Đà Nẵng: Góp ý hoàn thiện dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị

BVR&MT – Ngày 3/1, tại trung hành chính thành phố Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Đến tham dự hội thảo có Ông Hà Ban, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban tổ chức Trung Ương, Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng. Đại diện lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành ở TW và thành phố Đà Nẵng.

Mô hình thí điểm về tổ chức chính quyền thí điểm tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo 2 phương án: Phương án 1: Chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; chính quyền địa phương ở các quận, huyện, phường, xã tại thành phố Đà Nẵng là Ủy Ban nhân dân (tổ chức 01 cấp chính quyền thành phố và 02 cấp hành chính quận, huyện và phường, xã).

Hội thảo tổ chức nhằm hoàn thiện dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Phương án 2: Chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng, quận, huyện và xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là Ủy ban nhân dân phường. Đây là phương án đã được Bộ Chính trị cho phép thành phố Hà Nội thực hiện theo kết luận số 46-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2019. Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Tại hội thảo có rất nhiều ý kiến tranh luận, tham gia góp ý của đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương nhằm đánh giá tầm quan trọng và có nhất thiết cần phải có HĐND tại các xã, phường, quận, huyện; Bởi trong thực tế mô hình chính quyền địa phương là HĐND ở các xã, phường, quận, huyện gây lãng phí ngân sách địa phương và thực tế nhu cầu cần không lớn. Sau khi tinh giảm biên chế, tiết kiệm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp các đại biểu HĐND ở quận, huyện, xã, phường. Bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề ở địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc bỏ đi tổ chức HĐND ở các cấp xã, phường, quận, huyện liệu có tạo ra sự bất cập trong việc quản lý điều hành hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Cần thiết phải xem xét, đánh giá lại vai trò của Hội đồng nhân cấp xã, phường, quận, huyện và cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu bỏ đi HĐND ở các xã, phường, quận, huyện thì thành phố Đà Nẵng phải thiết lập một kênh để người dân tiếp cận người đại biểu HĐND mà họ bầu ra; Chính quyền thành phố phải tạo kênh xử lý phản hồi ý kiến của người dân.

Nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng cho rằng việc thực hiện chính quyền đô thị mới khi tinh giảm đi HĐND ở các cấp xã, phường, quận, huyện thì cần cân nhắc thật kỹ, thấu đáo để tránh tình trạng sau khi thực hiện dẫn đến hoạt động của chính quyền địa phương không tốt phải xin ý kiến TW để thực hiện lại các phương án xây dựng chính quyền khác.

Cần thiết phải nhìn ra được một bức tranh toàn cảnh về chính quyền đô thị, đồng thời xem xét thật kỹ lưỡng việc thực hiện chính quyền đô thị mới này có liên quan thế nào đến việc xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử… đến chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Cần nghiên cứu thực tế để bổ sung sự ảnh hưởng liên quan đến các sở, ngành tại thành phố Đà Nẵng khi xây dựng thí điểm mô hình đô thị mới. Đồng thời liên quan đến việc xây dựng chính quyền đô thị mới cần phải nâng cao chất lượng công chức, đến các việc kéo theo khác như: tinh giảm biên chế…

Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của việc triển khai mô hình chính quyền đô thị và phân cấp, ủy quyền cơ chế, chính sách với sự phát triển kinh tế – xã hội và công tác quản lý nhà nước tại thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Sau khi tổng hợp các ý kiến, tại hội thảo, UBND thành phố, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã xem xét, ưu tiên lựa chọn Phương án “Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã)”.

Theo phương án này, Đà Nẵng sẽ thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND quận, huyện và phường, xã nhiệm kỳ 2021-2026; Tổ chức chính quyền cấp thành phố (là cấp chính quyền gồm có HĐND, UBND theo quy định Luật tổ chức chính quyền như hiện nay); không tổ chức HĐND ở quận, huyện chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND.

Phương án này phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lí đô thị trên địa bàn có phạm vi quản lý nhỏ, gọn, hạ tầng đô thị, giao thông, công nghệ thông tin – truyền thông phát triển rộng như thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, phương án cũng tạo được tính linh hoạt, chủ động, nhanh nhạy trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

CTV Hồng Sơn