Đà Nẵng: Phấn đấu đưa ứng dụng của khoa học công nghệ vào giá trị tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 30%

BVR&MT – Ngày 11/5, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp và đề án 01 tỷ cây xanh; Tổng kết công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Đến tham dự hội nghị có ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng, ông Phan Thế  Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, các hạt kiểm lâm trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các kiểm lâm viên.

Theo báo cáo tại hội nghị, kết quả thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp  với các mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2023, theo quyết định số 2833/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về kinh tế như sau: Trồng rừng sản xuất tập trung đạt 4.038,31 ha; trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt 423, 1729 ha; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đạt 365,35 ha. Diện tích rừng tự nhiên được nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh: 346, 837 ha (khoanh nuôi 121,797 ha, nuôi dưỡng 225,04 ha); sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 422.120 m3. Thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021 -2023 đạt 25.593.078.416 đồng,  có 586 hộ nhận khoán theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng của thành phố Đà Nẵng.

Những cá nhân và tập thể có thành tích tốt trong công tác bảo vệ rừng được khen thưởng tại hội nghị.

Chất lượng rừng tự nhiên tăng, diện tích rừng giàu đạt 18.986,53 ha; diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC 217,23 ha ( đạt 1/5 chỉ tiêu trong giai đoạn  2021 -2025). Hiện đang triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững các khu rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố năm 2024 sẽ hoàn thành.

Về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố năm 2021 là 47,17%, năm 2022 là 45,5 %, năm 2023 là 44, 77%. ( thấp hơn so với mức trung bình 47% đặt ra trong mục tiêu chiến lược).

Mục tiêu độ che phủ rừng năm 2022, 2023 giảm so với năm 2021, thấp hơn mức trung bình đề ra trong chiến lược. Nguyên nhân giảm tỷ lệ che phủ rừng với rừng tự nhiên là do sạt lỡ đất do mưa lớn gây ra và chỉnh lý biến động sai số kỹ thuật dữ liệu nền kiểm kê rừng (CDSL ảnh vệ tinh) giữa bản đồ và thực địa, rừng trồng giảm do khai thác rừng trồng kinh tế của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng so với năm 2021.

Do điều kiện thời tiết cực đoan dẫn đến nhiều khu vực rừng bị sạt lỡ, gãy đổ, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng (chủ yếu là các khu trồng rừng), tâm lý bất an dẫn đến các chủ rừng có khuynh hướng khai thác sớm, chất lượng rừng không cao, năng suất thấp. Ý thức chấp hành  pháp luật về Lâm nghiệp của một số người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Đà Nẵng hiện có 18.986,53 ha rừng gỗ tự nhiên giàu trữ lượng với nhiều loại gỗ quý, hiếm, có giá trị xử dụng cao, trong khi nhu cầu sử dụng gỗ tự nhiên trong xã hội ngày càng tăng, gỗ rừng trồng và các vật liệu thay thế khác chưa đáp ứng được, dẫn đến khai thác gỗ tự nhiên trái phép luôn tiềm ẩn vi phạm, gây áp lực trong công tác bảo vệ rừng. Trong các năm 2022, 2023 đã có 5 trường hợp viên chức Bảo vệ rừng chuyên nghiệp (phần lớn là nhân lực trẻ, có trình độ chuyên môn) nghỉ việc. Nguyên nhân do điều kiện công tác tại địa bàn khó khăn, thu nhập thấp không đảm bảo đời sống.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó trưởng ban chỉ đạo chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết: ngành Lâm nghiệp Đà Nẵng trong các nhiệm vụ, định hướng, giải pháp thực hiện chiến lược trong thời gian tới cần phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm; Tuyên truyền nhận thức đến các cấp ngành về tầm quan trọng của rừng đối với bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị cung ứng dịch vụ môi trường rừng, tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững của thành phố; Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành kiểm lâm với đội ngũ cán bộ quản lý ngành lâm nghiệp chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và dịch vụ logistics.

Phát triển khoa công nghệ là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, phấn đấu đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 30%.

Tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường, khuyến khích đổi mới, sáng tạo để tạo ra các giá trị và sản phẩm mới, có sự tham gia của các chủ rừng và doanh nghiệp: lâm nghiệp công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế; bảo tồn đa dạng sinh học; dịch vụ môi trường rừng; chất lượng rừng trồng và công nghệ chế biến lâm sản; bảo đảm cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng; xây dựng các chương trình đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực: chọn, tạo giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, thâm canh rừng trồng sản xuất, công nghệ chế biến lâm sản, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong quản lý và bảo vệ rừng, phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ; tính toán, lượng hóa tổng giá trị kinh tế (quy đổi) của rừng,  đóng góp trong phát triển kinh tế xanh, GDP xanh của thành phố.

Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực, hoàn thiện hệ thống điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo hướng hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, thống nhất liên tục, phục vụ và đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp trong tình hình mới, phù hợp điều kiện cụ thể của thành phố…

Theo kiến nghị đề xuất của Ban chỉ đạo chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, Tp Đà Nẵng cần xem xét bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc mua sắm trang thiết bị phụ vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (Flycam Drone), thiết bị bay không người lái, máy quay phim kỹ thuật số mini, Camera hành trình đội đầu, bẫy ảnh (Camera trap)… theo Kế hoạch 164/KH –UBND ngày 14 tháng 09 năm 2022 của UBND Tp Đà Nẵng, thực hiện Quyết định số 177/QĐ–TTg  ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Hồng Sơn