BVR&MT – Đông Nam Á là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới, đồng thời cũng nằm trong số những khu vực mất mát nhiều sinh cảnh và động vật hoang dã.
2020 được cho là năm mang tính bước ngoặt đối với khí hậu và đa dạng sinh học toàn cầu với hai sự kiện lớn: một là Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) dự kiến tổ chức tại Scotland vào tháng 11/2020 và hai là Hội nghị các bên (COP15) tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học được ấn định họp tại Côn Minh, Trung Quốc tháng 10/2020 với mục đích đưa ra một loạt mục tiêu tiếp theo để thay thế các mục tiêu Aichi nhiều sai sót. Tuy nhiên, cả hai sự kiện quan trọng đều bị hoãn vì Covid-19, đại dịch có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe môi trường, trong đó, nhiều nhà khoa học kết nối sự xuất hiện của mầm bệnh Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc với nạn buôn bán động vật hoang dã và nạn phá rừng.
Các quốc gia Đông Nam Á có vai trò quan trọng trong cả hai cuộc họp trên bởi khu vực này có lượng phát thải carbon đang tăng nhanh, dẫn đầu là Việt Nam, Indonesia, Philippines, trong đó nguyên nhân tăng lượng phát thải chủ yếu là do hoạt động mở rộng sản xuất nhiệt điện than và giao thông vận tải dựa vào dầu mỏ. Hơn nữa, nạn phá rừng và cháy rừng thường xuyên cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu (do khí thải từ đất liền) và mất đa dạng sinh học vì chúng làm giảm sinh cảnh của nhiều loài động thực vật.
Mặc dù mong đợi các nước đang phát triển tự hành động là không thể nhưng vẫn có hy vọng rằng những cơ chế tài trợ như REDD + (khuyến khích bảo vệ rừng) và Quỹ Khí hậu xanh có thể được mở rộng và giúp khu vực đạt được các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học. Giới bảo vệ môi trường ngày càng lo sợ sự chậm trễ này có thể gây ra thảm họa. Với Đông Nam Á còn có thêm mối lo khác. Thay vì nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải bảo vệ tốt hơn cảnh quan và dẹp bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã, ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng đại dịch và hậu quả suy giảm kinh tế có thể dẫn đến sự tàn phá lớn hơn bởi cả hai yếu tố này đều tập trung vào phát triển trong khu vực và cũng làm gia tăng sức ép lên thiên nhiên do các cộng đồng nông thôn ngày càng nghèo đói hơn.
Đông Nam Á sở hữu 1/3 các cảnh quan nhiệt đới và đa dạng sinh học quan trọng của thế giới, cùng với Amazon ở Nam Mỹ và Congo ở châu Phi. 6/25 điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới nằm ở khu vực này – đây được xem là ngôi nhà của 20% các loài thực vật và động vật có xương sống trên hành tinh. So với các điểm nóng khác, Đông Nam Á có mật độ dân cư đông đúc hơn nhiều với dân số hơn 800 triệu người – nhiều hơn cả Amazon và Congo cộng lại.
Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên giàu có nhưng hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều có thu nhập thấp hoặc trung bình. Điều này có nghĩa là trong nhiều năm, môi trường thường bị hy sinh để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Tham nhũng cũng là một yếu tố nổi cộm của toàn khu vực và Đông Nam Á cũng đạt điểm khá thấp về Chỉ số nhận thức tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện.
Kết hợp mọi thứ lại với nhau, tình hình Đông Nam Á quả thật ảm đạm, trước cả khi đại dịch xuất hiện.
Thế Anh (Theo Diplomat)