Theo đó, kế hoạch của Đà Nẵng sẻ đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các phường, xã tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại hộ gia đình; 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; kế hoạch nhằm tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt, nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, trong việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các phường, xã tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình; 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tỷ lệ về chất thải rắn sinh hoạt tái chế, tái sử dụng đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025.
Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đặt mục tiêu 95% tổng lượng rác thải phát sinh được thu gom và xử lý; đảm bảo tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; đáp ứng về phương tiện thu gom, vận chuyển, không để rơi vãi tại điểm tập kết và trên đường vận chuyển.
Đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phấn đấu đến năm 2020, thành phố dừng hoạt động chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cấp các công trình đảm bảo xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu. Đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn có tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 25%.
Trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, vệ sinh nơi công cộng, kế hoạch đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực công cộng, gây mất mỹ quan khu dân cư, đô thị; huy động doanh nghiệp, cộng đồng tham gia công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn mỹ quan tại khu vực hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu trú.
Dự kiến, tổng kinh phí các dự án đầu tư cho kế hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách đầu tư của thành phố trên 1.900 tỷ đồng, ngân sách đầu tư của doanh nghiệp 6.600 tỷ đồng.
UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, trên cơ sở nhiệm vụ kế hoạch triển khai Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, báo cáo UBND thành phố để bố trí nguồn kinh phí thực hiện; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đảm bảo tiến độ. Định kỳ trước ngày 25/6 hằng năm, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Được biết, tốc độ dân số tăng trưởng nhanh, kéo theo lượng rác thải sinh hoạt đổ ra ngày càng nhiều đang gây nên tình trạng quá tải cho bãi rác Khánh Sơn. Sau khi hết diện tích đất chôn lấp, việc tìm một giải pháp căn cơ để xử lý rác thải trong thời gian tới vẫn còn là bài toán nan giải cho thành phố hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hà, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng thành phố Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, CTRSH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào khoảng 1.100 tấn ngày và chưa được xem là tài nguyên tái tạo. Ngân sách thành phố phải chi cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH ngày càng tăng, đây cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, tác động đến môi trường sinh sống, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và dân cư. Vì vậy mục tiêu của việc phân loại rác nhằm thực hiện tái chế, sử dụng thu hồi năng lượng, giảm chôn lấp chất thải.
Thành phố Đà Nẵng có chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn hiện tại thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn với đầy đủ các hạng mục. Trong đó, cho phép Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy rác theo công nghệ đốt với công suất 650 tấn/ngày đêm, nếu thuận lợi, đến cuối 2020, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Đồng thời, sẽ đầu tư nhà máy đốt rác công suất 1.500 tấn/ngày, xây dựng nhà máy xử lý rác thải ý tế, phân bể phốt. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa có sự đồng thuận của người dân xung quanh khu vực Khánh Sơn.
Hoàng Tôn