kim Hà, Phó chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường Tp.Đà Nẵng, TS. Nguyễn Thị Kim Tĩnh, Cục Bảo tồn Thiên nhiên& Đa dạng sinh học – Bộ TN&MT, TS. Hoàng Quốc Lâm, Trung tâm truyền thông TNMT – Bộ TNMT cùng các đại diện các cơ quan quản lý về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường như: Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB), Trung tâm Xây dựng và phát triển bền vững (BUS), Trung tâm Bào tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt), Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy phát triển
bền vững, cùng đại diện nhiều cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường…
Tại hội thảo các đại biểu đã được lắng nghe các tham luận như: Giới thiệu các quy định pháp luật về bảo vệ di sản thiên nhiên theo Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn, Hướng dẫn thực hiện điều tra, đánh giá và cách xác định di sản thiên nhiên, Trách nhiệm của Ban Quản Lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên (điều tra, báo cáo, quản lý…), Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản thiên nhiên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ di sản thiên nhiên trong tình hình mới từ các Đại diện Cục Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Đại diện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và Môi trường, Bộ TNMT.
Theo báo cáo tại hội thảo của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TNMT: Di sản thiên nhiên được xác định theo quy định tại khoản 1,2 điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và khoản 1,2,3 Điều 19 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 nhằm bảo đảm tính thống nhất một hệ thống các khu vực di sản thiên nhiên trên toàn quốc cần được ưu tiên nguồn lực để quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong đó, công nhận các đối tượng chưa được đề cập trong hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể: Di sản thiên nhiên là đối tượng đã được xác lập theo các luật khác: Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh đã được thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản, di sản văn hóa.( điểm a khoản 1 Điều 20 Luật BVMT)
Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận: di sản thiên nhiên thế giới; khu dự trữ sinh quyển thế giới; công viên địa chất toàn cầu; vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế ( khu Ramsar); Vườn di sản ASEAN (AHP) và các di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận. ( điểm b khoản 1 Điều 20 Luật BVMT).
Di sản thiên nhiên khác là khu vực được xác lập, công nhận theo quy định tại điểm c khoản 1,2 Điều 20 Luật BVMT và khoản 1,2,3, Điều 19 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, di sản thiên nhiên khác bao gồm 3 đối tượng sau: khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất và các khu vực khác đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật BVMT và khoản 1 Điều 19 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 1 năm 2022.
Như vậy, việc quy định đối tượng di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận và di sản thiên nhiên khác, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý , bảo vệ các đối tượng này trong thực tiễn hiện nay.
Nhằm giải quyết, ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng, vượt ngưỡng chịu đựng của các hệ sinh thái, suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên và mục tiêu là lấp khoảng trống trong quy định của pháp luật hiện hành về quản lý các tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế – xã hội đến thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời góp phần bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững các di sản thiên nhiên trên cơ sở giá trị và dịch vụ hệ sinh thái. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật đã quy định nội dung về đối tượng di sản thiên nhiên, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên để thể hiện bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường, kết nối các thành phần môi trường phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
trên toàn quốc.
Các nội dung quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được xây dựng trên cơ sở rà soát quy định của các luật, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã kí kết (Công ước CBD, Công ước Ramsar, Công ước Di sản thế giới, UNESCO) và yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Chính phủ về tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đi đôi với phát triển kinh tế, xã hội, phân cấp quản lý theo địa bàn cho các địa phương cũng như đặc thù của di sản thiên nhiên là các vùng lãnh thổ địa lý. Các qui định này không chỉ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ, bảo tồn các giá trị cốt lõi của tự niên, tạo cơ chế thuận lợi cho việc đầu tư, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tiếp cận hệ sinh thái, phát triển vốn tự nhiên, mà còn góp phần phát huy giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái đối với phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Hồng Sơn