Đà Nẵng: Người lao động vất vả mưu sinh mùa Covid-19

BVR&MT –  Dịch đi, dịch quay lại trong vòng chưa đầy 100 ngày đã mang đến muôn vàn nỗi khó khăn cho người lao động tại TP. Đà Nẵng. Công việc tất tả, mưu sinh trong mùa đại dịch Covid -19 đã khiến bao người dân phải vất vả, nhọc nhằn khi kiếm từng đồng rau bữa chợ, miếng cơm, con cá trong mùa dịch, lo lắng trong sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. 

Nhiều công nhân lao động tại Đà Nẵng và Quảng Nam vất vả khi tìm kiếm công việc để có thu nhập trong mùa dịch Covid-19.

Những người dân lao động mà sự tồn tại của họ được tính từng ngày bằng ngày công thì khi việc làm của họ ngừng lại đồng nghĩa với lúc họ đối mặt với muôn nỗi lo lắng, sự nguy khốn. Đợt đại dịch diễn ra sau Tết Nguyên Đán kể từ tháng 4/2020, khi nhà máy dệt ở huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Chị  T., một công nhân may tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã đi xe ra Đà Nẵng, xin ở lại nhà bà con để làm công việc phơi mắm ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Công việc của chị bắt đầu từ sáng sớm 7h sáng khi nắng lên và chị làm việc đến tận 12h trưa rồi nghỉ tay ăn cơm; Sau đó tranh thủ khi trời có nắng lại làm việc tiếp cho đến 5h30 chiều. Chị T. cho biết, công việc làm tạm trong mùa làm mắm ở Đà Nẵng cho chị mức thu nhập từ 150.000 đồng/ngày đủ để vượt qua nổi khó khăn mất việc trong mùa dịch. Bởi sau đợt cách ly dài ngày không biết công ty có ký được hợp đồng sản xuất  nữa hay không?

Cùng làm với chị T. là một người phụ nữ lớn tuổi sống ở làng cá Thọ Quang, Đà Nẵng trong công việc phơi mắm chia sẻ: “Vào mùa dịch, nhưng không xin được gói hỗ trợ khó khăn thất nghiệp do tôi là lao động tự do, có việc gì làm nấy. Khi chưa vào mùa đánh bắt cá ở Đà Nẵng nên tôi xin làm tạm những công việc lao động khác để sinh sống”.

Vào mùa này, công việc làm xây dựng của chồng bị dừng lại nên công việc lao động chân tay của chị với thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày giúp chị nuôi 3 đứa con và là lao động chính của gia đình.

Gần đây, chợ Siêu thị Đà Nẵng bị đóng cửa tạm dừng hoạt động cùng nhiều chợ khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã khiến nhiều người lao động, các tiểu thương lâm vào cảnh khó khăn khi công việc tạm dừng lại.

Mùa dịch Covid-19 lần hai lại về thành phố Đà Nẵng kéo theo nỗi khó khăn cho những người làm công việc buôn bán ở chợ Nại Hiên Đông thành phố Đà Nẵng khi khu chợ bị cách ly dừng hoạt động mất mấy ngày do có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Các tiểu thương đang buôn bán tại chợ đều được xét nghiệm Covid-19, ngưng hoạt động buôn bán mấy ngày. Nhiều tiểu thương vì khó khăn nên luồn lách, buôn bán trên vỉa hè vài củ quả, bó rau, trái cây… cho người dân xung quanh nhưng đành phải tạm dừng sau đó, do bị lực lượng phòng dịch Covid-19 nhắc nhở, lập biên bản xử phạt vì vi phạm lệnh cách ly, tụ tập đông người không đảm bảo an toàn trong giao tiếp.

Hiện nay, nhiều tiểu thương khác tại Đà Nẵng đang buôn bán ở các khu chợ, chợ siêu thị vừa bị đóng cửa tại Đà Nẵng cũng đang rơi vào hoàn cảnh của việc tạm dừng kinh doanh buôn bán và hàng loạt tiểu thương bị xét nghiệm Covid-19 vì có sự liên quan đến người nhiễm Covid -19 đến sinh hoạt tại chợ. Những nỗi khó khăn chồng chất lo lắng khi việc buôn bán tạm ngừng khiến cuộc sống, kinh tế  của họ trở nên lao đao.
Nhiều hàng hóa, thực phẩm, được Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng mang đến phân phối hỗ trợ cho các gia đình nghèo tại các phường ở Đà Nẵng gặp phải hoàn cảnh khó khăn trong mùa Covid-19.

Dịch đi, dịch lại kéo theo bao nỗi lo toan chồng chất trong lòng người dân lao động, công nhân, người buôn gánh bán bưng, tiểu thương ở chợ, những người lao động chân tay, tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Họ mong sao mùa dịch chóng qua, để công việc lao động, làm ăn buôn bán trở lại, nhẹ bớt gánh nặng lo âu trĩu nặng trong lòng. Mùa dịch Covid-19 khiến công việc làm ăn thất bát, thu nhập suy giảm, kiếm được đồng nào để xoay xở, vơi bớt nỗi khó khăn đó cũng là tâm trạng chung với bao cảnh ngộ, bao người khó khăn, người dân lao động tại thành phố Đà Nẵng.

Theo thông tin từ Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid – 19 đã làm cho hàng chục ngàn người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng rơi vào hoàn cảnh khó khăn do mất việc làm, mất thu nhập.
Đồng cảm và chia sẻ những hoàn cảnh này, từ ngày 18/8/2020, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng triển khai chương trình cây ATM Gạo – Hạt giống tâm hồn – công nghệ cao. Với tiêu chí: “Giãn cách – công bằng – nhanh chóng”, ATM Gạo thông minh này sẽ thông báo cho mỗi người dân lịch hẹn và địa điểm nhận gạo trước qua cuộc gọi của tổng đài chương trình.
Máy phát gạo tự động được đặt tại sân Hội chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng dùng để phát gạo cho người dân gặp khó khăn.

Việc cấp phát gạo diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và công bằng; chỉ mất khoảng 3- 5 phút để thực hiện các quy trình như sát khuẩn tay, nhận diện gương mặt là có thể nhận phần gạo của mình, đảm bảo đúng quy định giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Mỗi hộ gia đình sẽ được nhận tối đa 12 kg gạo/tuần. Cây ATM gạo sẽ được di chuyển đến từng địa phương để tạo sự thuận lợi cho người dân.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng mong đợi huy động 50 tấn gạo ước tính 600.000.000đ nhằm trao tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn hiện đang sinh sống, làm việc trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Với thông điệp “Góp 01 kg gạo, trao 01 ngày bình yên”, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hưởng ứng và đồng hành cùng Hội thực hiện chương trình này. Mỗi một kg gạo, bạn đóng góp cho chương trình là thêm một chút yên lòng cho những hoàn cảnh khó khăn đang đối diện với đại dịch Covid – 19.

Mọi sự ủng hộ vui lòng gởi đến Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng, địa chỉ: 522 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, số điện thoại: 0935956986 và 0914061401 hoặc liên hệ ngay Tổng đài 1022 bằng cách gọi (0236) 1022 hoặc nhắn tin trên Fanpage Tổng đài https://www.facebook.com/tongdai1022.

Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp nhận sự ủng hộ tại bất kì địa điểm nào theo đề nghị của các bạn. Nếu bạn ủng hộ bằng tiền mặt vui lòng chuyển đến số tài khoản: 5601 000 1338 326, tên tài khoản: Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ thành phố Ðà Nẵng tại Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Hải Vân.

Hồng Sơn