Cứu hộ động vật chật vật vì Covid-19

BVR&MT – Thiếu tiền, thuốc men và khẩu trang đe dọa công tác từ thiện trên khắp thế giới, bao gồm hoạt động của các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại nhiều quốc gia.

Sáng 26/3, Louisa Baillie lái xe dọc con đường đất dài 5 km nối ngôi nhà của cô trong rừng nhiệt đới Amazon với con đường chính. Tại ngã ba, cô đỗ xe, đi bộ nốt quãng đường còn lại vào Mera – một thị trấn có khoảng 8.000 dân.

Tình nguyện viên ở Trung tâm bảo vệ đười ươi Borneo chăm soc đười ươi non. (Ảnh: Trung tâm bảo vệ đười ươi/Zuma/Alamy)

Sau khi mua đầy ba lô trái cây và rau quả từ những người bán hàng địa phương, cô ngắt vài chiếc lá để bắt những con mối trên những thân cây bên lề đường, bỏ vào một cái xô chứa những mảnh tổ mối nhỏ.

Baillie là bác sĩ thú y tại Merazonia – một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở Ecuador. Mối là bữa tối cho cá thể thú ăn kiến tên Andy – một cá thể non gần đây bị một trạm kiểm soát của cảnh sát tịch thu.

“Thông thường chúng tôi đi mua sắm hai lần một tuần nhưng hiện giờ không dễ để đi lại. Bây giờ chúng tôi đi mua sắm thường xuyên hơn ở trong làng và mua ít hơn, đồng thời xem có thể thu lượm được gì trên đường”, cô vừa giải thích qua điện thoại vừa nhét mớ lá mọng nước vào miệng một cá thể lười con đang rúc vào gấu bông. Nó ngã từ trên cây vài tuần trước và bây giờ đang lành lại.

Ecuador đang áp dụng lệnh hạn chế di chuyển trong nước để chống lại đại dịch virus corona.

Với khoảng 100 cá thể động vật trong trung tâm cứu hộ, bao gồm khỉ thầy tu, khỉ vàng tamarin, khỉ rú, khỉ kinkajou và báo sư tử, Merazonia phải đối mặt với tương lai bất định. Hầu hết động vật ở đây bị tịch thu từ các vụ buôn lậu động vật hoang dã ở Nam Mỹ và nhiều cá thể không thể quay về tự nhiên. Phần lớn nguồn thu của trung tâm đến từ du lịch tình nguyện. Nhưng khi biên giới đóng cửa với du khách nước ngoài, trung tâm khó trụ được lâu dài.

“Các hoạt động hàng ngày của chúng tôi dựa vào các khoản phí mà các tình nguyện viên trả, bao gồm chi phí thức ăn và thuốc men cho động vật. Mặc dù một số tình nguyện viên mắc kẹt ở Ecuador kể từ khi biên giới đóng cửa vào ngày 16/3, nhưng ngay khi biên giới mở lại, hầu hết mọi người sẽ về nhà”, Baillie chia sẻ.

Cá thể thú ăn kiến tên Andy ở trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Merazonia tại phía đông Ecuador. (Ảnh: Merazonia)

Khi virus corona lây lan từ nước này sang nước khác, làm gián đoạn việc đi lại và nền kinh tế toàn cầu, các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cũng phải giật gấu vá vai.

Trung tâm bảo vệ đười ươi ở Kalimantan, Borneo, Indonesia cũng đã phải tạm thời đóng cửa để giảm thiểu sự lây lan của virus.

Những trung tâm như Merazonia dựa vào tiền từ du lịch để chăm sóc động vật. Kể từ khi Trung Quốc đóng cửa Vũ Hán vào tháng 1, số lượng du khách đã giảm mạnh tại các trung tâm động vật hoang dã châu Á.

Edwin Wiek, người điều hành tổ chức Wildlife Friends Foundation Thái Lan kiêm Tổng thư ký Mạng lưới cứu hộ động vật hoang dã (gồm một nhóm các tổ chức cứu hộ động vật hoang dã ở Đông và Đông Nam Á) buồn bã chia sẻ “chúng tôi đã mất 80% kinh phí tài trợ” tại trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và là nơi trú ẩn của voi ở Phetchaburi.

“Chúng tôi có hơn 700 động vật – 25 cá thể voi cần rất nhiều công chăm sóc và thức ăn, khoảng 30 cá thể gấu và 400 cá thể linh trưởng”.

Voi được cứu hộ từ du lịch và khai thác gỗ được đưa về Elephant Nature Park ở phía bắc tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. (Ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP)

Nếu cắt giảm 50% nhân viên, các trung tâm cứu hộ có thể trụ được một hoặc hai tháng, cùng lắm là ba tháng. Theo luật pháp Thái Lan, Wiek không thể vay ngân hàng vì các trung tâm cứu hộ của ông hoạt động như một quỹ từ thiện, không phải là doanh nghiệp.

“Nếu không có thu nhập thay thế trong khoảng ba tháng kể từ bây giờ, tôi cần phải mở chuồng và thả động vật, điều mà tôi không thể làm được hoặc tôi phải từ bỏ chúng. Chúng tôi đang cố gắng làm mọi thứ có thể”.

Tại thành phố 16 triệu dân Thành Đô ở miền tây Trung Quốc, tổ chức Động vật châu Á điều hành một trung tâm cứu hộ 48 cá thể gấu ngựa được giải cứu từ các trang trại. Mật được hút từ túi mật của gấu là một thành phần chính của y học cổ truyền Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp trên diện rộng để ngăn chặn virus corona lây lan, giá thuốc và khẩu trang tăng vọt.

“Thật đáng sợ. Tại khu bảo tồn, chúng tôi có một đàn gấu rất già, phụ thuộc nhiều vào thuốc giảm đau. Đó là một thử thách phải vượt qua. Chúng tôi sẽ không bao giờ để phúc lợi của gấu bị xâm phạm nhưng làm được thế không dễ”, Ryan Sucaet, giám đốc thú y của trung tâm chia sẻ.

Một lô hàng 10.000 khẩu trang y tế cho công nhân biến mất, có khả năng bị chính phủ lấy cho các nhân viên y tế tuyến đầu. “Mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi lúc này là chắc chắn rằng kho dự trữ còn nhiều”.

Ở những nơi khác, Free the Bears, một tổ chức phi lợi nhuận của Úc hoạt động tại các khu bảo tồn ở Lào, Campuchia và Việt Nam đã có kế hoạch giải cứu một cá thể gấu đực và một cá thể cái vào giữa tháng 2. Cả hai bị giam cầm trong các trại gấu của Việt Nam hơn 18 năm. Nhưng khi chính phủ Việt Nam tạm thời ngừng mọi hoạt động vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã trong nước, hậu quả vô tình xảy ra: cuộc giải cứu đột nhiên trở nên bấp bênh.

Cuối cùng, Free the Bears đã được phép nhanh chóng di chuyển gấu đến khu bảo tồn ở Cát Tiên. “Tuy nhiên, bây giờ, di chuyển động vật hoang dã ở Việt Nam lại bị cấm”, Rob Mabin, Giám đốc truyền thông của tổ chức này cho biết.

Gấu vầy nước ở một trung tâm cứu hộ tại Việt Nam. (Ảnh: Gloria Dickie)

Mặc dù lo ngại về tiền bạc trong ngắn hạn nhưng với các nhân viên cứu hộ động vật hoang dã ở châu Á thì trong cái rủi có cái may. Cuối tháng 2, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tạm thời buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã và dự kiến sẽ thành luật vào cuối năm nay. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT soạn thảo chỉ thị chấm dứt vĩnh viễn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp do lo ngại các loài động vật là nguồn gốc của bệnh dịch.

22 năm trước, Jill Robinson thành lập tổ chức Động vật châu Á. Trong nhiều thập kỷ, tổ chức này đã thúc đẩy các chính phủ chấm dứt buôn bán động vật hoang dã. Bây giờ mục tiêu này sau rốt cũng sắp thành hiện thực. “Chúng tôi đã thấy sự thay đổi mạnh và tương đối nhanh chóng từ các cơ quan chức năng. Mặc dù vẫn còn phải xem liệu lệnh cấm có ảnh hưởng đến động vật dùng làm thuốc hay không nhưng thế giới đang thức tỉnh với thực tế là không thể nuôi động vật hoang dã một cách nhân đạo và trong điều kiện an toàn sinh học nghiêm ngặt”.

“Chúng ta đang nhận ra rằng cần thay đổi thói quen và thái độ về cách chúng ta chung sống và quản lý động vật hoang dã”.

Nhật Anh (Theo Guardian)