Đà Nẵng: Tổ chức Hội nghị Tập huấn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

BVR&MT – Ngày 10/5, tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi hội nghị tập huấn phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn dành cho cán bộ nòng cốt các quận huyện, hội đoàn thể thành phố Đà Nẵng.

Đến tham dự buổi tập huấn có ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cùng đông đảo các cán bộ quản lý môi trường tại các quận, huyện và tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Chi Cục phó Chi Cục Bảo vệ môi trường Tp Đà Nẵng trình bày kế hoạch phân loại CTRSH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Những năm gần đây, lượng CTRSH trung bình của thành phố Đà Nẵng tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Theo kết quả nghiên cứu của ngân hàng châu Á (ADB), dự báo CTRSH của thành phố đến năm 2025 khoảng trên 1.800 tấn/ngày; năm 2030 khoảng trên 2.400 tấn/ngày và đến năm 2040 khoảng trên 3000 tấn/ngày. Hầu hết CTRSH của thành phố đang được chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn, vừa lãng phí tài nguyên vừa làm tăng nhu cầu diện tích chôn lấp, hình thành các điểm nóng về ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm. Đồng thời, chi phí thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) cũng tăng theo, đặc biệt chi phí xử lý lượng nước rỉ rác, mùi hôi, khí thải phát sinh từ bãi chôn lấp…

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 491/QĐ-TTg về phê duyệt “Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050” trong đó đặt ra các mục tiêu liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ngày 19/12/2018, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hà, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng thành phố Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, CTRSH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào khoảng 1.100 tấn ngày và chưa được xem là tài nguyên tái tạo. Ngân sách thành phố phải chi cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH ngày càng tăng, đây cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, tác động đến môi trường sinh sống, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và dân cư. Vì vậy mục tiêu của việc phân loại rác nhằm thực hiện tái chế, sử dụng thu hồi năng lượng, giảm chôn lấp chất thải.

Việc tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý CTR của thành phố, phù hợp với chiến lược quốc gia, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường và nếp sống văn hóa văn minh đô thị; giảm áp lực rất lớn đối với việc xử lý CTR như giảm diện tích bãi chôn lấp; giảm chi phí xử lý khối lượng CTR cần xử lý, đồng thời tận dụng được các loại CTR khác thông qua hoạt động tái sử dụng, tái chế.

Tài liệu hướng dẫn phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn ở thành phố Đà Nẵng.

Việc phân rác thải tại nguồn mang lại nhiều lợi ích to lớn nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong loại bỏ rác thải. Giảm chất thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, không khí. Nâng cao hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải. Tạo thêm nguồn nguyên liệu để sản xuất, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm quỹ đất. Giảm chi phí trong quản lý và xử lý CTRSH. Nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Theo tài luyện tuyên truyền hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng của Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng: CTRSH được chia làm 3 loại: CTRSH tái chế, CTRSH nguy hại, CTRSH còn lại. CTRSH tái chế được tập kết tại khu dân cư được các đơn vị thu mua và bán lại cho các cơ sở tái sử dụng. CTRSH nguy hại được tập kết tại khu dân cư và điểm thu gom CTR nguy hại tập trung sau đó được đơn vị thu gom xử lý mang đến nhà máy xử lý theo quy định. CTRSH còn lại được mang đến điểm tập kết CTR thông thường sau đó được đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường mang đến trạm trung chuyển và cuối cùng chuyển đến bãi chôn lấp – Nhà máy xử lý của thành phố. Theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phân loại CTRSH từ năm 2019 đến năm 2025, các điểm tập kết CTRSH tái chế, nguy hại được xác định với nhóm 1: quận Hải Châu từ tháng 4/2019, nhóm 2 (quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê) vào tháng 5/2019; Nhóm 3 (các quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang) vào tháng 6/2019.

Tại buổi hội nghị tập huấn, sau phần trình bày của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng là phần trình bày ý kiến của các cán bộ phụ trách môi trường ở quận huyện, cán bộ thuộc các hội đoàn thể địa phương nhằm thống nhất cách thực hiện việc phân loại CTRSH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo kế hoạch phân loại CTR SH, thành phố Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025.

Hồng Sơn