BVR&MT – Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên được thành lập năm 2002 với diện tích 28.500,56 ha thuộc địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Nơi đây Thảm thực vật và hệ thực vật là một điển hình khá đầy đủ về sự phân hóa theo độ cao của lãnh thổ. Do những tính chất đặc biệt của địa hình và khí hậu, thảm thực vật và hệ thực vật rất phong phú, đa dạng, mang nhiều nét đặc thù riêng.
Đa dạng về thực vật
Với những nét đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình của Hoàng Liên, đã hình thành tại nơi đây hệ động – thực vật vô cùng phong phú. Theo đánh giá của các nhà khoa học, VQG Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, đặt biệt là hệ thực vật rừng. VQG Hoàng Liên hiện có 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.064 chi của 229 họ, trong 6 ngành thực vật.
Các loài Phong lan: Nơi đây là khu vực lý tưởng cho nhiều loài hoa Phong lan, với 172 loài Phong lan, trong số đó có nhiều loài quý, hiếm có giá trị kinh tế như lan sứa Sa Pa, lan môi dày Sa Pa. Nhiều loài đặc hữu của Việt Nam phân bố ở Sa Pa như hoàng thảo ngọc vạn, thanh đạm tuyết ngọc, lan môi ẩn vàng rủ …
Các loài đỗ quyên: Với 30 loài đỗ quyên nở hoa quanh năm, VQG Hoàng Liên được xem là xứ sở của các loài hoa đỗ quyên với đa dạng các màu sắc từ màu đỏ rực cho đến màu hồng thẫm, phớt hồng, phớt tím, hay đỗ quyên hoa trắng, đỗ quyên ly, đỗ quyên lưu huỳnh,.. Đặc biệt có đỗ quyên hoa vàng Sa Pa (Rhododendron chapaenses P.Dop) rất đặc thù sống phụ sinh trên các chạc, cành các cây gỗ cổ thụ to, nhiều rêu, cùng các loài Hạt bí, Tai chuột, Lưỡi rán cùng sống phụ sinh.
Các loài cây dược liệu: VQG Hoàng Liên là vùng có nhiều loài cây dược liệu quý: Gồm có 754 loài. Một số loài như sâm vũ điệp, trúc tiết nhân sâm, các loại Hoàng Liên, đỗ trọng, thổ hoàng liên, dâm dương hoắc là những cây thuốc không nơi nào có ở Việt Nam. Ngoài ra, Lan hài, lan kim tuyến, lan 1 lá, củ bình vôi, hoàng tinh … là những cây thuốc quý nhiều nơi có nhưng đã cạn kiệt, nay chỉ còn ở Sa Pa.
Các loài cây được mang tên Sa Pa: Vinh dự cho VQG Hoàng Liên là có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã phân loại, đặt tên cho cây và lấy ngay địa danh Sa Pa và Phan Si Pan làm tên cây. Có 36 loài của 22 họ thực vật mang tên Sa Pa và Fansipan đi khắp thế giới và trong đó có nhiều loài đặc hữu của Sa Pa mà các nơi khác không có.
Các quần thể cây di sản Việt Nam: VQG Hoàng Liên có tới 06 quần thể cây được công nhận là cây di sản Việt Nam gồm vân sam, thiết sam, đỗ quyên cành thô, đỗ quyên hoa đỏ, trâm ổi và hồng quang. Đây thực sự là niềm vinh dự và tự hào bởi các loài cây này có tuổi trung bình lên đến 500 năm và là nhân chứng sống cho sự thay đổi của khí hậu khu vực VQG Hoàng Liên.
Tuy có tính đa dạng cao nhưng hiện nay do ảnh hưởng tác động các hoạt động kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư sống trong khu vực VQG Hoàng Liên nên khu hệ thực vật ở đây không còn tự nhiên, nguyên vẹn liền khoảnh mà chỉ tồn tại tập trung ở những vùng cao, xa xôi, hiểm trở hoặc theo dải, theo đám dọc theo các khe suối, sườn núi đá
Đa dạng về động vật
Với khí hậu mát và lạnh mang tính ôn hòa, nhiệt độ tối cao bình quân không vượt quá 200C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối không dưới – 20C, và với nhiệt độ trung bình hàng năm 16 – 180C. Chính do các yếu tố khí hậu ôn hòa đã làm nền móng cho sự hình thành các hệ sinh thái tự nhiên. Trong đó có sự phong phú, đa dạng của các loài động vật hoang dã trên dãy Hoàng Liên và vùng phụ cận.
Khu hệ động vật VQG Hoàng Liên đã thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 96 loài thú; 346 loài chim; 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng thê, đặc biệt có loài ếch gai rất hiếm vừa được phát hiện.
Về côn trùng: bọ cánh cứng ăn lá có 89 loài, 40 giống và 9 phân họ Bọ cánh cứng. Kẹp kìm có 18 loài thuộc 7 giống, trong đó 4 loài chỉ tìm thấy ở VQG Hoàng Liên.
Về các loài bướm: VQG Hoàng Liên có rất nhiều loài bướm đẹp không những có giá trị bảo tồn, thương mại mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ. Nơi đây đã ghi nhận được 304 loài, thuộc 138 giống, 10 họ. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam có nhiều loài bướm chưa được tìm thấy ở các vùng miền khác của đất nước.
Loài đặc hữu, loài ưu tiên cần bảo vệ
VQG Hoàng Liên có 149 loài cây quý hiếm (chiếm 5,2%). Trong đó số loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam là 133 loài, 16 loài thuộc nhóm có nguy cơ bị diệt vong trên phạm vi thế giới. Mức độ quý, hiếm của chúng được xếp vào các nhóm như sau: Cấp E có 29 loài; Cấp T có 28 loài; Cấp R có 40 loài; Cấp V có 27 loài; Cấp K có 09 loài; Chưa xếp hạng ở Việt Nam có 16 loài (KK). Trong tổng 149 loài trên có 23 loài có tên trong Nghị định 18; 27 loài có tên trong Nghị định 48; Những loài thực vật quý, hiếm, đặc trưng của VQG Hoàng Liên như: vân sam, thiết sam, liễu sam, dẻ tùng, thông đỏ, tam thất, đảng sâm, bảy lá một hoa … Các loài thực vật quí, hiếm đã được nêu trong danh sách trên, ở VQG Hoàng Liên chúng đều trong tình trạng ít gặp và cần phải được bảo vệ.
Trong số 555 loài động vật có xương sống đã được ghi nhận ở Hoàng Liên, có 60 loài động vật quý, hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam (1992), 33 loài trong Danh lục đỏ IUCN/2004, 05 loài chim đặc hữu cho Việt Nam và 55 loài chim khác đặc hữu cho vùng núi cao của Hoàng Liên Sơn; Yếu tố đặc hữu còn cao hơn nữa đối với khu hệ lưỡng thê (06 loài) và có thể nói VQG Hoàng Liên đang bảo tồn nguồn gen của một nửa loài ếch nhái có ở Việt Nam và có thể được xem như điểm nóng về đa dạng của nhóm động vật này. Tuy có tính đa dạng cao, nhưng do tình trạng nguồn lợi động vật nên nhiều loài đang bị đe dọa, trong đó có nhiều loài gần như đã rơi vào tình trạng bị tiêu diệt ở Hoàng Liên như: vượn đen, hồng hoàng, cheo cheo, vooc bạc má. Những loài bò sát, lưỡng cư có giá trị thương mại hoặc dược liệu như: Các loài rùa, kỳ đà và các loài rắn hiện trở nên rất hiếm và cũng trong tình trạng bị đe dọa cao.
Chiến Hữu