BVR&MT – Từ ngày 1/5/2024 đến ngày 30/5/2024, tại thành phố Đà Nẵng, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” và Tháng công nhân 2024 là “ Đoàn kết công nhân – Triển khai Nghị quyết” sẽ diễn ra với nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực hướng về cơ sở, trực tiếp giải quyết những vấn đề công nhân, người lao động quan tâm. Các doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động, tăng cường quản lý máy móc thiết bị đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, có biện pháp kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, hạn chế xảy ra tai nạn lao động.
Sáng ngày 5/5, tại Nhà văn hóa Lao Động thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi lễ phát động Tháng An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân 2024 do Liên đoàn Lao động và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Đến tham dự buổi lễ có: Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng; Bà Phan Thị Thúy Linh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố; Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động thành phố; Đại diện các Sở Ban Ngành tại thành phố cùng với gần 1000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn đang làm việc ở các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Theo số liệu báo cáo, năm 2023, cả nước xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn. Riêng thành phố Đà Nẵng xảy ra 05 vụ tai nạn lao động làm 06 người chết. Tai nạn lao động tập trung chủ yếu những ngành nghề và lĩnh vực lao động giản đơn trong xây dựng, vận hành máy và thiết bị sản xuất; các sự cố dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu là do điện giật, ngã cao, va đập, do vật rơi và đổ sập giàn giáo xây dựng, lắp đặt thiết bị… đã để lại di chứng rất lớn cho người lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, thu nhập và tình hình kinh tế của từng gia đình.
Mọi tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đều có thể phòng tránh được nếu người sử dụng lao động chấp hành nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, quan tâm đến việc cải thiện điều kiện làm việc, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; đồng thời người lao động biết tuân thủ các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh: Trong Tháng hành động về ATVSLĐ và tháng công nhân, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và công đoàn các cấp cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung tập trung vào việc tổ chức các hoạt động cụ thể như: tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; rà soát, nhận diện, đánh giá các nguy cơ rủi ro trong lao động sản xuất; thực hiện các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình, biện pháp an toàn tại các phân xưởng, nhà máy, tổ, đội, các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; thúc đẩy tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức cũng như các hoạt động cụ thể về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; chủ động phối hợp với Công đoàn các cấp chỉ đạo tổ chức hoạt động mạng lưới ”An toàn vệ sinh viên” tại cơ sở theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Tổ chức tốt các hoạt động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 theo Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 13/3/2024 của UBND thành phố và Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố. Các hoạt động phải thiết thực, hiệu quả, trực tiếp giải quyết những vấn đề công nhân lao động, đoàn viên công đoàn quan tâm. Đặc biệt, triển khai Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật ATVSLĐ; Chú trọng tuyên truyền, huấn luyện đối với các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao xảy ra tai nạn lao động như: Xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác đá, cơ khí, dệt, may, da giày, điện, điện tử, chế biến gỗ, hóa chất…; tăng cường đối thoại, giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn cơ sở giải quyết những khó khăn, vướng mắc của công nhân lao động tại doanh nghiệp, nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.
Rà soát đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đối với từng máy, thiết bị, từng phân xưởng, tổ, đội để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời các sự cố, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thúc đẩy triển khai các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng, mệt mỏi, triển khai các chế độ phúc lợi cho người lao động.
Đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động phân loại lao động theo điều kiện lao động; thực hiện việc đo, quan trắc môi trường lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tổ chức và quản lý tốt các hoạt động vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
Các đơn vị, doanh nghiệp cần bố trí người có đầy đủ chuyên môn, năng lực làm công tác ATVSLĐ chuyên trách hoặc bán chuyên trách; thực hiện nghiêm việc kiểm định các máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và có biện pháp kiểm tra, giám sát buộc người lao động sử dụng đúng và đầy đủ các phương tiện trang bị bảo vệ cá nhân đã được cấp phát.
Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui định về an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của mình. Đồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở và các cấp quản lý.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo công đoàn các cấp tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động; tổ chức các hoạt động phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; các hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp; thường xuyên thăm hỏi, động viên hỗ trợ khó khăn cho các đối tượng bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phối hợp với chính quyền các cấp, người sử dụng lao động kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về lao động, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn tổ chức tốt hoạt động của mạng lưới “An toàn vệ sinh viên” tại các doanh nghiệp.
Tại Lễ phát động, UBND TP. Đà Nẵng đã tuyên dương khen thưởng 39 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ năm 2023 được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND TP. Đà Nẵng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Hội đồng ATVSLĐ thành phố tặng bằng khen, giấy khen và 05 tập thể nhận cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2023.
Hồng Sơn