Đa dạng sinh học thảo nguyên và đồng cỏ cần được bảo tồn

BVR&MT – Trái với suy nghĩ thông thường, quần xã sinh vật trên đồng cỏ và thảo nguyên là những hệ sinh thái đa dạng không thua kém các rừng mưa nhiệt đới. Thế nhưng, các quần xã này đang bị phá hủy với tốc độ ngày càng lớn, trong khi nhận được rất ít sự chú ý. Đó là kết luận từ nghiên cứu về đa dạng sinh học vùng nhiệt đới, vừa được đăng tải trên tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society B.
Trước đây, quần xã sinh vật đồng cỏ được cho là hình thành từ các khu rừng bị suy thoái, nên có mức đa dạng sinh học rất thấp. Quan điểm sai lầm này đã khiến các khu vực thảo nguyên và đồng cỏ ít được chú ý tới. Tuy nhiên, với tỷ lệ thay đổi mục đích sử dụng đất đáng kinh ngạc, đặc biệt là ở khu vực Trung và Nam Mỹ, những quần xã này nên được ưu tiên bảo vệ và cần được đưa vào phạm vi các khu vực bảo tồn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Charles Darwin (Australia) đã phân tích dữ liệu đa dạng sinh học hiện có nhằm kiểm chứng mức độ đa dạng các loài thực vật có mạch và ba nhóm động vật có xương sống quan trọng bao gồm lưỡng cư, chim và động vật có vú ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới.
Kết quả cho thấy mức đa dạng sinh học tại các quần xã sinh vật đồng cỏ cũng không có nhiều khác biệt so với rừng mưa nhiệt đới trong cùng một khu vực có lượng mưa ngang bằng. Các quần xã sinh vật đồng cỏ thường chỉ có mức đa dạng loài trung bình thấp hơn rừng mưa ở các khu vực có lượng mưa thấp hơn, đặc biệt với các loài cây có mạch và động vật lưỡng cư.
Rừng nhiệt đới hiển nhiên luôn là nơi sinh sống của hầu hết các nhóm động thực vật trên thế giới. Tuy nhiên, đối với các sinh vật đặc trưng của quần xã mở như cây thân cỏ, động vật ăn cỏ lớn và động vật ăn thịt, thì đồng cỏ và thảo nguyên mới là chính những điểm nóng đa dạng sinh học, điển hình cho lưới thức ăn phức tạp trên cạn. Quần xã sinh vật đồng cỏ cũng cung cấp nhiều nguồn tài nguyên, từ thực phẩm, nguồn nước, thuốc chữa bệnh, năng lượng (gỗ và than củi), cỏ cho gia súc và vật liệu xây dựng (gỗ và mái lợp), cho đến những dịch vụ văn hóa và tâm linh cho hàng triệu người trên khắp châu Phi, châu Á, Australia và Nam Mỹ. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống đa dạng sinh học toàn cầu, đóng vai trò tất yếu trong quá trình điều hòa carbon và chu trình dinh dưỡng.
Theo nghiên cứu, thay đổi mục đích sử dụng đất trên quy mô lớn đang là mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học thảo nguyên và đồng cỏ, đặc biệt là tại những vùng có lượng mưa cao hơn và phù hợp với thâm canh nông nghiệp. Trong những thập kỷ gần đây, đồng cỏ và thảo nguyên có tốc độ biến đổi rất cao, thậm chí vượt qua cả tỷ lệ mất rừng. Cụ thể, chỉ trong vòng 50 năm qua, hơn một nửa vùng đồng cỏ Cerrado tại Brazil đã bị tàn phá để phục vụ canh tác nông nghiệp. Tỷ lệ này còn cao hơn cả tỷ lệ mất rừng tại khu vực Amazon.
Hầu hết các quần xã sinh vật đồng cỏ nhiệt đới thuộc Đông Nam Á và Ấn Độ cũng đã bị tàn phá nghiêm trọng, trong khi đó, quá trình chuyển đổi các thảo nguyên thuộc tiểu vùng Sahara và phía Tây châu Phi sang đất nông nghiệp đang chậm lại sau thời kỳ chuyển đổi dài từ giữa những năm 1970. Những thảo nguyên có mật độ dân cư thưa thớt phía Bắc Australia có diện tích lớn nhất thế giới mới bị tàn phá 1% mặc dù chính phủ Australia cũng đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp quy mô lớn tại các khu vực này.
Không một phương pháp quản lý bảo tồn nào có thể áp dụng được cho tất cả các quần xã sinh vật đồng cỏ vùng nhiệt đới. Vấn đề là các quần xã sinh vật đồng cỏ nhiệt đới cần được các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và cả cộng đồng nhìn nhận như một nguồn đa dạng sinh học cần được bảo tồn. Với sức ép từ quá trình thay đổi mục đích sử dụng đất chóng mặt như hiện nay, đặc biệt là ở những vùng có lượng mưa cao, mạng lưới các khu bảo tồn lớn và có vị trí chiến lược đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Diệu Linh/ Theo Mongabay